Bác sĩ tư vấn tôi chỉ có hai cách: hoặc thụ tinh ống nghiệm hoặc mổ tinh hoàn và cho uống bổ trợ iitamin E.
Hiện tôi đang kết hợp uống vitamin E đồng thời với thuốc nam, cụ thể: vợ tôi uống thuốc "Ôn kinh", còn tôi uống "Bát vị bổ thận sinh tinh" Lương y tư vấn phải uống trong ba tháng, giảm tần suất quan hệ để dưỡng "tinh binh". Thuốc có dạng hoàn, mỗi ngày 20 viên, mỗi viên kích thước bằng trái trứng cá nhỏ. Xin chuyên mục tư vấn thêm để sớm có em bé. (Bạn đọc)
- Trả lời của BS VƯƠNG THỊ NGỌC LAN - Góc Tư vấn hiếm muộn:
Các chỉ số trong tinh dịch đồ của anh cho thấy có tình trạng bất thường tinh trùng rất nặng. Anh cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm theo phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) để có con.
Anh có thể liên hệ các cơ sở có điều trị thụ tinh trong ống nghiệm để được hướng dẫn và điều trị.
* Chào BS, năm nay tôi 27 tuổi, có chồng hơn hai năm, kinh nguyệt không đều, có khi 2-3 tháng. Cách đây một năm dù không muốn có em bé nhưng vợ chồng tôi cũng rất vui khi biết tôi đã có thai, nhưng niềm vui đó không được bao lâu thì tôi bị hư thai khi thai chỉ mới 5 tuần (chỉ uống thuốc cho thai ra chứ không làm thủ thuật). Tôi rất buồn và luôn tự trách mình đã không giữ được con. Hiện tại vợ chồng tôi đang muốn có con, quan hệ bình thường tám tháng rồi nhưng không thấy gì. Tôi có mua que thử rụng trứng về thử, không thấy ngày rụng trứng nhưng vẫn thấy kinh (kinh ít và có màu nâu đen). Tôi đi khám và được bác sĩ cho toa thuốc: 15 viên ovestin cho 15 đêm đầu, 10 viên ovestin + 10 viên progeffik cho 10 đêm tiếp theo.
Tôi uống trong vòng hai tháng và thấy có kinh trở lại. Hiện giờ tôi đã ngưng thuốc theo toa và chờ có con. Tháng trước tôi có kinh vào ngày 8 nhưng giờ mới ngày 24 đã thấy có dịch màu nâu nhạt có lẫn chất nhầy, rất ít, lúc có, lúc không. Tôi rất sợ không thể có con được, kể từ lúc hư thai đến giờ tôi hay khó chịu trong người và luôn suy nghĩ về chuyện hư thai lần trước. Có phải vì tôi hay suy nghĩ và stress nên mới bị rối loạn kinh nguyệt? Tôi có bị sao không? (Bạn đọc)
- Sẩy thai một lần có thể là do cơ hội chứ không phải bị bệnh gì đặc biệt. Xuất huyết âm đạo một ít quanh thời điểm giữa chu kỳ có thể do tình trạng phóng noãn không tốt. Chị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn để được chẩn đoán và dùng thuốc gây rụng trứng giúp tăng khả năng có thai.
* Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn ba năm nhưng chưa có con, hôm qua vợ chồng tôi có đi khám ở Bệnh viện Từ Dũ, sau khi làm rất nhiều xét nghiệm và chụp X-quang cho vợ tôi, bác sĩ ở đó kết luận: chồng bình thường nhưng vợ bị tắc vòi trứng bên phải và tư vấn có hai cách điều trị: phẫu thuật vòi trứng, điều trị bằng uống thuốc.
Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn cách thức điều trị của hai phương pháp trên và tình hình bệnh có nghiêm trọng không, khả năng có con là bao nhiêu và chọn cách nào trong hai cách trên để đạt hiệu quả cao nhất (vì tôi nghe nói nên thụ tinh trong ống nghiệm). Trước đây tôi có đi khám bên Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ nói tinh trùng hơi yếu nhưng không đáng lo và cho uống thuốc một thời gian rồi thôi. (Bạn đọc)
- Tắc một vòi trứng vẫn có khả năng có thai. Tuy nhiên, HSG có kết quả âm tính giả cao, khoảng 30-50%, nghĩa là phim chụp cho kết quả tắc nhưng thật sự thì vòi trứng vẫn thông. Do đó, trong trường hợp này có một số cách giải quyết sau:
- Chụp HSG kiểm tra lại sau một tháng.
- Nếu tinh trùng của anh hơi yếu, có thể thực hiện kích thích buồng trứng kết hợp với bơm tinh trùng vào buồng tử cung, nhưng điều kiện cần là trứng phải rụng bên vòi trứng thông thì mới có hi vọng có thai.
- Mổ nội soi: là phương pháp khảo sát tình trạng vòi trứng có độ chính xác cao hơn, hơn nữa, nếu cần có thể kết hợp với điều trị.
Nếu vòi trứng tắc thật sự thì không có loại thuốc uống nào có thể làm thông vòi trứng được.
Tóm lại, anh nên thử tinh dịch đồ kiểm tra và tư vấn lại với bác sĩ về phương pháp điều trị.
* Tôi năm nay 37 tuổi, cơ thể khỏe mạnh. Chồng tôi 41 tuổi cũng có sức khỏe tốt. Chúng tôi đã có một con gái 12 tuổi. Vợ chồng tôi dự định sinh con thứ hai cách đây sáu năm nhưng không hiểu sao thai cứ được khoảng 5-6 tuần lại chết lưu.
Sau lần lưu thai thứ nhất, tôi nhờ bác sĩ tư vấn và gần một năm sau có thai lần thứ hai, bác sĩ đã tích cực điều trị nội tiết cho tôi nhưng thai vẫn lưu. Sau lần lưu thai thứ hai tôi đi làm các xét nghiệm, bác sĩ bảo nội tiết của tôi bình thường nên không ảnh hưởng gì, có thể có thai tự nhiên.
Tôi có thai lần 3 và bác sĩ lại tiêm nội tiết nhưng thai vẫn hỏng. Sau lần đó bác sĩ phát hiện trong dạ con của tôi có polip và bảo đây là nguyên nhân dẫn đến sẩy thai và khuyên tôi đi cắt polip. Tôi lên bệnh viện C cắt polip, sau đó sức khỏe tôi vẫn rất tốt, đồng thời bác sĩ tiến hành các xét nghiệm cho chồng tôi, anh ấy cũng không sao cả.
Sau đó sáu tháng tôi lại có thai và nhờ bác sĩ tư vấn, chăm sóc, tiêm nội tiết kịp thời nhưng vẫn hỏng. Tôi thực sự buồn chán và hoang mang, tốn kém mà vẫn không mang lại kết quả gì, tuổi thì mỗi lúc một nhiều. Song vợ chồng tôi vẫn khao khát có một đứa con nữa.
Vậy xin các bác sĩ tư vấn giúp: Tôi bị lưu thai nhiều lần do đâu? Tôi có khả năng sinh con được nữa không? Sinh con ở độ tuổi này thì con tôi có khỏe mạnh không? Nếu lần này thai lại lưu, lại phải nạo hút thì không biết ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến sức khỏe của tôi? (Bạn đọc)
- Thai lưu liên tiếp có thể do rất nhiều nguyên nhân. Nhóm nguyên nhân lớn nhất là do bất thường nhiễm sắc thể của phôi thai, tuy nhiên, khả năng chẩn đoán nhiễm sắc thể của mô phôi thai còn rất hạn chế. Các nguyên nhân khác như thiếu nội tiết, bất đồng nhóm máu, nhiễm trùng, nhiễm Cytomegalo virus hay Rubella... chiếm tỉ lệ ít. Chị nên đến bệnh viện để được kiểm tra toàn diện và có hướng xử trí thích hợp để có thêm một đứa con nữa.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Góc tư vấn hiếm muộn của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: [email protected].
Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận