Nhân viên của một cây xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM thay bảng giá xăng sau 15h ngày 21-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau khi điều chỉnh giá, có ý kiến hy vọng việc kinh doanh xăng dầu đã có chiết khấu lớn hơn, không còn tình trạng khan hiếm như những ngày qua.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy trong những ngày qua là nguồn cung xăng dầu thiếu hay tình trạng khan hàng, bán nhỏ giọt chủ yếu diễn ra ở các đại lý, doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Hiện Bộ Công thương đã tiến hành tổng thanh tra các doanh nghiệp đầu mối, nhưng theo các chuyên gia, để lành mạnh hóa thị trường, cần thực hiện tổng rà soát cả những doanh nghiệp phân phối, mạng lưới kinh doanh xăng dầu cũng như thực thi có hiệu quả, linh hoạt hơn Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vừa mới được ban hành.
Qua kiểm tra giám sát, thanh tra lần này, Bộ Công thương có thể "điểm mặt chỉ tên", trường hợp phát hiện vi phạm, có đầy đủ bằng chứng sẽ "đào thải", nhằm ngăn chặn tình trạng những doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng mua hàng từ các đầu mối một lượng hàng nhất định, sau đó lợi dụng quyền được mua hàng từ nhiều nguồn để lấy từ nguồn trôi nổi, khi khan hàng lại "đổ" cho vấn đề điều hành.
Ông TRẦN DUY ĐÔNG
Thanh tra ngược để biết thiếu từ đâu
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, một đại diện của thanh tra Bộ Công thương cho hay với ba đoàn thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương thành lập, sẽ thanh tra 33 đơn vị và chính thức triển khai, công bố việc thanh tra từ ngày 25-2 đến ngày 1-3 tới tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Theo đó, việc thanh tra sẽ làm rõ nguyên nhân của tình trạng khan hiếm, thiếu xăng dầu, găm hàng được phát hiện ở một số cửa hàng, đại lý mà đoàn kiểm tra trước đó đã thực hiện, cũng như theo thông tin phản ánh của dư luận, báo chí.
Theo một đại diện thanh tra Bộ Công thương, hiện có 36 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép, bên dưới nữa là các doanh nghiệp phân phối, tổng đại lý, đại lý và đơn vị nhượng quyền, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
"Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện có cửa hàng, cây xăng thiếu hàng, hoặc có hàng nhưng không bán, nên để làm rõ nguyên nhân, cần phải lần lại đầu mối, cửa hàng đó có thể trực thuộc một đại lý, đơn vị đầu mối, hoặc có thể cửa hàng thuộc doanh nghiệp phân phối, đầu mối. Vì vậy phải truy ngược lên xem cửa hàng đó thuộc đơn vị nào, ký hợp đồng ra sao, hệ thống tiêu thụ bao nhiêu, tại sao không có hàng để bán",vị này cho hay.
Thị trường xăng dầu trước đây được vận hành theo nghị định 83 (và nay là nghị định 95) có sự phát triển mạnh của hệ thống các doanh nghiệp tham gia thị trường ở nhiều khâu từ xuất nhập khẩu, phân phối bán buôn đến bán lẻ. Bên cạnh 36 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép (trừ 1 đơn vị bị đình chỉ từ tháng 3-2021 và đơn vị kinh doanh nhiên liệu bay), thì mạng lưới phân phối cũng tăng mạnh số lượng trong những năm gần đây với trên 300 doanh nghiệp cùng với gần 15.000 cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Nhìn nhận về những vấn đề của thị trường xăng dầu thời gian qua như cung cầu bất ổn, giá cả biến động gây nên tình trạng thiếu hàng, đóng cửa hay găm hàng hoặc những vụ xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng quy mô lớn, ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng "chỉ một bộ phận doanh nghiệp " kinh doanh thiếu lành mạnh và cần phải thanh tra làm rõ, xử phạt nặng.
Về việc có nhiều doanh nghiệp đầu mối và phân phối, ông Đông cho rằng những năm qua số lượng DN kinh doanh xăng dầu có tăng nhưng "không phải quá mạnh", chưa kể thực tế có DN còn bị thu hồi giấy phép. DN khi gia nhập thị trường đủ điều kiện thì phải cấp phép, giúp thúc đẩy hệ thống phân phối nhưng trong quá trình hoạt động nếu quy mô tài chính yếu, tham gia bao tiêu nguồn lậu hay pha chế không hợp pháp, có vi phạm khi đủ căn cứ của cơ quan chức năng thì sẽ xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, cũng nhìn nhận những bất cập của nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây, ông Đông cho hay do lĩnh vực xăng dầu đóng góp nhiều ngân sách cho địa phương nên không tránh khỏi tình trạng "xin" lên đầu mối, hoặc phát triển mạnh phân phối. Điều này dẫn đến việc quy định về "đồng sở hữu" tại nghị định 83 (thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể đồng sở hữu hoặc thuê hạ tầng như kho, bể, cửa hàng...) nên cũng có hiện tượng có đơn vị mượn hoặc thuê hạ tầng để đáp ứng đủ thủ tục, điều kiện, mà không sở hữu thực chất.
"Thời gian sửa đổi nghị định 83 và áp dụng nghị định 95 lâu quá nên qua theo dõi cũng có nơi tranh thủ xin phép DN đồng sở hữu. Việc cho thuê thì sở công thương cũng chỉ được chứng nhận một cửa hàng, một đơn vị thôi. Với nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đã được sửa đổi, vừa đi vào thực thi, việc gia nhập thị trường có yêu cầu khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế từ lúc nghị định 95 ra đời không ông nào đủ điều kiện", ông Đông cho hay.
Nhân viên cây xăng số 462 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP.HCM) ra hiệu hết xăng khi khách đến đổ vào chiều 21-2 - Ảnh:T.T.D.
Phải hậu kiểm thường xuyên
Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng thị trường xăng dầu phát triển với định hướng có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước, không hạn chế sự tham gia của các DN trong nước nên đơn vị nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký, đáp ứng quy định là cấp phép. Do đó, vấn đề là cùng với sự phát triển mạnh của hệ thống mạng lưới phân phối, cơ quan quản lý cần thường xuyên rà soát.
"Tôi nghĩ khi việc kiểm tra, kiểm soát của Bộ Công thương với các DN đầu mối thường xuyên hơn sẽ giúp lập lại trật tự thị trường xăng dầu. Tôi khẳng định về tổng thể nguồn cung trên thị trường là không thiếu, nhưng ông nào kêu thiếu nguồn, bán ra nhỏ giọt, vì sao thiếu thì cần làm rõ, phải truy tận gốc mới ra được vấn đề. Các DN đầu mối vẫn khẳng định với tôi là đủ hàng, có hàng dự trữ đủ cấp cho hệ thống trực thuộc và đại lý nhượng quyền, mặc dù cấp theo tiến độ. Tuy nhiên có việc xảy ra cục bộ, chủ yếu là thương nhân phân phối, đại lý nhỏ", ông Bảo đề nghị việc kiểm tra kiểm soát phải thường xuyên, có chế tài cụ thể, khi phát hiện vi phạm phải có mức độ răn đe DN.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc tổ chức quản lý điều hành cũng như quản lý mạng lưới phân phối xăng dầu trong thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần phải xem xét lại. Số lượng DN được cấp phép để tham gia thị trường ngày càng nhiều, về nguyên lý giúp thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, tình trạng nhiều DN kinh doanh xăng dầu kém chất lượng vừa qua được phát hiện, rồi những rối ren trong cung cầu, giá cả thời gian gần đây, cho thấy rõ khi có nhiều DN tham gia nhưng quản lý nếu thiếu tính chặt chẽ thì chỉ làm cho thị trường rối loạn, kém hiệu quả và minh bạch.
"Hiện chúng ta vẫn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, phục vụ đời sống và sản xuất kinh doanh, vẫn gắn với Nhà nước quản lý thì cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm để vận hành, kiểm soát, quản lý mạng lưới này được hiệu quả, từ đầu mối, phân phối đến các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ.
DN tham gia thị trường này rõ ràng phải đáp ứng yêu cầu vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, gồm năng lực tài chính, hệ thống kho bãi, bồn chứa, vận chuyển, cửa hàng, đại lý... đáp ứng nhu cầu dự trữ đầu mối là 20 ngày, yêu cầu phân phối là 5 ngày. Ngoài ra, các yêu cầu khác như thẩm định, phê duyệt, cấp phép đến hoạt động hậu kiểm sau đó đều phải chặt chẽ, đúng quy định", ông Thịnh phân tích.
Đồ họa: T.ĐẠT
Chuẩn bị gì để có thể linh hoạt?
Theo ông Thỏa, với một ngành mà yêu cầu quản lý vừa phải thực hiện đa mục tiêu, quản lý giá có sự kiểm soát của Nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng thì cần có lộ trình phù hợp khi chưa thể "mở toang" thị trường.
Do vậy, cùng với việc xây dựng lộ trình để xăng dầu tiến sát hơn với thị trường, cơ quan điều hành cần tăng cường dự báo, nâng cao chất lượng, tính xác thực của dự báo thị trường để có những giải pháp điều hành, ứng xử phù hợp sẽ mang lại hiệu quả, kể cả việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành.
Trên cơ sở đó, dần mở cửa thị trường xăng dầu một cách thực chất, kiểm soát chặt chẽ các đơn vị có vị trí thống lĩnh thị trường, đảm bảo có cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Đồng tình, ông Bảo cũng cho rằng không thể có một cơ chế nào hoàn hảo được ngay lập tức cả.
"Việc giảm xuống còn 10 ngày/chu kỳ điều chỉnh cũng là sát thị trường hơn rồi nhưng để có cơ chế điều hành sát hơn, có thể là từ 3 - 5 ngày, hay để doanh nghiệp tự định giá thì phải đồng bộ từ năng lực quản lý, hệ thống hạ tầng, thanh toán... cũng như có các công cụ quản lý phù hợp hơn nữa như thuế, phí, quỹ bình ổn", ông Bảo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận