Một nhóm du khách trực tiếp ra chợ mua đồ ăn về nấu nướng cùng người dân Hội An - Ảnh: B.D.
"Du lịch homestay là để du khách được tới ở trong nhà dân, trực tiếp tham gia các hoạt động ăn uống, sinh hoạt, làm việc..., trải nghiệm như chính một người dân ở địa phương, nhưng thực tế nhiều nơi dù đón khách tới nhưng gần như không có một mối liên kết nào với gia chủ, văn hóa gia đình nơi khách lưu trú" - ông Lê Văn Bình, trưởng Phòng thương mại và du lịch Hội An, nói.
Đến homestay nhưng phải ở... nhà nghỉ
Tới các khu vực tập trung dịch vụ homestay lớn như Cẩm Châu, Thanh Hà, các tuyến đường nằm ven trung tâm Hội An... có rất nhiều tấm bảng bắt mắt mời gọi du khách vào lưu trú theo dạng homestay.
Tại một cơ sở dạng này trên đường Nguyễn Tri Phương, từ ngoài cho tới phía trong cơ sở lưu trú được bố trí phòng ốc, các hạng mục phục vụ du khách chuyên nghiệp chẳng khác gì... khách sạn.
Theo chủ homestay này, ngôi nhà là nơi nhiều thế hệ gia đình sinh sống, thấy nhiều hộ dân mở homestay, gia đình cũng thu xếp phòng ốc để mở dịch vụ homestay đón khách. "Trong nhà chỉ có hai vợ chồng lớn tuổi, chúng tôi thuê nhân viên dọn dẹp phòng, nấu ăn, pha chế cà phê và thu tiền du khách" - chủ cơ sở này nói.
Ở một homestay tại trung tâm Hội An, dù gia chủ, con cái sinh sống chung với du khách trong nhà nhưng từ bên ngoài vào tới phòng, cho tới cung cách phục vụ, chúng tôi hoàn toàn không nhận ra đây là một homestay mà nói đúng hơn là một nhà nghỉ kết hợp với việc ở của cả gia đình.
"Con tôi hiện đang đi học đại học, chồng tôi làm cán bộ nhà nước nên đi vắng cả ngày. Tôi ở nhà nhàn rỗi nên dốc vốn xây dựng cơ sở làm homestay đón du khách" - chủ cơ sở chia sẻ.
Tour homestay theo "chuỗi"
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, số homestay trên toàn tỉnh hiện đạt 270 cơ sở, trên 90% trong số này nằm ở phố cổ Hội An.
Theo ông Nguyễn Minh Lý - chánh Văn phòng UBND TP Hội An, việc dễ dãi trong tổ chức homestay đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến thương hiệu du lịch phố cổ.
"Một số cơ sở dù đặt tên là homestay nhưng chủ cơ sở không thường trú ở địa phương, họ ở tận Hà Nội, Hải Dương và thậm chí một số người quốc tịch nước ngoài..." - ông Lý nói.
Phòng thương mại và du lịch TP Hội An cho hay trong năm 2017, lượng hồ sơ các cơ sở đăng ký hình thức homestay tiếp tục tăng, tuy nhiên trước quyết tâm trả homestay về đúng nghĩa, các đơn vị đã bác 13 hồ sơ, thu hồi chủ trương đầu tư một số homestay vì không tuân thủ các điều kiện.
"Sau khi UBND tỉnh có chủ trương siết chặt quản lý thông qua việc ban hành quy chế homestay, chúng tôi đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các địa điểm không tuân thủ các quy định đón tiếp phục vụ khách..." - ông Lê Văn Bình nói.
Cũng theo ông Bình, Hội An đã phải triển khai hàng loạt tour đưa du khách đến lưu trú tại các homestay ở những vùng nông thôn.
Lần đầu tiên Hội An xây dựng và đưa du khách vào trực tiếp tham gia sản xuất, làm nông dân, đánh bắt cá, lưu trú làm công dân của Hội An trong homestay tại làng rau An Mỹ (Cẩm Châu).
Tất cả các gia đình tham gia hoạt động này đều được tập huấn, có cam kết về việc cho du khách trải nghiệm đời sống bản địa.
Siết chặt quy định
Từ tháng 11-2017, để được mở homestay ở Hội An, chủ kinh doanh phải đáp ứng điều kiện "cứng" là người có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú - đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh homestay.
Ngoài ra, UBND TP Hội An cũng ban hành những quy định cụ thể hơn như chủ cơ sở không có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, số tầng ngôi nhà không vượt quá hai tầng, có không gian thờ tổ tiên và ngũ tự gia đường...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận