24/05/2023 11:27 GMT+7

Bát nháo mua bán trứng, tinh trùng - Kỳ 1: Cò trục lợi từ người hiến trứng

Tỉ lệ hiếm muộn, vô sinh tại Việt Nam ngày càng cao, kéo theo nhu cầu người hiến tặng trứng (noãn), tinh trùng càng nhiều.

“Cò” Tú  (trái) dẫn nữ  PV đến cơ sở xét  nghiệm để siêu âm  đếm trứng vào ngày 8-4 - Ảnh cắt từ video

“Cò” Tú (trái) dẫn nữ PV đến cơ sở xét nghiệm để siêu âm đếm trứng vào ngày 8-4 - Ảnh cắt từ video

Nhưng việc làm nhân đạo này dần bị biến tướng, chuyển sang hình thức mua - bán công khai thông qua "cò" với đủ mánh khóe.

Sau hơn một tháng thâm nhập tìm hiểu, phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận thực tế phía sau các lời chào mời hiến trứng, hiến tinh trùng bồi dưỡng cao tràn ngập trên mạng xã hội thực chất là "cò" trục lợi trên người "hiến", với đủ chiêu trò mánh khóe.

Từ 27 - 30 triệu đồng là số tiền gia đình hiếm muộn "xin" trứng thông qua "cò", trong khi đó người "hiến" chỉ nhận được khoảng 18 triệu đồng. Từ ngã giá đến tuyển chọn, "ghép" hồ sơ tại bệnh viện... đều qua tay "cò".

"Cần người hiến trứng, bồi dưỡng cao, chỉ cần căn cước công dân...", đó là những lời rao dày đặc trên hàng chục hội nhóm công khai đến nhóm kín có tới hàng chục ngàn người tham gia trên mạng xã hội.

Tuyển người "hiến" trứng bồi dưỡng cao

Khi có người liên hệ cần "hiến" trứng, "cò" Tú (28 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) chốt số tiền nhận được sau khi chọc hút trứng tại bệnh viện là 18 triệu đồng. Tú bảo người "hiến" cung cấp hàng loạt các thông tin như: năm sinh, chiều cao, cân nặng, hình chụp toàn thân, căn cước công dân.

"Nếu muốn (nhiều tiền) hơn thì phải có học thức, chiều cao, nhan sắc. Có chỗ chấp nhận trả cao hơn khi nhóm máu đang nằm trong danh sách cần", Tú nói.

Đối với người "hiến" trứng đang ly thân, Tú bảo chỉ cần căn cước công dân, dặn đến phòng khám và bệnh viện phải khai độc thân và cho biết tại bệnh viện sẽ không có ai hỏi giấy này.

Bát nháo mua bán trứng, tinh trùng - Kỳ 1: Cò ra giá 'xin' trứng, trục lợi từ người 'hiến'

Theo quy định, người cho trứng vì mục đích nhân đạo chỉ được cho một lần tại cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép. Dù vậy, Tú vẫn nhận người "hiến" lần 2, 3, 4... Tiền "bồi dưỡng" lần 2 giảm xuống còn 15 triệu đồng do Tú cần làm lại giấy tờ.

Tú nói bản thân cũng đã 3 lần "hiến" trứng, nhưng giấu không cho chồng biết. "Không những lần 2, có nhiều bé đi ra Hà Nội làm lần 3, lần 4, lần 5 luôn. Làm khác bệnh viện là khác thông tin rồi", Tú nói.

Theo Tú, người "hiến" trứng cần qua siêu âm đếm trứng vào ngày đầu chu kỳ kinh nguyệt. Với kết quả số trứng đạt, Tú bảo các bước tiếp theo là xét nghiệm AMH (đánh giá tình trạng dự trữ buồng trứng) ở bệnh viện, tiêm thuốc kích thích trứng khoảng 12 ngày, sau cùng là chọc trứng và nhận tiền. Tú yêu cầu khi đến bệnh viện, người "hiến" không được hỏi nhiều hay than mệt.

Chiều 8-4, Tú hẹn nữ PV đến một cơ sở xét nghiệm tại quận 10 để siêu âm đếm trứng. Tú nói với nữ nhân viên tại quầy: "Đi siêu âm trứng noãn, chỗ bác sĩ Đ.. Bác sĩ Đ. nói có liên kết bên đây". Đăng ký xong, Tú chuyển khoản thanh toán 180.000 đồng, nhận lại hóa đơn in tên khách là "BS P.V.Đ." cùng số điện thoại của Tú.

Tú xem kết quả siêu âm, nói số trứng của PV đã đạt và sẽ gửi kết quả trên cho gia đình hiếm muộn. Tú hẹn ngày đến Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh xét nghiệm AMH.

Trước khi ra về, cô ta khoe nhà mình hiện đang nuôi ăn ở nhiều cô gái trẻ ở các tỉnh đến TP.HCM "hiến" trứng, và cho biết sáng nay một cô gái 22 tuổi ở Bình Dương chọc hút trứng xong đã nhận được tiền "bồi dưỡng".

“Cò” Ngọc cùng một người trong nhóm “hiến” trứng vào phòng siêu âm khoa hiếm muộn Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh - Ảnh cắt từ video

“Cò” Ngọc cùng một người trong nhóm “hiến” trứng vào phòng siêu âm khoa hiếm muộn Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh - Ảnh cắt từ video

"Cò" vô tư hoạt động trong bệnh viện

Ngày 10-4, Tú dẫn PV đến khu khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (quận 10) giao cho "cò" Ngọc và Muội (còn có tên là Su), sau đó rời đi.

Ngọc và Muội đưa cho bốn người "hiến" trứng phiếu thông tin đăng ký khám bệnh. Muội bảo chỗ thông tin nơi cấp căn cước công dân chỉ cần viết tắt là "CCS", không cần ghi rõ "Cục Cảnh sát".

Muội tạo nhóm Zalo "đợi khám", nhắn tin "điều" nhóm người "hiến" trứng lên lầu 5 khoa hiếm muộn của bệnh viện. Thời điểm này có rất đông bệnh nhân chờ khám. Muội dặn: "Bác sĩ siêu âm xong ra ngoài nhắn chị, không nói chuyện với ai, ai hỏi gì không biết. Bác sĩ siêu âm xong nói mấy chị y tá để chị Su lên lấy hồ sơ em, rồi ra ngoài đợi".

Cũng tại bệnh viện, "cò" Ngọc có lúc nói chuyện qua lại với "cò" Thảo - quản trị viên của nhiều nhóm "hiến" trứng trên mạng xã hội.

Khoảng 14h cùng ngày, khi bác sĩ Đ.T.H. vào khoa hiếm muộn, Muội ngồi bên ngoài, còn Ngọc đi cùng bốn người "hiến" trứng vào phòng bác sĩ trên. Thời điểm này, trong phòng siêu âm còn có một số bệnh nhân khác. Ngọc giữ các hồ sơ giấy tờ liên quan của nhóm người "hiến", rồi đặt lên bàn làm việc của bác sĩ H..

Dù không có phận sự gì, Ngọc vẫn thản nhiên đứng và đi lại ngay trong phòng siêu âm. Khi bác sĩ H. đọc tên người trong nhóm đợi khám "hiến trứng", Ngọc nhanh tay đẩy người này đi lại vào giường nằm siêu âm. "Trời ơi, kêu tên thì dạ một cái", Ngọc nhắc một cô gái 24 tuổi.

Trong số bốn người trên thì chỉ hai người có kết quả đạt để "hiến" trứng là PV và một cô gái 23 tuổi. Liền sau đó, Muội xóa nhóm Zalo "Đợi khám", hai cô gái có kết quả không đạt phải ra về.

Muội và Ngọc bày người có kết quả đạt ghi giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc cho trứng. Thời điểm trên, các thông tin về bên nhận trứng đều bỏ trống. Ngọc và Muội có lúc đi lại nói chuyện với nhân viên bệnh viện.

Qua tin nhắn, Muội "điều" PV xuống tầng trệt chờ gia đình hiếm muộn chuyển tiền đóng phí xét nghiệm máu, đồng thời hối gửi hình ảnh cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân. Sau khoảng 30 phút chờ, bên người nhận trứng mới chuyển khoản số tiền trên cho bệnh viện.

Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, Muội đưa túi thuốc cùng đơn thuốc tiêm kích thích trứng, kêu PV vào phòng chờ tiêm thuốc. Vài phút sau, nữ nhân viên bệnh viện đến gọi tên PV và pha thuốc kích thích buồng trứng. Trong phòng tiêm, nhân viên y tế này hỏi: "Ai dẫn chị? Chị Su hay chị Ngọc?".

Tối cùng ngày, Muội thêm tài khoản Zalo PV vào nhóm "ht Vạn Hạnh". Nhóm này là nơi Muội và Ngọc hướng dẫn "đường đi nước bước", nhắc nhở những người "hiến" trứng trong thời gian tiêm thuốc kích thích buồng trứng tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Muội và Ngọc đều dặn những người "hiến" trứng khi vào bệnh viện phải khai tình trạng hôn nhân là độc thân.

“Cò” Ngọc (trái) và Muội nói chuyện với nhau tại khoa hiếm muộn Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vào ngày 10-4 - Ảnh cắt từ video

“Cò” Ngọc (trái) và Muội nói chuyện với nhau tại khoa hiếm muộn Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vào ngày 10-4 - Ảnh cắt từ video

"Cò" hưởng lợi lớn

Theo tìm hiểu, "cò" Tú đã có bốn năm hành "nghề" môi giới "hiến" trứng.

Qua nhiều hội nhóm Facebook, Tú tìm những người muốn "hiến" trứng để có tiền tiêu xài. Sau đó, Tú sẽ giao cho hai môi giới khác là Ngọc và Muội để kiếm "hoa hồng".

Ngọc và Muội là hai môi giới kết nối giữa gia đình người hiếm muộn với người "hiến" trứng. Tú nói Ngọc và Muội có thời gian làm môi giới lâu hơn nên được Tú coi như "sếp".

"Mấy chị đó làm trực tiếp trên bệnh viện, là làm việc với bên bác sĩ. Mấy chị đó có quan hệ với bác sĩ. Nói chung tui kiếm người xong cũng phải bỏ lại cho mấy chị đó, chứ người ta đâu dễ dàng gì cho mình làm trực tiếp với bác sĩ.

Khó lắm! Mình phải có quan hệ với bệnh viện, phải quen biết đủ thứ hết, không phải chuyện đơn giản đâu", Tú bảo.

Mỗi tháng, Tú có thể kiếm được từ 30 - 60 triệu đồng từ việc môi giới "hiến" trứng. "Tùy tháng ít tháng nhiều, tháng nào 10 ca cũng được 30 triệu đồng", Tú nhẩm tính.

Trường hợp muốn làm cộng tác viên tìm người "hiến" trứng, Tú sẽ "bỏ giá" cho 19 triệu đồng, tiền này bao gồm tiền hoa hồng của cộng tác viên và tiền của người "hiến". Trong 19 triệu đồng đó, cộng tác viên muốn "cắn" của người "hiến" trứng bao nhiêu thì tùy.

Tú tiết lộ thêm, số tiền "cò" Muội nhận từ gia đình hiếm muộn trả cho mỗi lần "xin" trứng là 28 - 30 triệu đồng. Muội sau đó bỏ giá cho Tú 20 triệu đồng cho mỗi ca "hiến" trứng. Rồi Tú trả tiền "bồi dưỡng" cho người "hiến" 18 triệu đồng. Về số tiền chênh lệch khoảng 8 - 10 triệu đồng khi qua tay "cò" Muội, Tú huỵch tẹt: "Chị Muội đâu ăn hết đâu. Chị Muội phải chia cho bác sĩ nữa".

Còn Muội, vào ngày 6-5 thì báo phí mà gia đình hiếm muộn "xin" trứng là 27 triệu đồng, bao gồm tiền cho môi giới và tiền của người "hiến trứng", nhưng chưa tính tiền thuốc, tiền khám của người "hiến" trứng.

Người "xin" trứng không cần đặt cọc trước mà sẽ thanh toán một lần cho Muội vào trước lúc người "hiến" chọc hút trứng. "Không phải cọc cho em đâu, em làm với mấy bác trên Bệnh viện Vạn Hạnh ai cũng biết rồi mà", Muội chắc lời.

Theo Muội, người hiến trứng là sinh viên hoặc mẹ đơn thân, trường hợp gia đình hiếm muộn muốn người hiến có chiều cao và xinh xắn hơn thì cho người "hiến" thêm 1 triệu đồng.

Muội cũng khẳng định người "hiến" trứng sẽ không thể biết được thông tin của người "xin" trứng. "Em sẽ thay anh chị dẫn bé đi khám, anh chị sẽ được biết thông tin của bé nhưng bé không bao giờ biết được thông tin của anh chị, tại vì có em". Muội nói thêm: "Em là người ghép hồ sơ cho anh chị mà, nó (người "hiến" trứng - PV) làm gì được quyền đụng vô".

Còn "cò" Thảo thì báo giá gia đình hiếm muộn "xin" trứng từ 30 - 35 triệu đồng, trong khi đó bà này chốt giá với người "hiến" trứng chỉ nhận được 18 triệu đồng. Đối với người ở xa đến TP.HCM "hiến" trứng, bà Thảo sẽ lo chỗ ở nhưng tiền bồi dưỡng phải trừ đi 2 triệu đồng. "Nếu chịu ở, trừ 2 triệu, em còn 16 triệu đồng được không? Em có kinh em báo chị lên khám rồi qua bên đó ở luôn", "cò" Thảo nói.

"Cò" dọa "phốt" nếu người "hiến" không trả lại tiền

Sáng 11-4, khi biết được PV không thể tiêm những mũi kích thích trứng tiếp theo, Tú liên tục nhắn tin dọa sẽ đăng ảnh căn cước công dân, ảnh cá nhân của PV để "phốt" trên mạng nếu không trả lại các khoản phí siêu âm, xét nghiệm, thuốc...

Trái ngược những lời chào mời ban đầu, Tú dọa: "Không thanh toán xong hôm nay tao "phốt". Mày ói ra 3,2 triệu trả tao", Tú đòi trả 3,2 triệu đồng, trong khi số tiền cộng gộp các hóa đơn khoản phí là 2.994.000 đồng.

Mua bán tinh trùng bất chấp luật lệMua bán tinh trùng bất chấp luật lệ

TTO - Theo quy định, một mẫu tinh trùng/noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một trường hợp hiếm muộn. Trường hợp người nhận tinh trùng/noãn đó thụ tinh không thành công, cơ sở y tế mới được chuyển cho người hiếm muộn khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp