26/09/2018 11:08 GMT+7

Bát nháo dịch vụ làm đẹp - Kỳ 2: Tiền mất tật mang

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Theo quy định, chỉ cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ làm việc và được Sở Y tế cấp phép mới được thực hiện dịch vụ có xâm lấn. Nhưng các cửa tiệm gội đầu, spa cũng tiêm truyền, xăm mí mắt, xăm môi, thực hiện các dịch vụ gây chảy máu một cách trái phép.

Bát nháo dịch vụ làm đẹp - Kỳ 2: Tiền mất tật mang - Ảnh 1.

Một phụ nữ bị loét vùng môi sau tiêm filler đến điều trị tại một bệnh viện - Ảnh: BV

Việc xử lý vi phạm hiện nay quá thấp, trong khi quảng cáo trái phép là bằng chứng của việc làm sai trái chỉ phạt vài triệu là rất vô lý. Để tình hình bát nháo các cơ sở thẩm mỹ như hiện nay một phần lỗi chính là của cơ quan quản lý.

Một bác sĩ thẩm mỹ chia sẻ

“Trị liệu một lần 60-90 phút, phá hủy tới 10-15kg mỡ, thu gọn từ 30-45cm vòng bụng. Thành phần hủy mỡ an toàn, tiêu mỡ tự nhiên...” là đoạn quảng cáo của một spa trên mạng xã hội đưa hàng loạt phụ nữ đến mua dịch vụ giảm béo tại cơ sở này. Thực tế ra sao?

Trong số các khách hàng, chị P.T.L. ở Ninh Bình đã mua dịch vụ của thẩm mỹ viện K hồi tháng 7-2018. Nộp hơn 45 triệu đồng, chị L. được "cấy" 36 ống tinh dầu. 

Rắc rối ở chỗ nhân viên cơ sở nói rằng kỹ thuật họ thực hiện là cấy tinh dầu, nhưng trong clip chị L. ghi lại về quá trình thực hiện dịch vụ, cơ sở này đã tiêm sản phẩm vào vùng bụng chị và làm thâm tím vùng này, trong khi theo quy định thì các spa làm đẹp không được phép tiêm, truyền.

Nguy hiểm cấy tinh dầu

Nguy hiểm hơn là sau khi được "cấy" 36 ống tinh dầu, vùng bụng của chị bị thâm tím kéo dài, hai loại thuốc chị được spa cung cấp để hỗ trợ giảm béo làm chị bị tiêu chảy kéo dài hàng tuần. 

"Bình thường bị tiêu chảy tôi chỉ cần uống một viên thuốc chống rối loạn tiêu hóa là khỏi, lần này uống thuốc trong một tuần mà vẫn tiêu chảy nhiều, lúc nào cũng nhạt miệng như người bị bệnh lâu năm, cả ngày mệt mỏi. Hỏi thẩm mỹ viện thì họ nói không có biện pháp gì hỗ trợ và chỉ có cách ngưng sử dụng thuốc" - chị L. kể lại.

Sau hơn một tháng đi lại Hà Nội - Ninh Bình và ngược lại mong giảm được béo, chị L. không những không giảm mà vùng bụng còn chảy sệ, xấu hơn trước khiến chị thấy rất tự ti. 

Chứng tiêu chảy do uống thuốc giảm béo giờ gây hậu quả trầm trọng là chị cứ ăn gì khác thường vào là lại bị tiêu chảy.

Mặc dù mua dịch vụ giá 45 triệu đồng, nhưng khi xem kỹ, chị tá hỏa khi thấy một trong hai loại thuốc được phát giá chỉ 590.000 đồng/hộp. 

Điều đặc biệt cả hai loại thuốc đều được tháo khỏi vỉ, bỏ vào hộp mới, khi chị L. hỏi đó là thuốc gì thì được nhân viên thẩm mỹ viện thông báo không thể tiết lộ do đó là công thức... độc quyền.

Đây chỉ là một trong số các phụ nữ đã mua gói dịch vụ giảm béo ở thẩm mỹ viện này đang kêu cứu. 

Trong tay chúng tôi đang có ba đơn kêu cứu của ba phụ nữ, đều mua gói dịch vụ trị giá 45 - 100 triệu đồng và đều không đạt hiệu quả, chưa kể những ảnh hưởng lâu dài với sức khỏe như ảnh hưởng hệ tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài. 

Các chị đều cho biết đã tuân thủ chế độ ăn khắc nghiệt do thẩm mỹ viện hướng dẫn nhưng béo vẫn hoàn béo. 

Chị L. đã kêu cứu đến Sở Y tế Hà Nội và cho biết "thẩm mỹ viện không được quyền tiêm cho bệnh nhân, nhưng clip trong tay chị cho thấy nhân viên của thẩm mỹ viện đã tiêm".

Ai quản chất lượng các nơi làm đẹp?

Theo quy định hiện hành, chỉ cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ làm việc và được Sở Y tế cấp phép mới được thực hiện dịch vụ có xâm lấn. 

Nhưng hiện nay cả các cửa tiệm gội đầu, spa vốn mở ra để chăm sóc da thông thường cũng tiêm truyền, xăm mí mắt, xăm môi, thực hiện các dịch vụ gây chảy máu một cách trái phép.

Bác sĩ Phạm Cao Kiêm - trưởng khoa Phẫu thuật, tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương - cho hay gần như tháng nào bệnh viện cũng nhận các trường hợp bị biến chứng do tiêm filler tại các spa. 

Trong ba tháng qua, có ít nhất bốn trường hợp bị biến chứng nặng phải vào bệnh viện này, các chị đều bị tạo ổ mủ và sưng, thâm tím từng mảng lớn ở vùng tiêm, vừa gây mất thẩm mỹ vừa ảnh hưởng sức khỏe. 

Các bác sĩ đã phải tiêm thuốc giải phóng chất làm đầy, nhưng lo ngại nguy cơ sau khi vào cơ thể, chất làm đầy đã tỏa đi nhiều cơ quan trong cơ thể, không thể xử lý hết, nguy cơ ảnh hưởng về lâu dài.

Ông Nguyễn Việt Cường - chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội - cho biết các spa vốn chỉ được phép chăm sóc da và các dịch vụ thông thường, theo quy định là do phường, quận quản lý và chỉ cần đăng ký kinh doanh là được phép hoạt động. 

Theo ông Cường, gần đây có hàng chục cơ sở làm đẹp (có giấy phép hành nghề) bị xử phạt, chủ yếu là phạt do quảng cáo quá phạm vi dịch vụ được phép hành nghề. 

"Các spa chủ yếu quảng cáo trên mạng xã hội, Internet, cũng không thuộc nhóm cơ sở do chúng tôi quản lý" - ông Cường phân trần.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều sai phạm tại các cơ sở vốn chỉ được phép thực hiện dịch vụ thông thường này. Năm 2017, Spa R ở Cầu Giấy đã tiêm giảm béo trái phép cho nhiều khách hàng và khách hàng đã tố cáo lên Sở Y tế sau khi thấy chất lượng dịch vụ không như mong muốn. 

Cũng trong năm 2017, một phụ nữ bị sẹo xấu ở mắt, mắt bị nhíu, nếp gấp mí mắt bị khâu nham nhở sau khi đến một cơ sở trái phép vốn là cửa hàng gội đầu để nhấn mí. Khi vụ việc bị phát hiện, chủ cửa hàng gội đầu đã bỏ trốn. 

Và mới đây, một phụ nữ đến sửa môi trái tim tại một cửa hàng gội đầu, môi trái tim đâu không thấy, chỉ thấy cửa hàng này đã biến đôi môi phụ nữ này gần giống...mỏ chim. 

Tuần vừa qua còn có một cô giáo kêu cứu vì môi bị toác và bong vảy kéo dài sau khi được xẻ môi trái tim tại một spa.

Từ tháng 6-2018 đến nay, có 5 phụ nữ bị tạo mủ ở vùng mắt, môi, cằm, mũi, bị thâm tím vùng bị tiêm sau khi tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi, tạo dáng môi, cằm tại các spa. 

Tuy nhiên sau khi bị tai biến, khách hàng đành phải đến bệnh viện để sửa chữa, chủ spa bỏ trốn hoặc gây khó khăn, thậm chí còn đe dọa khách hàng.

Bát nháo dịch vụ làm đẹp - Kỳ 2: Tiền mất tật mang - Ảnh 3.

Một ca phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện theo tiêu chuẩn y tế - Ảnh: BSCC

Loạn do không ai quản?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Thiết Sơn (ĐH Y Hà Nội) cho hay Trung Quốc đã cấm mỡ nhân tạo 8 năm nay, nhưng gần đây ông đã gặp bệnh nhân 29 tuổi bị hư hẳn 2 ngực vì tiêm mỡ nhân tạo xuất xứ Trung Quốc tại một spa. 

Ở Nam Định có một nhóm chị em cũng được tiêm loại mỡ nhân tạo này đều gặp biến chứng, họ đang chuẩn bị được can thiệp để điều trị. "Nhiều chị em không tìm hiểu kỹ, dễ dãi khi chọn cơ sở làm đẹp" - ông Sơn nhận xét.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hiện nhóm cơ sở thẩm mỹ do phường, quận quản lý đang là nhóm nhiều biểu hiện "loạn" nhất bởi thực chất là không ai quản. 

Phường, quận thấy họ quảng cáo tưởng đó là phòng khám, phòng thẩm mỹ do sở y tế, Bộ Y tế quản, nhưng sở, bộ lại không cấp phép và tưởng là phường, quận quản. 

Chưa kể việc xử phạt các vi phạm quá thấp: sai phạm về quảng cáo chỉ bị phạt vài triệu đến trên 10 triệu, trong khi giá thực hiện một gói dịch vụ là hàng chục triệu đến hàng trăm triệu, nên một số cơ sở sẵn sàng vi phạm và nộp phạt. 

Các spa hiện cũng không phải chịu chế tài bổ sung là thu hồi giấy phép hành nghề (vì họ làm gì có giấy phép hành nghề) nên sai phạm càng nhiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho hay Hà Nội hiện có trên 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép, quản lý, nhưng số lượng các spa, viện thẩm mỹ lên đến hàng trăm và đang thực hiện các dịch vụ làm đẹp như xăm môi, xăm lông mày, tiêm giảm béo, nhấn mí... tức là làm các dịch vụ có xâm lấn và gây chảy máu mà họ không được phép thực hiện.

Bát nháo dịch vụ làm đẹp - Kỳ 1: Hiểm họa tân trang “cậu nhỏ”

TTO - Gần đây xảy ra rất nhiều ca tai biến liên quan đến việc làm đẹp. Một số ca để lại hậu quả khó lường như mù mắt, hỏng mặt, hư “cậu nhỏ”...

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp