08/07/2013 11:10 GMT+7

Bát nháo đào tạo lái ôtô

N. KHẢI - Q.QUÝ - M.MẪN - G.MINH
N. KHẢI - Q.QUÝ - M.MẪN - G.MINH

TT - Hôm nay 8-7, Sở Giao thông vận tải TP.HCM bắt đầu tổ chức những đợt thi sát hạch giấy phép lái xe theo bộ đề mới, với nhiều câu hỏi hơn và thời gian ít hơn.

Liệu bộ đề mới có giảm được những tiêu cực trong hoạt động đào tạo và thi lấy bằng ôtô hiện nay không?

eaqoMtiB.jpgPhóng to

Phóng viên Tuổi Trẻ đã tiếp cận các trung tâm đào tạo lái xe và các “cò” môi giới thi lấy bằng. Thực tế thật bát nháo: không cần học lý thuyết, đến ngày thi học viên chỉ làm bài cho có lệ và vượt qua phần thi sa hình là có thể ung dung nhận bằng lái ôtô. Nhiều trung tâm đào tạo lái xe tại TP.HCM thời gian qua tung ra đủ chiêu trò để thu hút học viên nhưng chất lượng đào tạo lại thả nổi khiến học viên có bằng mà không dám lái xe ra đường.

PInIeWCW.jpgPhóng to
Ngoài nhận bao thi lý thuyết, các “cò” trước Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM còn nhận làm bằng lái không có hồ sơ gốc

Ngã giá, bao thi

Sáng 5-7, trước cổng Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM (252 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3), “cò” Mỹ cùng một số “cò” khác vẫy hỏi người đi đường mới ghé vào, ra giá học thi lấy bằng B2 10 triệu đồng, bằng C 14 triệu, năm tháng nữa có, bao thi lý thuyết, không cần phải đi học, chỉ cần một ngày dượt xe và một ngày đi thi. Việc giao nhận tiền sẽ thực hiện tại nhà của ông Mỹ trên đường Nguyễn Phúc Nguyên (Q.3). “Tôi có nhà cửa đàng hoàng, viết biên nhận hẳn hoi, cứ yên tâm” - ông Mỹ nói. Ngoài ra, ông này còn nhận làm bằng B2 và C là loại phôi thật nhưng không có hồ sơ gốc với giá 4,5 triệu đồng. “Đưa trước cho tôi 2 triệu đồng, ba ngày sau có bằng, bằng này công an kiểm tra không thể phát hiện được”. Ông Mỹ còn tiết lộ: “Phôi chỗ tôi là mua bằng thật của người ta, sau đó điền thông tin của người cần làm bằng vô”.

Theo Tổng cục Đường bộ VN, bắt đầu từ ngày 1-7-2013 các trung tâm sát hạch ở các tỉnh thành phải áp dụng quy trình thi mới. Theo đó, đề thi cấp bằng lái ôtô gồm 450 câu hỏi (tăng 45 câu hỏi so với hiện nay), đề thi cấp bằng lái xe máy 150 câu hỏi (tăng 30 câu hỏi so với hiện nay). Thời gian thi lấy bằng ôtô hạng B và D là 15 phút và hạng C và E là 20 phút (cùng giảm năm phút so với hiện nay).

Tại các trung tâm sát hạch phải lắp đặt bốn màn hình LCD 32 inch để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe, trong đó lắp đặt một màn hình tại hội đồng thi và ba màn hình tại phòng chờ sát hạch để các thí sinh chờ dự thi xem xét và giám sát. Đồng thời lắp đặt hệ thống camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh và âm thanh trên ôtô sát hạch lái xe trên đường để giám sát quá trình sát hạch.

Còn “cò” Trường, thường xuyên túc trực trước cổng Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM, đề nghị: “Hồi trước lấy B2 giá 9,5 triệu đồng, bao lý thuyết. Hiện giá cao hơn, nếu có nhu cầu để gọi điện hỏi cho”.

“Cò” Trường giải thích phần thi sa hình là do máy chấm điểm tự động chứ không phải người chấm, cho nên học viên phải “tự cứu mình” ở phần thi này, chỉ lo được phần thi lý thuyết.

Không chỉ “cò”, người nhận bao thi lý thuyết còn là các nhân viên văn phòng nhận hồ sơ học lái xe. Trước Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3 nằm trên đường Văn Cao (P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) có nhiều cơ sở ghi danh học lái ôtô liền kề nhau.

Chiều 4-7, nữ nhân viên văn phòng tên Trang ở một cơ sở lấy giấy bút ra viết các khoản tiền, báo giá một lèo: “Học phí 4,5 triệu đồng, lệ phí thi 585.000 đồng, thuê xe thiết bị hai giờ hết 800.000 đồng, tiền “lo” đường trường (trong phần thực hành) và lý thuyết tất tần tật hết 2 triệu đồng. Tổng cộng thi B2 hết 8 triệu đồng”.

Bà Trang tiết lộ: “Đường trường là 300.000 đồng do thầy thu, phần tiền lo lý thuyết thì tụi tui thu”.

“Người của trường”, “người của sở”

Tối 4-7, bà Nga, một phụ nữ trạc tuổi tứ tuần, đến nhà ông Thìn tại một con hẻm thuộc đường TA19 (P.Thới An, Q.12) để hỏi thi lấy bằng B2. Ông Thìn tự xưng là giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe (thuộc Trường cao đẳng nghề Giao thông vận tải trung ương 3, Q.12). Nhiều học viên tìm đến nhờ ông Thìn bao phần thi lý thuyết và làm bằng phôi thật không có hồ sơ gốc. Ông Thìn phân trần do học phí mới tăng nên bằng B2 có giá 8 triệu đồng, bằng C là 10 triệu đồng.

Ông Thìn nói: “Ở phần thi lý thuyết, học viên có mặt thi nhưng giám khảo làm bài giùm”. Vợ ông Thìn tiếp lời: “Tiền bao lý thuyết là 1,5 triệu đồng, nếu không muốn bao thì trừ khoản tiền này ra”. Ông này khẳng định tuy là bằng không có hồ sơ gốc nhưng không khác gì bằng thật, cả hai loại bằng B2 và C chỗ ông này đều có chung một giá là 3,5 triệu đồng/cái. Người muốn làm bằng này cần đưa trước cho ông ta 1-2 triệu đồng, hai tấm hình 3x4 và chỉ cần thông tin ghi trên CMND, trong vòng 3-4 ngày sẽ có bằng.

Còn ông Đức (ở 90/5 Lê Lợi, ấp Trung Chánh 1, xã Trung Chánh, H.Hóc Môn) cho biết có những mối quan hệ thân thiết “chạy” bằng lái ôtô mà không gặp trở ngại gì. Ông này báo giá: “Bằng B2 bao lý thuyết lẫn thực hành là 10 triệu đồng, số tiền này sẽ đưa trước cho tôi”. Theo đó, thời gian lấy bằng B2 ở chỗ ông Đức cao nhất chỉ mất hai tháng rưỡi đến ba tháng. Nếu cơ sở nào đến ngày thi, ông sẽ chèn hồ sơ vào thì có thể thời gian lấy bằng sẽ sớm hơn. Ông Đức khẳng định: “Anh là người của sở nên mới làm được”.

OvLQC4wT.jpgPhóng to
Ông Thìn nhận bao thi lý thuyết và làm bằng lái ôtô chỉ trong vài ngày

“Bán” học viên

Đầu tháng 8-2012, ông Đ.N.K. (37 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) được nhân viên Trung tâm lái xe Bách Việt (thuộc Công ty cổ phần đầu tư U&D, đường Dương Đình Nghệ, P.8, Q.11) trực tiếp đến nhà ông K. để tư vấn lái xe. Nhân viên này khẳng định trung tâm đảm bảo trong vòng ba tháng sẽ có bằng B2, phí trọn gói cho khóa học ba tháng và thi là 7,7 triệu đồng. Nhưng ông K. không thể ngờ 11 tháng sau ông mới có tấm bằng B2, nhưng kỹ năng lái xe thì kém đến mức ông không dám tự tin lái xe ra đường.

Ngày 13-8-2012, ông K. đồng ý làm hợp đồng với Công ty cổ phần U&D, nộp trước 5 triệu đồng. Một tuần sau khi ký hợp đồng, ông K. cùng nhóm học viên khác được Trung tâm lái xe Bách Việt tổ chức dạy bốn buổi lý thuyết tại một địa điểm ở Q.1 và cho biết sẽ học thực hành trong vòng bảy ngày. Tuy nhiên, mãi đến tháng 2-2013 nhóm học viên này nhận được thông báo đi học thực hành tại... Trung tâm đào tạo lái xe ôtô Trường An. Sau khi trung tâm này cấp chứng chỉ sơ cấp nghề thì ông K. mới phát hiện mình đã bị Trung tâm lái xe Bách Việt “bán”. Cầm trên tay tấm bằng lái ôtô sau 11 tháng đăng ký học, ông K. chia sẻ: “Họ chào mời tôi học thì rất hay, hứa có xe đưa đón, đảm bảo học đầy đủ, chất lượng nhưng thực chất không như vậy. Tôi phải tự chạy xe tới Q.12 để học, thời gian thực hành trên xe cũng không bao nhiêu nên giờ tôi có bằng mà chưa tự tin để lái xe ra đường”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP đầu tư U&D không hề có chức năng đào tạo lái xe cơ giới, Trung tâm lái xe Bách Việt thuộc Công y CP đầu tư U&D cũng lấy tên là “trung tâm lái xe” chứ không phải trung tâm đào tạo lái xe.

0Wt2BU5T.jpgPhóng to
Khám sức khỏe. Theo giấy này, thị lực của ông K. đạt 10/10, trong khi một mắt của ông thị lực chỉ 5/10 - Ảnh: Ngọc Khải - M.Mẫn

Làm khống giấy khám sức khỏe

Sáng 4-6, Trung tâm đào tạo lái xe ôtô Trường An đưa ông K. thi sát hạch cấp bằng lái tại Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Q.12. Lúc này, ông K. mới té ngửa khi phát hiện có giấy chứng nhận sức khỏe dù chưa đi khám bao giờ. Theo lời ông K., một mắt của ông thị lực chỉ đạt 5/10 từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên trong tờ giấy khám sức khỏe của ông, bác sĩ vẫn “vẽ” thị lực hai mắt đạt 10/10.

Người khám và cấp giấy khám sức khỏe cho ông K. là bác sĩ Võ Thị Thanh Trúc, dấu mộc của phòng khám đa khoa trung tâm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Phú. Chiều 5-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, một phó giám đốc trung tâm này xác nhận có bác sĩ tên Võ Thị Thanh Trúc nhưng bà này đang công tác tại khoa nhi. “Bác sĩ Trúc chưa bao giờ tham gia vào việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Phòng khám của chúng tôi cũng không khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người học lái xe” - vị phó giám đốc này khẳng định. Tuy nhiên, ngay phía ngoài phòng khám đa khoa này lại có trưng biển quảng cáo khám sức khỏe thi bằng lái xe và hằng ngày vẫn khám, cấp giấy chứng nhận bình thường. Một nhân viên của Trung tâm đào tạo lái xe ôtô Trường An cho biết phòng khám đa khoa của Trung tâm Y tế dự phòng Q.Tân Phú là một trong những đối tác khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho học viên của họ.

Tương tự, chiều 2-7 chúng tôi đến Trung tâm dạy nghề Bách Việt (đường Nguyễn Đức Thuận, P.13, Q.Tân Bình) để tìm hiểu thông tin học bằng B2. Sau khi thống nhất các điều khoản trong hợp đồng, nhân viên trung tâm đưa cho chúng tôi một tờ giấy chứng nhận sức khỏe. “Anh chỉ cần điền thông tin tên tuổi, ngày tháng năm sinh và quê quán. Bên em sẽ lo cho anh có được giấy chứng nhận này” - nhân viên này khẳng định. Chúng tôi hỏi mắt không được tốt, thần kinh yếu nên lái xe thời gian lâu hay bị nháy mắt có làm được giấy chứng nhận sức khỏe không? Nhân viên này nói: “Anh vẫn đọc chữ được đúng không? Nhắm một mắt lại có thấy đường không? Nếu được thì không sao đâu, yên tâm đi”.

Thầy bày “mẹo”

Tại Trung tâm lái xe Bách Việt, có thầy giáo được trung tâm này mời dạy còn chuyển email có nội dung là các “mẹo” thi lý thuyết. Với các câu hỏi về biển báo, thay vì phải dạy, hướng dẫn học viên nhận diện đặc thù từng loại biển báo, ý nghĩa của biển báo thì giáo viên hướng dẫn (trích dẫn trong email này): Câu hỏi nào có chữ “nguy hiểm, xe tải, chữ móc cuối câu, chữ kéo cuối câu thì chọn đáp án cuối là đúng”. Câu hỏi nào có chữ “trừ” thì chọn đáp án 1, câu hỏi có chữ “ý nghĩa” thì chọn câu trả lời có nhiều chữ nhất... Khi liên lạc với hầu hết trung tâm đào tạo lái xe, chúng tôi đều nhận được lời hứa hẹn tương tự, không cần học, hiểu luật cũng có thể thi được: “Các thầy sẽ chỉ mẹo để các anh có thể nhớ và thi đạt kết quả tốt”.

N. KHẢI - Q.QUÝ - M.MẪN - G.MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp