11/04/2013 10:58 GMT+7

Bát nháo chất lượng "trà chanh chém gió"

L.SƠN - D.TUẤN
L.SƠN - D.TUẤN

TT - Bên cạnh các tiệm trà chanh được làm từ nguyên liệu như trà xanh, chanh đường để giải khát thì trào lưu trà chanh “chém gió” đang bị nhiều chủ tiệm phù phép hóa chất nhằm kiếm lời.

8CMDCIWM.jpgPhóng to
Một “phố trà chanh” trên đường Cù Lao (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng

Thực tế, chỉ cần vài loại phẩm màu, hóa chất là có thể “hô biến” thành hàng trăm lít trà chanh “thơm ngon”.

Mặc dù xuất hiện rất nhiều tại các tuyến đường, công viên... tuy nhiên chất lượng các loại trà chanh này vẫn chưa có ai đảm bảo về vệ sinh.

100 gam hóa chất, hương liệu = 500 lít trà chanh

PGS.TS Phạm Thành Quân (giảng viên khoa công nghệ hóa học Đại học Bách khoa TP.HCM):

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh

Hiện nay việc hương liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đúng chất lượng vẫn được sử dụng trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên những hóa chất, hương liệu dùng để pha chế trà chanh mua trôi nổi trên thị trường nên không thể xác định nguyên liệu này có được phép dùng trong thực phẩm, đồ uống hay không. Những yếu tố như độ pH, vi sinh không được xác định và kiểm soát sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh liên quan đến đường ruột...

Trong vai những người muốn mở tiệm trà chanh vỉa hè, chúng tôi theo chân anh Thắng - chủ một cửa hàng trà chanh trên đường Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM) - đến “thủ phủ” của các loại hóa chất là chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) tìm mua hóa chất để pha chế thành trà chanh “chính hiệu”.

Theo anh Thắng, hiện có khá nhiều cách để chế biến trà chanh mà không cần dùng đến nguyên liệu cơ bản. “Chỉ cần mua đủ ba loại hóa chất gồm hương trà xanh, hương chanh và chất tạo màu trà là đảm bảo có trà chanh ngon lành” - anh Thắng khẳng định.

Tại sạp của L., chợ Kim Biên, đủ loại hóa chất được đựng trong các can nhựa, bọc nilông chất la liệt.

Khi chúng tôi đặt vấn đề mua “nguyên liệu” dùng để pha chế trà chanh, một chị bán hàng tại đây ra giá ngay: hương chanh 30.000 đồng/100ml, hương trà 40.000 đồng/100ml, mua số lượng nào cũng có.

“Đây là hương liệu thực phẩm nên anh cứ yên tâm sử dụng. Người ta vẫn mua làm bánh, pha nước uống bình thường mà!” - chị bán hàng cho hay. Khi chúng tôi thắc mắc làm sao phân biệt hóa chất thực phẩm hay công nghiệp vì mùi hương không hề khác nhau, chị bán hàng phân trần: “Loại hương liệu công nghiệp chủ yếu dùng cho nước rửa chén, lau kính, sàn nhà, ở đây chúng tôi chỉ bán hương liệu dùng cho thực phẩm. Mấy anh cứ yên tâm, thời gian gần đây nhiều người mua hóa chất loại này về pha trà lắm...”.

Cũng tại chợ Kim Biên, không khó để tìm kiếm chất tạo màu trà - loại hóa chất quan trọng của giới làm trà chanh. Chất tạo màu loại này được bày bán ở hầu hết các sạp hóa chất tại chợ với giá 20.000 đồng/100gam. Hóa chất dạng bột được đựng trong những bịch lớn, ghi dấu bằng những nét chữ nguệch ngoạc, hoàn toàn thiếu thông tin về xuất xứ, hạn sử dụng...

Sau khi có đủ hóa chất trong tay, anh Thắng lập tức biểu diễn cách pha trà cho chúng tôi mục sở thị. Bỏ một chút chất tạo màu vào ly nước lọc, cộng thêm mỗi loại hương trà, hương chanh một giọt nhỏ quậy đều, lập tức có được một ly trà xanh với màu vàng chanh bắt mắt.

“Đây chỉ là thử nghiệm cho mấy anh biết chứ 100 gam chất tạo màu cùng các hương liệu này có thể pha được trên 500 lít trà chanh đấy. Công đoạn bỏ đường được thực hiện cuối cùng vì tùy theo sở thích ngọt, nhạt của khách, nếu cần tạo... niềm tin thì mua vài quả chanh cắt lát bỏ trong ly trà là hoàn thiện!” - anh Thắng nháy mắt cho hay.

R4ecMNAh.jpgPhóng to
Dùng hương liệu và hóa chất để pha chế trà chanh - Ảnh: Đại Việt

Nở rộ trà chanh “chém gió”

Thực tế thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường xuất hiện khá nhiều quán trà chanh “di động” thu hút rất đông giới trẻ. Cả một đoạn đường dài quanh ngã tư Lũy Bán Bích - Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú), cứ từ 19g mỗi ngày hàng loạt quán trà chanh “chém gió” mọc lên và khách hàng cũng nườm nượp ra vào thưởng thức.

Không riêng đoạn đường này, trào lưu trà chanh “chém gió” hầu như xuất hiện khắp các tuyến đường trên địa bàn TP từ trung tâm đến các khu vực vùng ven, như các tuyến đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ký (Q.12), Thành Thái (Q.10)...

Tất cả quán trà tranh dạng này chỉ cần một chiếc xe đẩy hoặc một chiếc bàn nhỏ để chế biến, vài chiếc ghế nhựa để phục vụ khách là có thể biến bất kỳ vỉa hè, đường phố thành những quán trà chanh đông nghẹt người tới thưởng thức trà chỉ với giá 8.000-10.000 đồng/ly.

Tuy nhiên trào lưu mới rất hút khách đã khiến trà chanh được chế biến theo kiểu “mạnh ai nấy chế”, nhập nhèm thật giả khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Chủ quán tên Huy - tự nhận mình là người làm trà chanh “chính hiệu” trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) - chỉ dẫn rành mạch: “Muốn có trà chanh ngon, đúng chất, nước trà phải được nấu từ trà xanh mua ngoài chợ về nấu lên có vị vừa phải, không đậm không nhạt”.

Nước trà sau đó sẽ được pha với chanh tươi, thêm đường cho đủ ngọt, mật ong cho thơm, trộn với đá là có thể bán cho khách. Cũng theo Huy, với cách pha chế như vậy, mỗi ngày Huy có thể bán 80-100 ly trà cho khách đi đường.

Không giống Huy, một chủ quán khác trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) lại chọn cách pha chế rất... độc. Thay vì dùng chanh tươi, cửa hàng này mua hóa chất vị chanh tại siêu thị về chế vào nước trà được giới thiệu là: nấu sẵn tại nhà để cho đủ vị chanh. “Làm vậy nhanh lại không tốn kém, không bừa bộn mà vị vẫn đảm bảo y nguyên như chanh tươi” - chủ cửa hàng này khẳng định.

Trà chanh thật phải có vị chát của trà...

Chị Loan, chủ một cửa hàng trà chanh trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), cho biết không phải tất cả quán bán trà chanh đều dùng hóa chất, nhiều quán vẫn sử dụng nguyên liệu tự nhiên như trà xanh, chanh tươi, mật ong... để có được một ly trà chanh thơm ngon. Tuy nhiên vì lợi nhuận, một số quán dùng hóa chất, hương liệu để pha chế. “Làm trà chanh không hề đơn giản chút nào. Lượng nước trà, đường và chanh, tắc chế thêm vào phải theo tỉ lệ nhất định thì trà mới đạt được độ ngon”.

Khi chúng tôi thắc mắc uống trà chanh tại mỗi quán lại có một vị khác nhau, chị Loan giải thích liền: “Vị ngọt nhạt trà chanh mỗi quán khác vì cách thức pha đậm nhạt thay đổi, khéo tay hay vụng. Ly trà chanh thực chất phải có vị ngọt thanh, hơi chan chát của lá trà xanh (hoặc trà khô đóng bịch). Mùi hương chanh thoang thoảng không nồng, gắt như mùi hương hóa chất”.

L.SƠN - D.TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp