Bé An Khang trong tập 3 Thách thứ danh hài mùa hai - Ảnh: BTC |
Tập ba của Thách thức danh hài mùa thứ 2 vừa lên sóng vào 20g trên HTV7 tối Chủ nhật 15-11)với nhiều phần trình diễn hấp dẫn. Trong đó, tiết mục của cậu bé bốn tuổi An Khang trở thành điểm nhấn ấn tượng đối với người xem chương trình.
Xuất hiện trên sân khấu Thách thức danh hài với vẻ mặt ngây ngô của một đứa trẻ trong trang phục áo bà ba nâu, Anh Khang có màn biến hóa tuyệt vời từ những câu chuyện cổ tích đình đám như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa ngủ trong rừng,... đến các tiết mục ghi đậm dấu ấn của Trấn Thành nhưng được thể hiện bằng sự tự nhiên và dễ thương nhất của một cậu nhóc bốn tuổi.
Giám khảo Trấn Thành thốt lên rằng: “Con sáng tạo ra một trường phái hài kịch mới mà ngay cả chú Thành phải học theo con”. Trường phái hài kịch mà Trấn Thành đề cập đến chính là kiểu hài “không cần khán giả hiểu cái gì hết” nhưng vẫn khiến ai ai cũng phải bật cười.
Giành được giải thưởng 40 triệu và chiếm được không ít cảm tình của khán giả, An Khang còn khiến giám khảo Trấn Thành nhiều lần lên sân khấu bày tỏ sự thích thú tột độ và thổ lộ mong muốn nhận cậu bé làm con nuôi.
Nhìn sự thông minh, lanh lợi hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa của An Khang, ít ai biết em có một tuổi thơ khá thiệt thòi.
Mẹ An Khang lại chia sẻ: “Cách đây 5 năm, khi tôi đang mang thai bé, gia đình lúc đó đang rất khó khăn. Đến tháng thứ 8 thì bố Khang bất ngờ bị tai nạn giao thông rồi mất, khó khăn càng thêm chồng chất! Từ khi bố bé mất, bên nội cũng bỏ mẹ con tôi nhưng may mắn là nhờ có sự giúp đỡ đùm bọc của bên ngoại nên tôi mới có thể vững vàng để tiếp tục nuôi nấng ba đứa nó.
Vừa thiếu thốn tinh thần lẫn vẫn chất nên nuôi bé rất khó khăn, gặp thêm bé thường xuyên đau ốm. Con gái lớn tôi lúc đó thì đang đi học ở xa, con gái thứ hai lúc đó mới lên lớp hai nên phải gửi sang bên ngoại sống để bé được đi học đầy đủ. Năm An Khang được một tuổi thì tôi được chuyển qua gần nhà ngoại sinh sống. Nhờ đó, gia đình tôi nhận được sự yêu thương của mọi người nhiều hơn. Bây giờ, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước”.
Do thiếu thốn tình cảm người cha ngay từ khi sinh ra nên An Khang luôn hay có những câu hỏi khiến cả gia đình phải đau nhói như: “Mẹ ơi, tại sao bạn con có bố đến đón lúc đi học về mà con không có hả mẹ?”; hay “Chị hai ơi, em chưa bao giờ được gọi bố ơi đấy?”....
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận