Ngày 6-12, sân Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM rộn ràng suốt từ sáng đến chiều tối với sự "ra trận" của 140 mô hình tàu ngầm. Đây là sản phẩm của hơn 700 học sinh lớp 10 - 12 Trường THPT Hùng Vương khi tham gia Hội thi thiết kế và vận hành mô hình tàu ngầm do nhà trường tổ chức.
Gay cấn và hồi hộp nhất là khi các tàu ngầm được đưa xuống nước và đua với nhau. Trải qua các vòng đấu loại, đến chiều 6-12, ban giám khảo hội thi đã chọn ra 16 tàu ngầm thi tiếp vòng chung kết.
Theo nhận xét của ban giám khảo hội thi, các thí sinh đã thể hiện sự sáng tạo vô bờ khi sử dụng vật liệu tái chế như vỏ chai nước tương, nắp chai tương ớt, vỏ chai sữa chua... để thiết kế tàu ngầm.
Không chỉ hơn 700 thí sinh, hội thi còn thu hút rất nhiều học sinh đến cổ vũ cho bạn bè và tìm hiểu về cơ chế vận hành tàu ngầm.
Đặc biệt, còn có sự tham dự của thượng tá Nguyễn Ngọc Dương, chính ủy Trung đoàn 196 và trung tá Trần Văn Đức, phó chủ nhiệm kỹ thuật Trung đoàn 196 - Hải quân Việt Nam.
Theo dõi hội thi từ sáng đến tối, thượng tá Nguyễn Ngọc Dương cho biết: "Hội thi đã tạo cơ hội cho học sinh thể hiện năng lực trí tuệ và khát vọng đam mê của tuổi trẻ. Tôi hy vọng trong số các học sinh ở đây, sẽ có em sau này trở thành thuyền trưởng, thành kiến trúc sư, kỹ sư… đóng góp cho nền khoa học quân sự Việt Nam".
Vận dụng kiến thức của môn vật lý và tin học để thiết kế tàu ngầm
Thầy Lê Thành Trung, tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Hùng Vương, cho biết: "Chúng tôi có ý tưởng tổ chức Hội thi thiết kế và vận hành mô hình tàu ngầm từ dịp hè 2023, khi giáo viên Trường Hùng Vương có dịp đi thăm Trung đoàn hải quân 196 ở Khánh Hòa.
Để có thể thiết kế mô hình tàu ngầm và cho nó chạy được ở dưới nước, học sinh phải vận dụng các kiến thức của môn vật lý và tin học như các định luật vật lý, sự nổi và chìm, mạch điều khiển thông qua RC, bluetooth.
Vì vậy, không chỉ tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu về tàu ngầm, cơ hội để các em trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề, chúng tôi mong muốn hội thi còn giúp các em rèn kỹ năng và nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận