CĐV đến sân bóng không chỉ được xem bóng đá mà còn được thưởng thức những tiết mục giải trí, nhất là sự có mặt của các cô gái trong đội cổ động xinh đẹp đến từ nước Úc. Họ còn có cơ hội giao lưu, xin chữ ký và chụp ảnh lưu niệm với cựu danh thủ người Ý Fabio Cannavaro. Ngoài ra, xung quanh sân đấu là những gian hàng bán đồ thể thao, hàng lưu niệm, thức ăn... dành cho CĐV.
Trong những ngày giải diễn ra, công viên 23-9 luôn tràn ngập tiếng reo hò, vỗ tay từ các CĐV. Các đội bóng đại diện cho VN được cổ vũ cuồng nhiệt từ sáng đến tối đã chơi sòng phẳng với những CLB mạnh của Brazil, Anh, Úc, Malaysia, Singapore... Khi đội Đạt Vĩnh Tiến hạ “knock-out” ngoạn mục đội Floripa (Brazil) ở bán kết và thắng đậm đội bóng Trung Quốc South Canton 8-0 ở chung kết, sân đấu như muốn vỡ tung bởi tiếng reo hò cuồng nhiệt từ người hâm mộ.
Đó là nghịch lý của bóng đá VN khi sân chơi phong trào luôn “nóng” còn các giải chuyên nghiệp (futsal và bóng đá 11 người), thậm chí là các giải quốc tế lớn, lại lâm cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”.
Nghịch lý này có thể được giải thích là vì các đội bóng phong trào luôn chơi bóng vô tư, hồn nhiên. Khán giả không lo bị “xem kịch”. Các đội thi đấu hết mình trước hết vì niềm đam mê, và cả vì món tiền thưởng “khủng” (đội Đạt Vĩnh Tiến nhận giải thưởng 30.000 USD cho chức vô địch giải quốc tế). Số tiền thưởng này hơn một nửa tiền thưởng đội hạng ba ở V-League (CLB phải đá ròng rã trong nhiều tháng với mức đầu tư hàng chục tỉ đồng).
Biết đến bao giờ các giải thể thao chuyên nghiệp ở VN mới xóa được nghịch lý này?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận