Tơ nhện là một loại sợi protein sinh học do nhện làm ra. Nhiều sợi trong số này có những đặc tính đặc biệt, như độ bền cao, khả năng co giãn, dẻo dai... Trong khi tơ tằm do con tằm nhả ra, tuy không có những ưu điểm như tơ nhện nhưng dễ thu hoạch hơn nhiều.
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Matter, bằng cách sử dụng công cụ chỉnh sửa gene, các nhà khoa học tại Đại học Donghua (Trung Quốc) đã thành công dùng tằm tạo ra loại tơ nhện đặc biệt: bền hơn thép và cứng gấp 6 lần sợi Kevlar (loại sợi được dùng chế tạo áo chống đạn).
Cách làm của nhóm nghiên cứu là chỉnh sửa gene của tằm để chúng chứa gene protein tơ nhện, sau đó tiêm vào trứng tằm đã thụ tinh. Họ cũng thực hiện một số sửa đổi trên protein của tơ nhện để chúng thích nghi với tuyến tơ tằm, cho phép quay tơ nhện thành công.
"Điều này cho phép sản xuất tơ nhện bằng tằm thay vì nhện. Loại tơ này có thể ứng dụng trong lĩnh vực y tế, dệt may và thậm chí công nghệ hàng không vũ trụ", Junpeng Mi, đồng tác giả nghiên cứu, nói với Newsweek.
Junpeng Mi đặc biệt nhấn mạnh đến sự hữu ích của loại tơ mới trong y khoa: dùng làm chỉ phẫu thuật có thể tự phân hủy. "Mỗi năm có ít nhất 300 triệu ca phẫu thuật được thực hiện trên toàn cầu. Việc dùng chỉ khâu không phân hủy sinh học gây khó khăn cho bệnh nhân khi họ phải mất thời gian, chi phí để đi cắt chỉ".
Nghiên cứu trên được nói có thể mở đường cho một tương lai ít sử dụng sợi tổng hợp hơn, chẳng hạn như ni lông, vì chúng giải phóng các hạt vi nhựa và được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
"Việc nhân giống tằm thông thường và tằm biến đổi gene không có sự khác biệt, chi phí cũng không tăng. Trung Quốc sản xuất hàng chục nghìn tấn tơ mỗi năm, vì vậy tôi tin nó sẽ được thương mại hóa trong tương lai không xa", Junpeng Mi nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận