29/11/2021 10:56 GMT+7

Bất ngờ gốm của nhà điêu khắc Phạm Mai Châu

TRẦN LUÂN TÍN
TRẦN LUÂN TÍN

TTO - Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Mai Châu được biết đến qua những tác phẩm hội họa gây chú ý như Yếm đào bên sen trắng, Người đẹp nằm nghiêng, Hoa chuối... Còn những chiếc bình gốm là kết quả lao động miệt mài, lặng lẽ cả chục năm qua.

Bất ngờ gốm của nhà điêu khắc Phạm Mai Châu - Ảnh 1.

3 trong số những chiếc bình gốm với hình dáng, chất men độc đáo

Cách đây ít lâu, Phạm Mai Châu chia sẻ về những chiếc bình gốm - kết quả lao động miệt mài, lặng lẽ trong cả chục năm qua, khiến người xem không khỏi bất ngờ.

Những dáng bình độc đáo, và bất ngờ nhất chính là men.

Phải chăng ông trời đã "mài" mỗi người bằng cách gắn cái nghiệp vào từng số phận, để va chạm với những số phận khác, va chạm với cuộc đời. Tự tóe lửa lên, tự mình mài mình.

Ngọc có mài mới trong. Thiên nhiên tốt bụng muốn cho tất tật phải được hiển lộ cái ánh ngọc âm ỉ có sẵn trong mỗi người. Cho thì cho như vậy… mà có hiển lộ được hay không, lại có vẻ là việc của mỗi người.

1. Phạm Mai Châu sinh trưởng trong một gia đình có cha là họa sĩ nổi tiếng Phạm Văn Đôn, mẹ là nhà điêu khắc nữ đầu tiên của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim. Châu lớn lên trong cái nôi nghệ thuật, đến năm 12 tuổi nhập học Trường Mỹ thuật rồi đi nhập ngũ.

Hòa bình. Mai Châu phiêu bạt trời Tây. Đi như số phận dẫn dắt. Lăn lóc kiếm sống, tìm tòi học hỏi rốt cuộc cũng tự nhồi được vào trí mình những kiến thức nghề cùng nhiều kiến thức sống. Rốt cuộc cũng loay hoay tạo được cho mình chỗ đứng ở một công ty lớn của Canada. Lần "mài" này không có máu nhưng đầy bụi bặm, kể cả nước mắt.

Rồi Châu lừng lững trở về, làm đại diện cho một công ty nước ngoài tại Hà Nội. Khi công ty này rút về nước, Châu ở lại. 

Hương vị thế giới không đậm đà bằng hương vị quê nhà. Những thằng bạn, những con đường hàng sấu thời thơ ấu và bụi bặm thân quen… xui khiến cái bản năng bẩm sinh đã đến hồi từng trải lao vào một cuộc mài nữa, không biết là thứ mấy. Lần này là cuộc "mài" của nghề nghiệp.

Cuộc "mài" này không giống như những lần trước nhưng cam go không kém. Nặn tượng vẽ tranh… lần lần đọc lại mình.

2. Bây giờ Châu làm gốm. Trên cái nền nghệ thuật gốm thật sâu xa của cha ông thì đương đại sẽ là gì? Là thế nọ, là thế kia, kế thừa phát huy... Thực ra thì chỉ là chính mình thôi. Sống đẫm trong thời của mình thì cái mình tha thiết tạo ra sẽ là đương đại. Phải "mài" thôi, miệt mài "mài", may ra mới hiển lộ được chính mình.

Đến lượt "mài" này, dường như Mai Châu vô cùng cảm khoái. Còn tôi, gặp gốm của Châu thì giật mình. Sáng tạo quả nhiên không có tận cùng. Xu hướng nào cũng có thể chạm vào cái đẹp.

Rất tinh tế. Sự "mài" đã chạm tới độ dung dị. Chỉ nâng lên một chút, hạ xuống một chút, chau chuốt những đường cong, đặt thật đắc địa những đường thẳng... Và ngửa bật người ra cảm khoái.

Men gốm là cái chỗ tung tẩy, sung sướng của gốm. Đương nhiên phải bắt chước người xưa, nhưng thật thà thì rốt cuộc nước men của riêng mình sẽ hiện lên… Ngạc nhiên như là mình nhìn thấy mình vậy.

Chắc Mai Châu không ngờ cái cách tạo dáng, phủ men của mình lại tố giác mình. Rằng ngược với dáng vẻ bụi bặm, xuề xòa, bất cần là một tâm thần dịu dàng, nâng niu, cẩn trọng.

Tôi tin gốm đã làm lộ diện Phạm Mai Châu. Hãy thưởng thức vài hình ảnh gốm của nhà điêu khắc này. Những sáng tác sang trọng, truyền cảm và rất đẹp.

* Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Phạm Mai Châu (sinh năm 1953) còn là điêu khắc gia, chuyên gia trong thiết kế đồ họa và mỹ thuật đa phương tiện.

Khi đang học hệ sơ trung 7 năm tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, họa sĩ Mai Châu nhận được giấy gọi nhập ngũ. Ông dừng việc học, lên đường vào chiến trường Quảng Trị cùng với đơn vị thuộc sư đoàn 325. Sau chiến tranh, ông trở lại học tiếp và tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 1977.

Năm 1989, ông tốt nghiệp ĐH Ontario College of Art tại Toronto, Canada, chuyên ngành mỹ thuật, thiết kế nội thất, công nghiệp và đồ họa. Từ năm 2005 đến nay, ông là giảng viên dạy thiết kế nội thất, thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa tại Viện ĐH Mở Hà Nội.

Họa sĩ Phạm Mai Châu đã tham gia nhiều triển lãm tranh, tượng trong nước (tại Hà Nội, TP.HCM) và ngoài nước (tại Hong Kong, Mỹ, Canada...).

Về làng gốm hàng trăm tuổi xem nghệ nhân nhào nặn linh vật trâu tết Về làng gốm hàng trăm tuổi xem nghệ nhân nhào nặn linh vật trâu tết

TTO - Dịp cuối năm, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) lại tất bật chuẩn bị sản xuất những linh vật tết phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2021.

TRẦN LUÂN TÍN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp