Các nghiên cứu trước đây được công bố cho thấy Mặt trời hoạt động đạt cực đỉnh vào tháng 7-2025.
Dự đoán mới dựa trên hoạt động từ tính nhất định của Mặt trời và sử dụng một hiện tượng cụ thể được gọi là điểm kết thúc chu kỳ Hale.
Nói với trang IFLScience, tiến sĩ Scott McIntosh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), cho biết dự đoán hoạt động của Mặt trời không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các nhà khoa học đang sử dụng những mô hình chỉ dựa trên các quan sát một phần về hoạt động của Mặt trời trong chu kỳ Hale.
Mỗi chu kỳ Mặt trời thường kéo dài khoảng 11 năm. Trong chu kỳ, hoạt động năng lượng của Mặt trời ngày càng trở nên dữ dội hơn khi đạt tới gần mức “cực đại”.
Ở giai đoạn đỉnh này, từ trường sẽ dần đảo ngược và cực bắc dần trở thành cực nam trên Mặt trời. Sau đó, hoạt động năng lượng của Mặt trời giảm dần xuống mức “tối thiểu”. Và một chu kỳ Mặt trời khác bắt đầu.
Độ dài chính xác của chu kỳ không phải lúc nào cũng là 11 năm, ngắn nhất là 8 năm và dài nhất là 14 năm.
Chu kỳ Hale sẽ bao gồm 2 chu kỳ Mặt trời, thường kéo dài 22 năm.
Hiện nay đang là chu kỳ Mặt trời 25 (SC25).
Mặt trời của chúng ta là một quả cầu khí nóng, phát sáng chứa đầy điện tích, tạo ra từ trường mạnh mẽ của Mặt trời. Nhiệt độ cao khiến các khí tích điện này liên tục di chuyển xung quanh Mặt trời. Chuyển động này tạo ra rất nhiều hoạt động trên bề mặt Mặt trời.
Hiện tại, hoạt động của năng lượng Mặt trời mạnh hơn rất nhiều so với dự đoán trước đây. Mặt trời đã liên tiếp phun trào khối lượng lớn pháo sáng trên bề mặt (CME) và bắn ra những tia plasma với cường độ cao vào vũ trụ.
Gần đây, Trái đất đã được các nhà khoa học liên tục báo động mỗi khi tia plasma hướng về phía Trái đất bắn phá, đánh sập các vệ tinh, hệ thống định vị GPS, mạng lưới Internet và phá vỡ lưới điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận