Ngồi du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn là một tour mới được tổ chức từ ngày 19-5 - Ảnh: T.T.D.
Ông Khánh nói: Sau gần hai tháng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch (15-3), ngành du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: 4 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đạt hơn 92.400 lượt; riêng tháng 4 đạt 70.000 lượt, gấp 4,5 lần so với tháng 3.
Nhu cầu cao, đã phục hồi mạnh
* Ngành du lịch đã có tín hiệu phục hồi khá rõ, đặc biệt là dịp 30-4, 1-5. Ngành đánh giá thế nào về những tín hiệu này. Du lịch Việt Nam đã thực sự hết "ngủ đông"?
- Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, chỉ trong 4 ngày, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22.000 tỉ đồng. Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch rất sôi nổi.
Ấn tượng nhất phải kể đến như Thanh Hóa đón gần 900.000 lượt khách, Hà Nội trong 4 ngày nghỉ lễ đón hơn 550.000 lượt khách, Đà Nẵng đạt hơn 254.000 lượt khách. Sức nóng của thị trường du lịch dịp 30-4, 1-5 vừa qua được toàn ngành kỳ vọng sẽ mang lại khởi đầu nhộn nhịp và tạo đà cho một mùa du lịch hè hấp dẫn trên cả nước.
* Doanh nghiệp, tiểu thương… đã rất cố gắng. Theo ông, nguyên nhân nào giúp du lịch phục hồi tốt vậy? Chính quyền đã làm gì và đã làm tốt chưa?
- Để du lịch đạt được những kết quả khả quan trên, theo tôi, yếu tố tiên quyết là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Văn hóa, thể thao và duc lịch. Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đảm bảo độ phủ vắc xin cao cùng với sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành, sát sao giữa các bộ, ban ngành có liên quan đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch dần trở lại.
Đồng thời, sự chủ động chuẩn bị và triển khai nhiều sự kiện và các hoạt động quy mô lớn của nhiều địa phương, các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã thu hút du khách, tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi trở lại.
* Nhiều địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp lớn tung các sản phẩm đẳng cấp và sự kiện lớn như: Thanh Hóa có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Sa Pa có Lễ hội hoa hồng, Đà Nẵng có Thác thần Mặt trời… Sắp tới, Việt Nam sẽ định hướng sản phẩm du lịch thế nào?
- Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu đi du lịch, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới và mang tính chất đặc trưng: mỗi địa phương - một sản phẩm. Ðơn cử, TP.HCM đã cho ra mắt tour du lịch đường sông và tour bay trực thăng ngắm cảnh thành phố; Sa Pa tổ chức Lễ hội hoa hồng, Thanh Hóa có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Đà Nẵng tổ chức show diễn nghệ thuật hoành tráng tại Bà Nà…
Một lễ hội tại Bà Nà hill, Đà Nẵng được doanh nghiệp tổ chức thu hút đông đảo du khách. Ảnh: S.G
Nếu như trước đây chúng ta phải đi nước ngoài, thì giờ đã có thể trải nghiệm ngay trong nước nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: hệ thống công viên giải trí của Sun World tại Bà Nà hay Fansipan, chuỗi công viên nước tại Hạ Long…
Từ góc độ quản lý, chúng tôi thấy những địa phương nào năng động và tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn, tạo ra được "lý do" để khách đến… thì sẽ thu hút được nhiều du khách. Những địa phương đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong đổi mới sáng tạo để họ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như làm mới các sản phẩm hiện có cũng đã thu hút được nhiều khách…
Thời gian tới, các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sẽ còn tăng. Đây được dự báo là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022.
Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này khi mở cửa du lịch quốc tế như: Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây cũng là cơ hội để Việt Nam làm mới mình, đón đầu xu hướng và bắt kịp với đà phục hồi của thế giới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch NGUYỄN TRÙNG KHÁNH
Tạo "thiên đường du lịch" không kém Hàn Quốc, Singapore…
* Vấn đề là chúng ta phải thu hút được sự đầu tư của doanh nghiệp nói chung và những nhà đầu tư chiến lược lớn nói riêng để phục hồi du lịch cũng như nền kinh tế sau dịch?
- Từ trước dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến dài, có sản phẩm du lịch chất lượng cao và đã được các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn đầu tư. Do dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như "đóng băng". Lúc này, vai trò của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup… được thể hiện, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ dần ổn định và hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, số tập đoàn và doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch ít. Để ngành du lịch cũng như nền kinh tế phục hồi hiệu quả, dưới vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tôi mong muốn có sự chung tay và vào cuộc tích cực hơn nữa của các tập đoàn, doanh nghiệp trong đầu tư khôi phục điểm đến, đa dạng hóa hơn nữa sản phẩm du lịch...
VN cần có những doanh nghiệp làm du lịch bài bản, tâm huyết, có tính dẫn dắt kể trên. Tôi kỳ vọng rằng với công thức "chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch" đang được các địa phương áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay, chúng ta sẽ có những thiên đường du lịch không kém Hàn Quốc, Singapore…
Sẽ tiếp tục tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh
* Khách quốc tế vẫn chưa nhiều, vẫn còn kiến nghị liên quan chính sách visa. Theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp?
- Có nhiều nguyên nhân khiến du khách quốc tế Việt Nam chưa đạt mục tiêu. Thời điểm hiện nay chưa phải "chính vụ" của du khách quốc tế. Thứ hai là những thị trường khách quốc tế chính ở khu vực Đông Bắc Á vẫn duy trì chính sách chống dịch khác nhau, cuộc xung đột ở Ukraine…
Để thu hút mạnh hơn khách quốc tế, đặc biệt là khai thác tốt mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi, ngành du lịch tập trung vào một số nhóm giải pháp như: đẩy mạnh quảng bá; tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm…
Hiện Tổng cục Du lịch đang tham mưu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong việc thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Nếu được tháo gỡ sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc quảng bá du lịch VN.
520,6%
Đó là mức tăng trưởng lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4-2022 so với cùng kỳ 2021. Mức tăng là 242,9% nếu so với tháng 3-2022.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Có thay đổi chỉ tiêu đón 5 triệu khách quốc tế năm nay?
Ông Nguyễn Trùng Khánh: Chỉ trong hai tháng mở cửa (từ 15-3 đến 15-5), số lượng khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tăng nhanh chóng với 252.000 lượt, trong đó 125.000 lượt khách đăng ký đi theo đường du lịch, đạt tỉ lệ 49% những người nhập cảnh vào Việt Nam, và con số này đang tiếp tục tăng nhanh.
Mục tiêu đề ra đầu năm của ngành du lịch Việt Nam khá tham vọng, trong khi tình hình diễn biến COVID-19 rất phức tạp. Nhưng các chính sách của Chính phủ đang nỗ lực nhằm đảm bảo sức phục hồi du lịch. Ngành du lịch đang tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức để đạt chỉ tiêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận