Ông Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia (bìa phải), trao đổi với những người đăng ký tình nguyện hiến tặng mô tạng sau khi qua đời - Ảnh: NVCC
Vì sao người tình nguyện hiến tạng lại phải trả tiền khám sàng lọc? Chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia. Ông Phúc cho hay:
- Cho đến nay Luật bảo hiểm y tế chưa có quy định về chi trả chi phí xét nghiệm, khám sàng lọc cho người hiến tặng mô tạng khi còn sống, vì thế cơ sở y tế không có quy định nào để miễn giảm cho người tình nguyện hiến mô tạng có thẻ bảo hiểm y tế. Lý do theo tôi cũng đơn giản, tại thời điểm thông qua Luật bảo hiểm y tế chưa có tình huống này xảy ra, nay thực tế thấy có những bất hợp lý đó phát sinh thì Luật lấy, hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi sẽ sớm nghiên cứu bổ sung, sửa chữa.
* Luật lấy, hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người đã ban hành hơn 10 năm, Luật bảo hiểm y tế mới cũng ban hành gần 4 năm, vì sao những bất hợp lý này vẫn chưa sửa chữa, thưa ông?
- Theo tôi được biết cách đây gần một năm, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các bệnh viện như Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy có họp bàn về giám sát thực hiện Luật lấy, hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người sau 10 năm ban hành. Vấn đề này đã được đưa ra bàn. Người tình nguyện hiến tặng mô tạng không vụ lợi lại bắt người ta phải chi trả chi phí sàng lọc là điều vô lý và cần phải sửa đổi chính sách.
Thực tế đã có người đến trung tâm chúng tôi đăng ký tình nguyện hiến tặng mô tạng, họ có tâm nguyện nhưng chi phí sàng lọc thì bệnh viện lấy đâu ra mà hỗ trợ? Giáo sư Trịnh Hồng Sơn, giám đốc trung tâm khi ấy, đã nói là cứ xét nghiệm, sàng lọc đầy đủ, chi phí giáo sư sẽ chi trả.
* Với những người tình nguyện hiến tặng mô tạng, đã có người nào phải "xù" tiền xét nghiệm, tiền khám sàng lọc để được hiến tạng chưa, thưa ông?
- Chúng tôi không có thông tin ở những cơ sở y tế khác. Còn với những người đến đăng ký tại trung tâm, hầu như chưa có người nào phải trả tiền.
Từng có trường hợp một nhà sư ở Quảng Trị đăng ký tình nguyện hiến tặng mô tạng, nhà sư đã đi tàu từ Quảng Trị ra và 4h sáng chúng tôi đã cử người ra ga đón. Khi làm đến nửa chừng các xét nghiệm sàng lọc thì thấy nhà sư có dấu hiệu tiền tiểu đường, nếu hiến tạng ở ngay thời điểm đó vẫn được, nhưng nếu sau này tiền tiểu đường trở thành tiểu đường thật thì nguy hiểm cho sức khỏe của nhà sư, vì vậy chúng tôi đã dừng lại.
Một người khác ở Vĩnh Phúc cũng có tâm nguyện hiến tặng mô tạng, chị ấy có mong muốn hiến thận cho một cháu bé nào đó có thiên hướng về nghệ thuật và sẵn sàng chi trả phí xét nghiệm và khám sàng lọc cho bản thân, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa kết nối được với người nhận thận có điều kiện như vậy.
Một trường hợp khác đặc biệt hơn, đây là trường hợp hai mẹ con cùng hiến thận. Mẹ là chị Th. hiến thận trước, còn con gái là H.. Năm 2016 khi H. có tâm nguyện hiến thận, chị Th. có gọi cho tôi nói là chị đã "lo" được tiền khám sàng lọc cho con gái, chị bảo con có tâm nguyện như thế và chị ủng hộ.
* Người hiến tặng mô tạng từ khi còn sống đã dành một phần thân thể của mình cho người khác, phải tôn vinh họ và làm sao để họ không phải chi trả tiền khám sàng lọc?
- Về mặt nguyên tắc, người tình nguyện hiến tặng mô tạng là vô danh và không vụ lợi, đã là hiến tặng nay lại có quy định dành cho họ "quà" nào đó thì không phải là hiến tặng nữa mà là trao đổi. Nhưng thực tế đã có những quy định tôn vinh họ.
Luật lấy, hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người hiện đã có quy định miễn giảm toàn bộ chi phí lấy tạng, hồi phục sức khỏe sau ghép cho người hiến tạng, ưu tiên ghép mô tạng cho người từng hiến tạng khi họ có chỉ định ghép. Năm 2017 Bộ Tài chính cũng đã có thông tư quy định tặng bảo hiểm y tế miễn phí cho người hiến, thanh toán chi phí ăn ở, đi lại cho người hiến khi họ đi khám và tái khám.
Về việc chưa có quy định chi trả tiền khám sàng lọc cho người tình nguyện hiến tặng mô tạng, đây là một "khoảng trống" về luật pháp và chúng tôi hi vọng các cơ quan hữu quan sẽ sớm sửa đổi, sớm có quy định miễn giảm chi phí khám sàng lọc cho người hiến.
Người tình nguyện hiến tạng phải chi trả những gì?
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, tùy theo từng thể trạng của người tình nguyện và từng bệnh viện, chi phí để một người khám sàng lọc để xác định có thể tình nguyện hiến tặng mô tạng hay không lên tới 15-20 triệu đồng. Trong đó bao gồm các chi phí như kiểm tra nhóm máu, nước tiểu, xét nghiệm viêm gan các loại, HLA, nội soi, chụp phổi, khám thần kinh, chụp cắt lớp dựng hình ảnh 2 quả thận vì thông thường mỗi người có 2 quả thận không bao giờ giống nhau, mà một quả sẽ kém hơn chút ít so với quả còn lại về chức năng...
Về nguyên tắc, các bác sĩ sẽ giữ lại quả tốt hơn cho người hiến, bảo đảm tối đa tính mạng và sức khỏe cho người hiến, đó cũng là nguyên tắc nhân văn, đạo đức và y đức.
Nên ưu tiên cho người hiến tạng
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người tình nguyện hiến tặng mô tạng là đúng, nhưng nên gia hạn thời gian sử dụng thẻ 3-5 năm/lần, không nên để mỗi năm người tình nguyện hiến tặng mô tạng lại phải đi đăng ký và nhận thẻ mới.
Thứ hai là với những người tình nguyện hiến tặng mô tạng, khi đi tái khám thì đề nghị không cần phải đi theo đúng tuyến, ví dụ như họ đã hiến tặng tạng ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức... thì những bệnh viện đó đã rất rõ về tình trạng của người hiến và có chuyên khoa sâu để đánh giá sức khỏe, có thể để người hiến tái khám ở đó mà không cần phải đi tuần tự từ tuyến quận huyện lên như thông thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận