07/05/2019 20:00 GMT+7

Bất động sản nghỉ dưỡng: Đừng chỉ xây phòng, hãy xây trải nghiệm và câu chuyện!

THÚY AN-BDS
THÚY AN-BDS

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, chỉ tính riêng trong 3 năm, 2015 đến 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 2 lần.

Bất động sản nghỉ dưỡng: Đừng chỉ xây phòng, hãy xây trải nghiệm và câu chuyện! - Ảnh 1.

Nhà đầu tư thứ cấp cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bất động sản gắn liền với giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc của điểm đến. Ảnh minh họa

Đây là tiền đề quan trọng kích thích sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng. Đáng chú ý, nguồn khách du lịch không chỉ gia tăng về lượng mà còn có những chuyển biến về chất, tất yếu tác động đến sự phát triển của các mô hình lưu trú.

Xu hướng trải nghiệm lên ngôi

Theo ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, sự tăng trưởng mạnh lượng khách du lịch đòi hỏi sự thích ứng trong đầu tư vào nguồn cung lưu trú. Những năm qua, khách quốc tế đến Việt Nam và khách nội địa đều có nhu cầu tham quan, khám phá, khai phá điểm đến là chủ yếu. 

Do đó, thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Họ sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. 

Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư bất động sản du lịch cần chú trọng phát triển loại hình lưu trú phù hợp cũng như các loại hình hoạt động và trải nghiệm du lịch. Các dự án bất động sản du lịch có thể sẽ gắn với nhiều tiện ích như casino, giải trí, thể thao, sự kiện, nghệ thuật, games và các hoạt động giao lưu văn hóa địa phương...

Thế hệ khách du lịch mới là những người khó tính với nhu cầu cá biệt hóa, đa dạng. Họ có xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ, những giá trị tiện ích nhân văn. 

Như vậy, việc đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cần nhiều ý tưởng mới, mở rộng địa bàn, không chỉ tập trung vào các khu du lịch biển mà cần dịch chuyển đến cả những điểm đầu tư mới ở vùng núi cao, hồ trên núi, những vùng sinh thái độc đáo, vùng văn hóa được bảo tồn nguyên vẹn.

Ngoài ra, dòng khách tự túc ngày càng đông đảo với nhu cầu đa dạng. Bên cạnh du lịch đại trà theo số đông, đi theo nhóm, theo tour thì số lượng khách đi lẻ, đi tự túc ngày càng nhiều lên. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch đa dạng, quy mô không cần quá lớn nhưng đan xen với cộng đồng dân cư, hòa nhập với văn hóa bản địa.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hà - giám đốc Luxury Travel - cho rằng lưu trú du lịch đã thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây. Nhiều chủ đầu tư đang bỏ quên khâu vô cùng quan trọng là nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam vẫn tư duy có tiền xây khách sạn và khách sẽ đến nhưng thực tế là khách không đến.

Du khách ngày nay muốn được trải nghiệm độc đáo tại điểm đến thú vị và mang về những ký ức. Khi phát triển một cơ sở lưu trú cần phải thổi hồn vào đó để khách có lý do đến, trải nghiệm và muốn nghe câu chuyện bản địa hoặc của chủ nhân. Bản thân cơ sở lưu trú phải là một câu chuyện hay để nghe và khám phá, trải nghiệm trước khi khám phá các địa danh và hoạt động khác xung quanh khu lưu trú tại điểm đến.

Theo ông Hà, khác biệt độc đáo của một dự án nghỉ dưỡng xoay quanh 8 yếu tố: không chỉ xây phòng mà cần đảm bảo sự riêng tư; ẩm thực độc đáo; các hoạt động tại khu nghỉ; kết nối văn hoá bản địa; làm giàu có mặt tinh thần; tĩnh dưỡng; thiền định và tạo cảm hứng sáng tạo mới.

"Không những khác biệt mà phải khác biệt độc đáo, đừng chỉ xây phòng khách sạn, hãy xây trải nghiệm và câu chuyện. Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức", ông Hà nhấn mạnh.

Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?

Bất động sản nghỉ dưỡng: Đừng chỉ xây phòng, hãy xây trải nghiệm và câu chuyện! - Ảnh 2.

Thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến - Ảnh minh họa

Theo ông Hà Văn Siêu, với thế hệ khách du lịch mới, các chủ đầu tư dự án cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, xác định tầm nhìn dài hạn, có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch.

Việc thiết kế sản phẩm dự án phải phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái, tập trung vào những khu du lịch quốc gia xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Chủ đầu tư cũng cần xác định giá trị đặc thù, giá trị cốt lõi cho thương hiệu của dự án, gắn với điểm đến để quảng bá và thiết kế sản phẩm bất động sản phù hợp.

Ngoài ra, chủ đầu tư cần lựa chọn tính chất và loại hình lưu trú phù hợp với xu hướng nhu cầu du lịch; sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới sở hữu những giá trị tài nguyên đặc sắc vẫn chưa được khai thác. 

Với những trung tâm du lịch lớn cần làm mới sản phẩm bằng những dự án tầm cỡ quốc tế, những khu phức hợp đa chức năng, tiện ích thông minh, kết hợp giữa thụ hưởng du lịch với nhiều dạng nhu cầu của cuộc sống.

Đối với nhà đầu tư thứ cấp, cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bất động sản gắn liền với giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc của điểm đến. Từ đó, nhà đầu tư thứ cấp có cơ sở đầu tư vào nhiều loại hình lưu trú khác nhau, kết chuỗi theo tuyến hành trình của dòng khách du lịch. 

Nhà đầu tư cũng cần lựa chọn và đồng hành cùng chủ đầu tư dự án có đủ độ tin cậy, có ý tưởng, tầm nhìn và có thương hiệu. Dự án được lựa chọn đầu tư phải có tính khả thi cao, chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp.

Nhận biết tiềm năng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Với những nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, lượng du khách tăng dần đều chính là thước đo tiềm năng phát triển của dự án cũng như khả năng sinh lời, tăng giá tài sản.

THÚY AN-BDS
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp