Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: L.Thanh |
Chiều tối 25-6, ngay sau khi kết thúc cuộc họp tổ điều hành vĩ mô của Chính phủ, đại diện tổ điều hành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã có cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí. Ông Vinh nói:
- Theo tính toán mới đây của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,08% và sáu tháng đầu năm chỉ số này đạt mức 6,28%. Đây cũng là mức cao nhất trong nhiệm kỳ này, nếu không nói là trong 10 năm trở lại đây.
* Khu vực nào đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm, thưa ông?
- Tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm khá cao, trong đó tăng mạnh và đóng góp chủ yếu là công nghiệp chế biến chế tạo. Có thể nói đây là khu vực liên tục ba năm qua có mức tăng trưởng cao, sáu tháng đầu năm nay đóng góp 9% so với cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh đó là khu vực công nghiệp khai thác khoáng sản, trực tiếp là dầu khí và than, chủ yếu dầu khí đạt sản lượng 8,3 triệu tấn, tăng cao so với 7,4 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.
* Tín dụng toàn nền kinh tế tăng mạnh hơn 5%, nhưng tín dụng vào bất động sản đang gấp đôi con số này. Theo ông, điều này có đáng lo ngại?
- Trong cuộc họp vừa qua có thảo luận về vấn đề này và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng có trả lời. Theo giải thích của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, vừa qua khu vực bất động sản có khởi sắc, nhiều dự án được tiếp tục hoàn thiện và có nhiều dự án khởi công mới.
Thực tế, không chỉ vốn từ ngân hàng đổ vào bất động sản tăng. Theo đánh giá của tổ điều hành kinh tế vĩ mô, bất động sản tăng trưởng 2,2% so với cuối năm ngoái.
Điều quan trọng là vốn đổ vào bất động sản tăng ở phân khúc đối với nhà đầu tư trực tiếp và bán trực tiếp tới người mua nhà có nhu cầu thực, không qua trung gian.
Do đó ngân hàng có thể kiểm soát các dự án để hạn chế tình trạng bong bóng và phát sinh nợ xấu. Theo tôi, vẫn phải cảnh giác với bong bóng bất động sản và nhu cầu ảo. Cần phải thận trọng cái đó.
* Vấn đề nào thách thức lớn nhất nền kinh tế trong sáu tháng cuối năm?
- Chúng tôi đánh giá có ba thách thức rất lớn. Đó là tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm mạnh, như năm 2014 nông nghiệp đóng góp 3,44% vào GDP nhưng sáu tháng đầu năm nay chỉ còn 2,17%.
Nguyên nhân cơ bản vì hạn hán ở miền Trung, đặc biệt giảm xuất khẩu thủy sản tôm, cá da trơn. Nông nghiệp là trụ đỡ, nền tảng kinh tế, ở đó thu hút nhiều lao động, an sinh xã hội mà ta lại đang bị giảm mạnh. Đây là vấn đề đáng lo, cần chung lưng giải quyết.
Thách thức thứ hai là nhập siêu. Ba năm liên tục ta xuất siêu nên cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng. Tuy nhiên sáu tháng đầu năm nay ta bắt đầu nhập siêu với tỉ lệ 4,7% so với kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trong khi đó chỉ tiêu nhập siêu cả năm được Quốc hội phê duyệt chỉ là 5%. Nên đây là thách thức rất lớn, nếu để nhập siêu vọt lên quá 5% sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ và giảm thặng dư, lớn hơn nữa là gây áp lực lên tỉ giá.
Để giảm nhập siêu, cách giải quyết tối ưu là phải thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông nghiệp. Đồng thời phải kiểm soát chặt nhập khẩu, kiểm soát để khống chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu cho đời sống chứ không giảm nhập khẩu đối với các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Thách thức thứ ba là phải có giải pháp đấu tranh với nạn buôn lậu hàng giả, hàng nhái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận