Bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ có nhiều bứt phá nhờ tăng trưởng từ ngành sản xuất và đầu tư nước ngoài. Ảnh ĐĂNG NGUYÊN.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam cho biết sự quan tâm của các nhà đầu tư vào thị trường công nghiệp tại Việt Nam ngày càng cao. "Tại các khu công nghiệp lớn, đang có nhiều nhà đầu tư tìm kiếm nơi xây dựng nhà máy phù hợp, hay kho bãi phục vụ chuỗi quy trình hậu cần", vị này cho hay.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam JLL, bà Trang Bùi cho rằng khu công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn khi luôn là mảng chiếm tỷ trọng lớn trong các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2017 vốn đầu tư nước ngoài cam kết vào Việt Nam đạt gần 35,9 tỷ USD. Trong đó, nhóm ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành dẫn đầu, thu hút 15,9 tỷ USD và chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư.
Theo bà Trang, có hai lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến phân khúc bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam. Thứ nhất đó là chi phí lương nhân viên thấp và chi phí xây dựng cũng thấp bậc nhất khu vực khu vực châu Á (năm 2010 chỉ là 380USD/m2 xây dựng nhà xưởng). Đây là điều khiến cho các nhà sản xuất quan tâm trong việc cạnh tranh về giá.
Trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thì Trung Quốc được xem là nơi tập trung sản xuất lớn nhất. Tuy nhiên, một số công ty đang muốn chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là những ngành sản xuất như may mặc, da giày, trang phục thể thao.
Bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam của JLL
Vì tiềm năng lớn nên nhiều nhà đầu tư đã xem nơi đây như là đích đến tiếp theo. Điển hình như Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã hợp tác với Becamex IDC để thành lập Công ty liên doanh với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD nhằm phát triển khu kho vận hậu cần và các nhà máy xây sẵn theo tiêu chuẩn quốc tế để góp phần phát triển các dịch vụ logistics tại Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác.
Sự tham gia của các nhà đầu tư này được kỳ vọng sẽ làm cho nguồn cung của khu công nghiệp tăng lên và nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ được mở rộng.
JLL dự báo, trong năm 2018, thị trường sẽ đón nhận một lượng lớn nguồn cung mới với hơn 1.300ha đất dành cho phát triển khu công nghiệp sẽ được đưa vào thị trường, chủ yếu đến từ các giai đoạn mở rộng của các dự án hiện có.
Dù nguồn cung gia tăng nhưng tỷ lệ lấp đầy và tăng trưởng cho thuê dự kiến sẽ tăng cao hơn do nhu cầu thuê tốt và triển vọng kinh tế tích cực. Nhu cầu về nhà xưởng chất lượng tốt và các dịch vụ liên quan trong các khu công nghiệp sẽ tăng mạnh.
Bên cạnh các thị trường đã phát triển như TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, khu vực Miền Trung Việt Nam cũng được xem là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển.
"Nhiều nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng đến từ Mỹ, Úc đang quan tâm đến khu công nghiệp ở khu vực này vì nơi đây có có nhiều vị trí chiến lược, quỹ đất rộng lớn, cũng như sức gió và sức nắng rất phù hợp để phát triển phân khúc đó", bà Trang Bùi cho hay.
Hiện tại vùng TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước đang có khoảng 36.000 ha đất khu công nghiệp.
Bình Dương và Đồng Nai là những thị trường dẫn đầu, chiếm 60% thị phần nhờ cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt. Còn TP.HCM dẫn đầu về độ đắt đỏ toàn khu và giá thuê cao hơn gấp đôi so với phần còn lại của thị trường. Giá thuê đất tại các thành phố khác có xu hướng tăng, dao động trong khoảng từ 3-5USD/m2/chu kỳ thuê.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ đang ở mức lý tưởng. Ngoại trừ Bà Rịa – Vũng Tàu đang có chỉ số lấp đầy ở mức 57%, tất cả các tỉnh còn lại trong khu vực này gồm TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước đều đã có lượng khách thuê phủ trên 70% diện tích.
Riêng Bình Dương, nhờ lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nên có tỷ lệ lấp đầy vọt lên 85%.
Nguồn: Thống kê của JLL
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận