Khu công nghiệp VSIP 1. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), FDI quý I/2019 đạt kỷ lục với con số 10,8 tỷ USD và tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện đã có rất nhiều công ty từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất. Điều này được dự báo sẽ gia tăng nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi và logistics, thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển.
Đáng chú ý, Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (có hiệu lực 10/07/2018) cho phép quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đã mở ra một cơ hội mới cho các nhà đầu tư bất động sản.
Đặc biệt, khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong chính các khu công nghiệp là "điểm mở" từ chính sách giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất.
Đánh giá về tiềm năng bất động sản công nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, năm 2019, phân khúc này đặc biệt phát triển. Đây là làn sóng mới tại Việt Nam và thị trường còn nhiều dư địa phát triển.
Cùng đó, đô thị và dịch vụ phát triển cũng là yếu tố khách quan khi thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Mối quan hệ hữu cơ và mang tính bền vững này đang được chứng minh hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Trung Quốc,...
Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển mô hình này sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao.
Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp của Việt Nam tăng gấp đôi so với hiện nay. Cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực lĩnh vực công nghiệp rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, vì những lý do khác nhau, họ ít có điều kiện để gặp gỡ, chia sẻ, hợp tác cũng như tìm hiểu thông tin đầu tư từ các địa phương. Việc thiếu thông tin cũng dẫn đến bỏ lỡ cơ hội kinh doanh cũng như những mời gọi đầu tư từ các địa phương…
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất động sản công nghiệp Việt Nam cần tận dụng những lợi thế sẵn có để bứt phá và phát triển; tận dụng cơ hội để chuyển hóa những tiềm năng này.
Tại Phiên họp thường kỳ mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi, bám sát hoạt động của các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn.
Cùng đó là đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, ngành du lịch phấn đấu đạt chỉ tiêu lượng khách quốc tế đã đề ra...
Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Doanh nghiệp kỳ vọng, những chính sách sẽ tạo bối cảnh và cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận