07/11/2018 16:55 GMT+7

Bất đồng nhóm máu Rh

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Mỗi một nhóm máu A, B, AB và O còn được phân loại tiếp dựa vào sự hiện diện của những protein khác trên bề mặt hồng cầu, trong đó có yếu tố Rh.

Bất đồng nhóm máu Rh - Ảnh 1.

Tiêm huyết thanh miễn dịch Rh để phòng ngừa việc sản xuất kháng thể ở mẹ dẫn đến bệnh tán huyết ở thai nhi. Ảnh: medscape.com

Nếu bạn đang mang thai, một trong những xét nghiệm trước tiên và quan trọng là xét nghiệm phân loại nhóm máu. Xét nghiệm này giúp xác định nhóm máu và yếu tố Rh. Yếu tố Rh này liên quan đến sức khỏe của thai nhi, vì vậy việc biết những thông tin này sớm là rất cần thiết.

Yếu tố Rh

Nhóm máu của mỗi người khác nhau vì các protein đặc hiệu cho nhóm máu trên bề mặt tế bào hồng cầu là khác nhau. Có 4 nhóm máu: A, B, AB và O.

Mỗi một nhóm máu trên còn được phân loại tiếp dựa vào sự hiện diện của những protein khác trên bề mặt hồng cầu, trong đó có yếu tố Rh. Nếu bạn có protein đặc hiệu này thì bạn là nhóm Rh(+), nếu không có là Rh(-).

Hầu hết mọi người (85%) là Rh(+). Tuy nhiên, nếu phụ nữ có Rh(-) kết hôn với đàn ông có Rh(+) thì con của họ có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Đó là vì 50% thai nhi trong trường hợp này có nhóm máu Rh(+) di truyền từ bố và sẽ phát triển trong cơ thể mẹ Rh(-).

Nếu không có những bất thường khác, sự bất đồng yếu tố Rh này thường không gây ra vấn đề gì nếu người mẹ mang thai lần đầu. Máu của thai nhi không bị trộn lẫn với máu của mẹ trong suốt thai kỳ.

Tuy nhiên, khi chuyển dạ, máu của mẹ và máu của thai nhi có thể hòa lẫn vào nhau. Khi đó cơ thể người mẹ lần đầu tiên gặp yếu tố Rh từ thai nhi, xem nó là "vật lạ" (kháng nguyên) và bắt đầu sản xuất ra kháng thể chống lại yếu tố Rh.

Người mẹ Rh(-) còn có thể tiếp xúc với yếu tố Rh và bị kích thích tạo ra kháng thể Rh nếu được truyền máu nhóm Rh(+), bị sẩy thai hoặc có thai ngoài tử cung.

Kháng thể Rh trong máu của mẹ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi ở lần mang thai thứ 2 hoặc sau đó. Nếu thai nhi kế tiếp vẫn có nhóm máu Rh(+), những kháng thể Rh của mẹ sẽ nhận ra protein (kháng nguyên) Rh trên bề mặt tế bào máu thai nhi và tấn công chúng. Điều này có thể làm tế bào hồng cầu của thai nhi bị phồng to và vỡ. Khi số tế bào hồng cầu giảm xuống quá mức, thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. Tình trạng này gọi là bệnh tán huyết (tiêu máu) do bất đồng nhóm máu Rh ở trẻ sơ sinh.

Phòng ngừa và điều trị bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh

Trước đây, bất đồng nhóm máu Rh là vấn đề rất nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, những tiến bộ vượt bậc của y học đã giúp phòng ngừa những biến chứng do bất đồng Rh và điều trị những trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi bệnh tán huyết.

Khi phụ nữ nhóm máu Rh(-) có thai, bác sĩ sẽ chỉ định 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh (Rh immune-globulin) trong thời gian mang thai. Liều đầu tiên vào tuần thứ 28 của thai kỳ và liều thứ hai trong vòng 72 giờ sau sinh. Những kháng thể trong hai liều thuốc trên sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn những tế bào hồng cầu Rh(+) từ thai nhi qua máu mẹ, qua đó giảm thiểu sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với hồng cầu Rh(+) và ngăn ngừa sự sản xuất kháng thể Rh trong cơ thể mẹ. Nhờ đó, lần mang thai tiếp theo sẽ không gặp vấn đề do bất đồng nhóm máu Rh nữa. Vì vậy, cứ mỗi lần mang thai, thai phụ đều cần được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh để phòng ngừa việc sản xuất kháng thể ở mẹ dẫn đến bệnh tán huyết ở thai nhi trong lần mang thai sau.

Nếu bác sĩ đã xác định rằng người phụ nữ đã có kháng thể Rh thì thai kỳ sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo nguy cơ thấp nhất. Trong một số ít trường hợp, khi sự bất đồng nhóm máu là nghiêm trọng và thai nhi gặp nguy hiểm, máu có thể được truyền bên ngoài vào nuôi em bé trong tử cung hoặc sau sinh.

Sự truyền máu này sẽ thay máu của em bé bằng hồng cầu nhóm Rh(-). Phương pháp này giúp ổn định số lượng hồng cầu của em bé cũng như giảm thiểu tổn thương hồng cầu gây ra bởi các kháng thể kháng Rh đang tuần hoàn (lưu thông) trong cơ thể em bé.

Tại Hoa Kỳ, nhờ hiệu quả của phương pháp tiêm huyết thanh miễn dịch, việc truyền máu từ bên ngoài chỉ trở nên cần thiết ở không quá 1% tổng số trường hợp bất đồng nhóm máu Rh.

Nếu bệnh tán huyết không được phòng ngừa

Biến chứng do bất đồng nhóm máu Rh hiếm khi xảy ra trong lần mang thai đầu tiên và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, kháng thể Rh hình thành trong những lần mang thai tiếp theo sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Hiện tượng tiêu máu có thể gây thiếu máu nghiêm trọng, vàng da, tổn thương não và suy tim ở trẻ sơ sinh. Ở những ca bệnh nặng, nó có thể gây tử vong cho thai nhi vì quá nhiều hồng cầu bị phá hủy.

Nếu bạn nghĩ rằng mình có thai và không chắc về yếu tố Rh của mình, hãy bắt đầu lịch khám để được chăm sóc tiền sản định kỳ sớm nhất có thể. Việc chăm sóc này sẽ bao gồm xét nghiệm nhóm máu. Khi được chẩn đoán và điều trị bất đồng nhóm máu Rh sớm, bạn có thể tập trung vào những việc quan trọng khác để đón chào em bé khỏe mạnh về nhà.

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp