Cảnh sát ngăn hai phe yêu và ghét ông Trump “hỗn chiến” khi bang Michigan xác nhận kết quả bầu cử nghiêng về ứng viên Biden hôm 23-11 - Ảnh: Reuters
Cuối cùng hôm 23-11, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ tổng hợp Mỹ (GSA) cũng đã gửi đến ông Joe Biden một văn thư mở đầu như sau: "Là người đứng đầu GSA, theo đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963, tôi có khả năng đảm bảo các nguồn lực và dịch vụ hậu bầu cử nhất định trong trạng thái sẵn sàng để hỗ trợ trong trường hợp chuyển giao quyền lực tổng thống... Hôm nay, tôi gửi lá thư này để cho phép ngài sử dụng những nguồn lực và dịch vụ đó".
Liệu lãnh đạo GSA có quyền công bố ai chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống? Không, chính lãnh đạo cơ quan này - bà Emily Murphy - đã nêu rõ trong văn thư rằng: "Tôi tin đạo luật này yêu cầu người đứng đầu GSA xác định - chứ không phải áp đặt - tổng thống đắc cử rõ ràng", rằng "GSA không quyết định kết quả của các tranh chấp pháp lý và quá trình tái kiểm phiếu, đồng thời không xác định các vụ kiện như vậy là hợp lý hay có lý do chính đáng hay không".
Trong điều kiện một phán quyết của ngành tư pháp về kết quả bầu cử còn lâu mới có, việc lãnh đạo GSA thông báo muốn tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao quyền lực của ông Biden thông qua cung cấp các nguồn lực "nhất định" chính là một lối ra cho cuộc "khủng hoảng kết quả bầu cử" hiện nay.
Càng "nhẹ nhõm" hơn khi trên trang Twitter của Tổng thống Donald Trump có dòng tweet sau vào sáng 24-11: "Vì lợi ích tốt nhất của đất nước chúng ta, tôi khuyên Emily và nhóm của cô ấy nên làm những gì cần làm liên quan đến các thủ tục ban đầu, và tôi đã yêu cầu nhóm của tôi làm như vậy".
Tất nhiên, ông Trump, với cá tính không muốn thất bại của mình, vẫn quả quyết "vụ kiện của chúng ta sẽ tiếp tục... Chúng ta sẽ thắng!".
Có thể tin rằng "vì lợi ích quốc gia" mà nay ông Trump "bật đèn xanh" cho thủ tục chuyển giao quyền lực, cho dù ông vẫn tin rằng ông thắng phiếu.
Rốt cuộc, mọi chuyện cuối cùng vẫn là tốt đẹp với kết thúc tốt đẹp này - nói theo cách nói "tương đối hóa" của người Pháp. Tương đối thôi, chớ đừng tuyệt đối để rồi trở nên cực đoan là điều đã và còn đang ám xã hội Mỹ suốt năm 2020 này.
Cực đoan trong hành vi công cộng cũng như trong chính sách trước đại dịch COVID-19, mà hậu quả là chỉ trong ngày 23-11, đã có xấp xỉ 179.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc hơn 12,7 triệu, và số tử vong hơn 263.000. Cực đoan sau sự cố người da đen bị đè cổ đến ngạt thở bởi cảnh sát da trắng, cho tới cực đoan trong tranh cử và sau bầu cử...
Giảm bớt tính cực đoan chiều này hay chiều kia chính là thách thức đầu tiên và lớn nhất cho bất cứ chính quyền mới nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận