Phóng to |
Xe của LHQ đón người tị nạn ở thành phố Homs - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, cuộc đàm phán từ ngày 10-2 (sáng 11-2 giờ VN) sẽ kéo dài 5 ngày. Phiên đàm phán trước đó ở Geneva đã kết thúc vào ngày 31-1 nhưng hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào ngoài việc tiếp tục đối thoại.
Giới quan sát quốc tế đánh giá thành công duy nhất của vòng đàm phán đầu tiên là việc đưa được 2 phe chính phủ và đối lập Syria ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên. Các quan chức phương Tây cho biết vòng đàm phán thứ 2 sẽ tập trung vào các vấn đề chủ chốt của cuộc xung đột Syria. Đó là chấm dứt giao tranh và lập chính phủ chuyển đổi.
Tuy nhiên chính phủ Syria và phe đối lập vẫn tỏ ra bất đồng sâu sắc. Các quan chức đối lập đòi lập một chính phủ chuyển đổi mà không có sự hiện diện của tổng thống al-Assad. Trong khi đó, chính quyền Syria khẳng định ưu tiên của họ là chống “khủng bố”, từ mà Damascus mô tả lực lượng nổi dậy.
Một số quan chức chính quyền Syria nhấn mạnh cuộc đàm phán sẽ không đi đến đâu nếu chính quyền al-Assad buộc phải thảo luận về việc từ chức. “Vòng đàm phán thứ 2 phải tập trung vào hòa giải, ổn định, ngừng bắn và cứu trợ nhân đạo - tạp chí Time dẫn lời nghị sĩ Syria Maria Saddeh - Geneva không thể quyết định được tương lai của đất nước Syria”.
Bên cạnh cuộc đàm phán, chính phủ Syria và phe đối lập đã đạt thỏa thuận nới rộng thời hạn ngừng bắn ở thành phố Homs đến ngày mai 12-2 để Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể tiếp tục di tản thường dân và cứu trợ nhân đạo tại đây.
Trong vài ngày qua, LHQ đã di tản được khoảng 800 thường dân ra khỏi thành phố Homs, nơi quân nổi dậy đang kiểm soát và bị lực lượng chính phủ tấn công dữ dội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận