Phóng to |
Vẽ cũng là một cách mơ |
Sau khi xem qua một lượt, hai họa sĩ thống nhất: Làm lại khung nhé! Lê Thiết Cương gợi ý. Đào Hải Phong cũng ủng hộ ngay. “Tôi không chấp nhận sự xuề xòa bởi đây là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là món đồ bình thường”.
Làm lại khung nhé. Và Lê Thiết Cương cầm điện thoại gọi cho một xưởng chuyên làm khung: toàn bộ số tranh hiện có (37 bức) và hai tấm poster khổ A0 được các anh nghiên cứu thật kỹ. “Các bức tranh đều được vẽ trên một khổ giấy, cùng chất liệu nên chúng tôi muốn có sự khác biệt một chút dành cho khách xem tranh trước khi vào xem hát” - Đào Hải Phong nói.
Không phải lần đầu tiên đến với những chương trình từ thiện, nhưng họa sĩ Đào Hải Phong đã hỏi rất kỹ ca sĩ Thanh Lam khi gửi đến một trong những bức tranh quý giá nằm trong bộ sưu tập của gia đình cho chương trình Thương. “Bức tranh ấy là một trong những tác phẩm được tôi vẽ năm 2006, khởi đầu cho một dòng tranh đã từng bán rất chạy”. Và không giấu nổi niềm vui khi biết toàn bộ số tranh của các em đã có người mua hết: “Tôi cho rằng đó là hành động rất thú vị bởi người làm từ thiện sẽ được hai thứ trong một hành động, họ vừa có tác phẩm nghệ thuật để thưởng thức lại vừa giúp đỡ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Bởi đó thật sự là những tác phẩm nghệ thuật với cái nhìn trong veo, ước mơ trong veo” - Đào Hải Phong cho biết.
Điểm nhấn của những bức tranh sẽ được trưng bày tại sảnh Nhà hát Lớn (Hà Nội) chính là tấm poster được làm từ nút vỏ chai truyền dịch với nhiều màu sắc khác nhau được ghép thành hình trái tim. Đó chính là minh chứng cho niềm lạc quan của các cháu bé, khẳng định nghệ thuật có thể được bắt đầu từ bất kể đâu dù đó là bệnh viện hay từ những cơn đau không thể sẻ chia của những bệnh nhi ung thư.
Trẻ em vẽ là đẹp Đó là vẻ đẹp rực rỡ của một bảng màu nguyên và những màu cơ bản không pha phách, một bảng màu tự nhiên, không gò ép, không lý trí. Không phải là nhìn thế nào thì vẽ thế, nghĩ thế nào thì vẽ thế, mà thích thế nào thì vẽ thế. Tranh của các em là vẻ đẹp của vô lý. Sự vô lý đầy có lý bởi tất cả đều được vẽ bằng ánh nhìn ngây thơ trong sáng và thuần khiết. Thế là không như người lớn, nhìn thế nào vẽ thế ấy, trẻ con nhìn thế nào tưởng tượng ra thế ấy, thậm chí chưa được gặp, chưa được nhìn vẫn vẽ. Các em không chỉ sáng tạo lại hiện thực mà là sáng tạo ra một hiện thực khác. Em Phương có đôi mắt của “ống kính vạn hoa”mới có thể vẽ bức Gia đình rùa lung linh như thế. Phước vẽ ngôi nhà của em có nhiều cây, có nắng, có hoa và có những đám mây đang “đi” qua đường. Chẳng thể tìm thấy một bức tranh nào xấu của các em cả, trẻ con vẽ tức là đẹp. Tranh của các em bức nào cũng rực rỡ, lộng lẫy, bức nào cũng vui (điều mà người lớn và những người lớn khỏe mạnh chưa chắc đã vẽ được). Hoặc cũng có thể niềm vui được vẽ, niềm vui được sống đã giúp giấu đi nỗi bất hạnh của các em. Mỗi bức tranh của các em như hình ảnh trong cổ tích, như một giấc mơ. Vẽ với các em cũng là một cách mơ. Cuộc sống chẳng bao giờ tròn trịa và nghệ thuật sẽ phần nào làm bớt đi những chỗ khuyết, những phần khuất lấp, những đau đớn và nước mắt nữa. Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận