03/01/2015 08:38 GMT+7

​Bắt đầu tìm kiếm máy bay QZ8501 dưới nước

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Các nhóm chuyên gia nước ngoài đã đến Indonesia hỗ trợ đội thợ lặn tìm kiếm xác chiếc máy bay QZ8501, trong khi thời tiết xấu tiếp tục gây khó cho hoạt động tìm kiếm trên lẫn dưới mặt nước.

Binh sĩ Indonesia chuyển thi thể một hành khách trên chuyến bay QZ8501 về Bệnh viện Bhayankara ở Surabaya ngày 2-1 - Ảnh: Reuters

Ðến cuối ngày 2-1, các đội cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy tổng cộng 30 thi thể cùng nhiều mảnh vỡ từ biển, trong đó 18 thi thể tập kết ở Surabaya, bốn ở Pangkalan Bun và tám thi thể còn nằm trên một chiếc tàu cứu hộ vớt được, theo Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia.

Hai thi thể tìm thấy vẫn còn bị kẹt trên ghế máy bay và đeo dây an toàn. Các thi thể tại Pangkalan Bun tiếp tục được đưa về Surabaya trong ngày.

Kênh Channel News Asia đưa tin đã nhận dạng được bốn nạn nhân trên chiếc máy bay gặp nạn hôm 28-12-2014 khi trên đường từ Surabaya (Indonesia) đến Singapore.

Ngoài cô Hayati Lutfiah, có thêm hai hành khách Grayson Herbert Linaksita, Kevin Alexander Soetjipto và nữ tiếp viên Khairunnisa của AirAsia được xác định qua dấu vân tay, răng và thông tin y tế khác. Cho đến nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy có hành khách còn sống sót.

Tập trung dò đáy biển

Chiến dịch tìm kiếm trong ngày 2-1 tập trung vào hai nhiệm vụ là xác định vị trí thân máy bay và tìm kiếm hộp đen.

Lãnh đạo Basarnas Bambang Soelistyo giải thích tại cuộc họp báo: “Chúng tôi chắc chắn phần lớn thân của chiếc máy bay đang ở độ sâu 25-30m và sẽ cố gắng trục vớt cũng như tìm kiếm chiếc hộp đen”.

Chiều 2-1, kênh MetroTV dẫn lời ông Yayan Sofiyan, chỉ huy chiếc tàu Bung Tomo của hải quân Indonesia, cho biết đã nhìn thấy phần đuôi của chiếc máy bay dưới biển ở độ sâu khoảng 29m. Basarnas chưa xác nhận thông tin này.

Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp (BEA) cho biết họ đã gửi một nhóm chuyên gia cùng thiết bị dò tìm đến Indonesia hỗ trợ tìm kiếm. “Một chiếc tàu sẽ đưa các điều tra viên cùng với thiết bị dò gồm nhiều máy thu thủy âm để xác định tín hiệu từ hai hộp ghi âm máy bay” - AFP dẫn tuyên bố của BEA.

Các chuyên gia của Singapore và Indonesia, cố vấn kỹ thuật của hãng sản xuất máy bay Airbus cũng sẽ có mặt trên tàu. Trước đó, các tàu hải quân của Mỹ và Singapore với khả năng chống tàu ngầm đã dùng sóng âm để quét đáy biển.

Trong khi đó ngày 2-1, lãnh đạo hải quân Malaysia, đô đốc Abdul Aziz Jaafar, cho biết hoạt động tìm kiếm trên mặt nước tiếp tục di chuyển khoảng 55 km từ vùng biển được tìm kiếm hôm qua. Lực lượng cứu hộ đã khoanh vùng tập trung hơn 5.000km2 có khả năng tìm thấy các mảnh vỡ của QZ8501.

Thêm ba chiếc tàu đã được điều động tham gia việc tìm kiếm, bao gồm KN Baruna Jaya 1, KN Hidayat và MV Geo Survey, cả ba cũng đều trang bị các hệ thống định vị dưới nước, bao gồm máy quét sóng âm để phát hiện kim loại và hình ảnh 3D dưới nước.

Hôm 31-12-2014, ông Bambang Soelistyo cho biết chiến dịch tìm kiếm sẽ tập trung vào khu vực có diện tích 13.500km2 với sự tham gia của 29 tàu và 17 máy bay.

Sóng lớn cao đến 5m

Gió mạnh và sóng lớn tiếp tục thách thức chiến dịch tìm kiếm trong ngày 2-1. Chỉ một mảnh vỡ máy bay được tàu RSS Supreme tìm thấy trong buổi sáng.

“Sóng cao đến 5m vào buổi chiều, cao hơn cả hôm qua - Reuters dẫn lời viên phi công trực thăng Tatag Onne tham gia tìm thi thể và mảnh vỡ máy bay - Chúng tôi mong điều kiện thời tiết đỡ hơn để có thể tiếp cận hiện trường. Hôm qua (1-1), chúng tôi không thể đưa được một thi thể lên vì sóng, có lúc chúng tôi nhìn thấy thi thể nhưng có lúc không”.

Một chiếc trực thăng Super Puma dự kiến cất cánh vào buổi sáng hôm qua đã phải hoãn lại vì thời tiết. Mưa lớn và gió mạnh làm hạn chế tầm nhìn đến nỗi các tàu phải liên tục hụ còi để tránh va vào nhau.

“Các thợ lặn đang chờ trên tàu hải quân Banda Aceh và sẽ hoạt động một khi xác định được thân máy bay - ông Bambang Soelistyo khẳng định - Chúng tôi hi vọng sẽ có kết quả đáng kể trong hôm nay”. Ông Tatang Kurniadim, lãnh đạo Ủy ban quốc gia về an toàn vận tải Indonesia, cho biết nước này sẽ đưa vào sử dụng năm máy định vị một khi thời tiết ổn định hơn, dự kiến trong năm ngày nữa.

Tuy nhiên các chuyên gia cho biết QZ8501 rơi ở vùng biển khá nông nên việc tìm kiếm hộp đen máy bay sẽ không quá khó khăn nếu nó vẫn còn hoạt động. Các hộp dữ liệu có khả năng phát tín hiệu định vị trong khoảng 2.000 - 3.000m và pin hoạt động trong 30 ngày.

Máy bay “rơi thẳng đứng”

Sau khi xem xét các dữ liệu có được từ chuyến bay QZ8501, các chuyên gia hàng không nhận định máy bay đã rơi xuống biển “theo chiều thẳng đứng” một cách hết sức khó hiểu.

Theo báo Daily Mail, chuyên gia hàng không Indonesia Gerry Soejatman cho biết phân tích các dữ liệu từ rađa có thể thấy chiếc Airbus A320-200 tăng độ cao quá gấp rồi bất ngờ rơi xuống theo chiều thẳng đứng “như một mảnh kim loại bị một bàn tay khổng lồ kéo xuống”.

“Cách máy bay rơi rất khó để hiểu nổi” - chuyên gia Soejatman nhấn mạnh. Báo Sydney Morning Herald dẫn lời chuyên gia hàng không Úc Peter Marosszeky thuộc ĐH New South Wales cũng khẳng định máy bay đã rơi theo chiều thẳng đứng.

Đó là lý do lực lượng cứu hộ tìm thấy các thi thể và mảnh vỡ máy bay ở địa điểm chỉ cách nơi máy bay mất tích 10km. Các dữ liệu bị rò rỉ cho thấy máy bay đã tăng độ cao với vận tốc 1.828 - 2.743m mỗi phút, tương tự máy bay phản lực. “Bạn không thể nào làm như vậy với một chiếc Airbus A320” - ông Soejatman quả quyết.

Tốc độ tăng độ cao thông thường của máy bay thương mại là 304-457m mỗi phút. Sau khi tăng độ cao, máy bay rơi với tốc độ còn chóng mặt hơn nhiều: 3.352m/phút.

Ông Soejatman nhận định cũng có thể số liệu từ rađa đã sai, nhưng các số liệu này được truyền đi từ chính bộ phận rađa Mode S của chiếc Airbus A320-200 gặp nạn.

Chuyên gia Marosszeky cũng đánh giá tốc độ tăng độ cao 1.828m/phút là của máy bay phản lực. Điều đó cho thấy thời tiết xấu khác thường là nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn. Ông khẳng định khó có khả năng rađa Mode S đưa thông tin sai lệch. 

NGUYỆT PHƯƠNG

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp