Số liệu hai tháng đầu năm thể hiện sức khỏe khu vực sản xuất và tiêu dùng rất yếu và cần những biện pháp cấp bách nhằm kích thích phục hồi. Trong đó giảm nhanh lãi suất điều hành từ đó kéo giảm lãi suất huy động và cho vay là điều thị trường cần lúc này.
Thêm vào đó, những cú sốc vừa qua trên thị trường tài chính Mỹ đã tạo rào cản lớn đến mục tiêu tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và từ đó xoa dịu những áp lực tỉ giá lên VND.
Áp lực lạm phát của năm nay được dự báo là có, tuy nhiên phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động dịch chuyển mục tiêu lạm phát từ 4% như các năm trước đó lên 4,5% để tạo không gian cho việc nới lỏng tiền tệ.
Việt Nam phải giảm lãi suất trước các ngân hàng trung ương khác vì thực sự kinh tế của chúng ta đang thể hiện sự suy yếu nhanh và sớm hơn phần đông còn lại.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, lãi suất thị trường liên ngân hàng đã có những phản ứng tức thì. Trong bối cảnh thanh khoản như hiện tại và tín dụng tăng chậm thì lãi suất huy động sẽ chịu sức ép giảm rất lớn để các ngân hàng có thể đẩy vốn ra thị trường.
Kỳ vọng với tình hình hiện nay thì đến giữa năm nay lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng cổ phần lớn có thể về quanh mức 7 - 7,2%/năm. Lãi suất cho vay sẽ giảm theo nhưng sẽ có độ trễ từ 1-3 tháng để ngân hàng trung hòa nguồn vốn lãi cao trước đây.
Với động thái như vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chính thức xác nhận việc bắt đầu quay trở lại với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhưng trong ngắn hạn, để tiếp tục giảm lãi suất thị trường thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần giảm thêm các loại lãi suất điều hành còn lại, cũng như chủ động điều tiết thanh khoản trên thị trường mở theo hướng giảm dần lãi suất bình quân liên ngân hàng.
Dự báo từ nay đến cuối năm có thể Ngân hàng Nhà nước có thêm 1-2 đợt giảm lãi suất điều hành nữa để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn nhận lãi suất điều hành của Việt Nam không còn nhiều dư địa để tiếp tục có nhiều đợt giảm mạnh.
Công cụ lãi suất hoàn thành xong nhiệm vụ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cần sử dụng kết hợp thêm các công cụ hỗ trợ thanh khoản khác như: mở rộng thanh khoản thị trường mở, mua thêm ngoại tệ, cung cấp những gói tái cấp vốn đặc biệt theo đối tượng chuyên biệt.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng những động thái nới lỏng tiền tệ cần tiến hành song song với những điều tiết nhỏ để giảm thiểu áp lực lên tỉ giá và lạm phát.
Vì việc đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng sớm chính sách tiền tệ khó tránh khỏi việc gây áp lực lên lạm phát trong nước.
Tuy rằng chúng ta đã xác định vấn đề lạm phát không quá căng thẳng bởi Ngân hàng Nhà nước đã nới mục tiêu lạm phát cao hơn và sức cầu trong nước đang suy giảm, tuy nhiên rủi ro này cũng cần cân đo thêm.
Về tỉ giá, có thể trong ngắn hạn sẽ có những biến động nhưng áp lực là không lớn và Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động xử lý được với các công cụ sẵn có của mình. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng rủi ro chứ không nên chủ quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận