16/11/2015 08:07 GMT+7

Bắt đầu một mùa đông khắc nghiệt...

Nhà văn THUẬN
Nhà văn THUẬN

TT - “Mẹ ơi, mẹ có biết là vừa có nổ lớn ở Paris và nhiều người chết lắm?”. Tôi nghe tiếng con trai mà không hiểu mấy.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Paris tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội chiều 15-11 - Ảnh: Việt Dũng
Lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Paris tại Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội chiều 15-11 - Ảnh: Việt Dũng

Trước khi tôi đi ngủ thì nó đang ngồi xem bóng đá trong phòng khách, sân vận động Stade de France có trận giao hữu giữa hai đội Pháp - Đức.

Tôi cố mở mắt và trong đầu là hình ảnh những nhóm thanh niên nghịch ngợm quậy phá dịp cuối tuần. Nhưng ngay sau đó, trấn tĩnh hơn, tôi hỏi lại là có phải nó muốn nói đến khủng bố?

Con trai tôi gật đầu xác nhận: đang xem, nó bỗng nghe thấy những tiếng nổ lớn mà nó tưởng là tiếng pháo, cuối buổi thì người ta thông báo đã xảy ra hai vụ đánh bom liều chết, tổng thống đã bí mật rời sân vận động giữa chừng…

Đất tròng trành dưới chân tôi: con trai tôi đã vèo một cái bị đánh mất tuổi thơ! Có thể mãi mãi sau này, mỗi khi xem đá bóng - thứ mà nó si mê từ khi lên ba - nó sẽ còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ một kẻ nào đó ôm bom lao tới.

Có thể nó sẽ chẳng còn dám xem đá bóng nữa. Nó sẽ cảnh giác mỗi khi đến những chỗ có chục người trở lên. Nó sẽ hoảng hốt nếu thấy ai đó ôm vật gì to to trong tay. Vậy mà người ta nói chúng tôi đang ở một nơi thiên hạ mơ ước!

Rồi tôi nghĩ đến những nạn nhân vô tội, hàng trăm con người đã chết một cách đau đớn đêm nay, những đứa con bỗng dưng mất cha hoặc mẹ, những cha mẹ bỗng dưng mất con, những người tình bỗng dưng xa nhau vĩnh viễn, những bạn bè chẳng bao giờ còn được trùng phùng.

Tôi nghĩ đến những người dân Paris đầy lòng nhân hậu đã thức suốt đêm để chăm sóc người bị thương hay mở cửa nhà riêng đón những du khách hoảng loạn.

Cuối cùng tôi nghĩ thật ra thì hơn 20 năm ở Paris, tôi đã từng dăm lần chứng kiến thành phố này bị tấn công bởi những kẻ núp bóng Hồi giáo. Mới tháng giêng vừa qua, thủ đô nước Pháp đã phải chứng kiến trận nổ súng dã man ngay tại tòa soạn báo Charlie Hebdo.

Và chỉ cách đây vài tuần, người ta cũng xôn xao không ít về bài phỏng vấn ông Marc Tredivic: vị cựu thẩm phán chống khủng bố cảnh báo về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) coi nước Pháp là “kẻ thù số 1” và đang chuẩn bị một cuộc tấn công “độc nhất vô nhị” vào Paris.

Tóm lại, có thể nói khủng bố đã trở thành một phần hiện thực đáng buồn của xã hội Pháp đương đại. Tôi hoàn toàn ý thức được điều đó.

Nhưng điều khiến tôi luôn bất ngờ, thậm chí khó hiểu, đó là phản ứng vô cùng mâu thuẫn của người Pháp: bên ngoài - những gì tôi nhìn thấy - là một sự bình thản khó tin.

Chỉ vài ngày sau vụ tấn công, ai nấy tiếp tục đi làm, đi học, đi chợ, đi chơi, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, biểu tình, tuần hành, như thể chẳng có gì nghiêm trọng đã xảy ra, như thể chẳng ai có thể khiến họ khiếp sợ, như thể cuộc sống này, nền dân chủ này, những giá trị tự do mà bao thế hệ đi trước đã giành giật được không dễ gì bị lấy đi.

Người Pháp được nuôi sống bằng niềm tự hào từ bên trong? Tôi không khó cảm thấy điều này. Ấy thế mà, nếu thử vào các diễn đàn trên mạng - nơi bất kỳ ai cũng có thể ẩn danh và phát biểu những suy nghĩ thực của mình - tôi lại bắt gặp những người Pháp hoàn toàn khác, những con người hoảng loạn trước hiện tại và tương lai, những công dân bất bình với chính phủ đương quyền, những cá nhân không dám công khai đả động đến vấn đề Hồi giáo để tránh bị kết án “phân biệt chủng tộc” - một tội danh xấu hổ trong xã hội Pháp nơi nhân quyền được cho là giá trị hàng đầu.

Vì một tình yêu bất khả dành cho nước Pháp, chúng ta có thể tuyên bố những cá nhân này chỉ là một thiểu số xấu xí, những con sâu làm rầu nồi canh, những kẻ bán lương tâm cho Đảng Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu.

Nhưng nếu tỉnh táo một chút, chúng ta cũng có thể tìm hiểu để thấy rằng những cá nhân này không hề ít, rằng tuy không nói ra miệng nhưng họ thể hiện bằng hành động, đó là lần lượt rời bỏ các khu ngoại ô nơi tỉ lệ người nhập cư Hồi giáo cao.

Một ngày sau đợt tấn công kinh hoàng khiến 129 người chết và 352 người bị thương, đường phố Paris vắng hoang mang. Cơn ác mộng vẫn lảng vảng khắp nơi. Đâu đó những ngọn nến được thắp lên, những bó hoa được đặt xuống để tưởng nhớ các nạn nhân.

Tuy rằng quốc ca đã lập tức vang lên ở sân vận động Stade de France ngay sau vụ đánh bom liều chết, có vẻ như trận 13-11 này gây tổn hại tinh thần cho dân Pháp hơn tất cả các vụ khủng bố trước đây. Hậu quả thương vong quá nặng nề.

Người ta dường như đã nhận ra rằng những kẻ tấn công họ ngày hôm nay vô cùng đáng gờm: có tiền, có vũ khí, có quyết tâm, có trình độ chinh chiến, đã được tôi luyện ở chiến trường Afghanistan hay Syria.

Ngoài ra, người ta cũng không thể phủ nhận một điều rằng bản thân đất nước họ đang ngày càng trở nên quá mong manh, nếu không kịp thời tìm được các biện pháp bảo an thì Paris sẽ còn là cái đích cho các lực lượng khủng bố nhắm tới. Không loại trừ bất kỳ thành phố nào của Pháp.

Con trai tôi cả ngày rầu rĩ trong phòng riêng. Tuổi thơ của nó đã qua thật rồi. Paris cũng chính thức bước vào mùa đông, một mùa đông được dự đoán là khắc nghiệt, bởi từ tháng 9, những con gấu của vườn thú Thoiry đã bắt đầu xây tổ, một cách cẩn trọng đáng ngờ.

Nhà văn THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp