Huỳnh Thị Huyền Như được đưa đến tòa sáng 15-12 - Ảnh: H.Điệp |
Có 20 bị cáo, 11 nguyên đơn dân sự, bị hại và 28 cá nhân, đơn vị là người có quyền và nghĩa vụ liên quan gửi kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.
Từ 7g30 sáng, lực lượng an ninh phiên tòa đã dựng cổng an ninh và kiểm tra nghiêm ngặt những người tham dự phiên tòa.
Không giống với phiên sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm xử Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm hạn chế cấp thẻ cho các phóng viên tham dự, mỗi tờ báo chỉ có một đại diện đến dự tòa.
Lý do được phía tòa Phúc thẩm đưa ra là do phòng xử chật, số lượng người tham gia tố tụng đông nên không có nhiều chỗ dành cho báo chí.
Làm thủ tục kiểm tra giấy tờ trước khi vào dự tòa - Ảnh: H.Điệp |
Đề nghị triệu tập thêm nhiều người
Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), tại phiên tòa phúc thẩm này có tổng cộng 34 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Ngay sau khi hoàn tất phần làm thủ tục, nhiều luật sư tham gia vụ án đã đề nghị HĐXX yêu cầu bộ phận an ninh không giữ các tài liệu, máy tính của các luật sư.
Theo các luật sư, đại diện VKS và HĐXX, thư ký ghi biên bản phiên tòa đều phải sử dụng tài liệu, máy tính trong quá trình xét xử trong khi đó các luật sư bị buộc phải gửi lại máy tính xách tay ở bên ngoài phòng xử là điều bất hợp lý.
Các luật sư cho rằng nhiều tài liệu liên quan vụ án được lưu trong máy tính.
Việc đưa các tài liệu này vào phiên tòa là để các luật sư có điều kiện đưa ra các dẫn chứng, bút lục phục vụ quá trình tranh tụng nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị hại và người liên quan.
Luật sư Trương Xuân Tám (bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Vietinbank) cho rằng giấy giữ đồ mà lực lượng an ninh và nhân viên Tòa phúc thẩm TAND Tối cao giao cho các luật sư không phải là một hợp đồng gửi giữ tài sản. Nếu xảy ra mất mát thì ai chịu trách nhiệm?
Luật sư Lưu Văn Tám - bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB đề nghị HĐXX triệu tập các cựu lãnh đạo ngân hàng ACB gồm: Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên), Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đến tòa.
Luật sư Tám cũng đề nghị HĐXX triệu tập các cá nhân liên quan đã và đang làm việc tại Vietinbank như Phạm Huy Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Văn Sẽ, Trương Minh Hoàng, Nguyễn Minh Hương.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ quyền lợi cho ngân hàng ACB) yêu cầu triệu tập thêm nhân viên công nghệ thông tin, các kế toán trưởng của Ngân hàng Vietinbank cũng như kế toán các chi nhánh Vietinbank tại TP.HCM và Chi nhánh Nhà Bè…
Tham gia bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank trong phiên tòa này có luật sư Nguyễn Tiến Hùng (trong phiên xét xử sơ thẩm, luật sư Hùng bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như).
Trước tình tiết này, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị HĐXX không chấp nhận cho luật sư Hùng tham gia với vai trò luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank trong phiên phúc thẩm bởi quyền lợi giữa Vietinbank và bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như mâu thuẫn nhau.
Luật sư Lưu Văn Tám cho rằng việc luật sư Hùng tham gia ở cả hai vai trò trong cùng một vụ án hình sự là vi phạm điều 9 Luật Luật sư.
Huyền Như đòi biệt thự 43 tỉ cho mẹ
Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên ngày 27-1-2014 phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân và buộc bị cáo này phải hoàn trả toàn bộ số tiền gần 4.000 tỉ đồng đã chiếm đoạt của các nguyên đơn dân sự và bị hại.
Đồng thời 22 bị cáo khác trong vụ án nhận mức án từ 1 năm án treo đến chung thân về các tội cho vay lãi nặng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu của cơ quan nhà nước.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo về phần hình phạt hay bồi thường dân sự mà kháng cáo đòi lại một bất động sản nằm trong tổng số 12 bất động sản đang bị kê biên.
Bất động sản này được định giá là 43 tỉ đồng. Theo đơn kháng cáo, Huyền Như đòi lại bất động sản này cho mẹ.
Ngoài bản án được tuyên với 23 bị cáo, hội đồng xét xử sơ thẩm cũng kiến nghị đến Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để xử lý đối với tám đối tượng có hành vi tương tự như Huỳnh Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung... trong việc giúp Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 180 tỉ đồng tại VIB mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung đối với Trần Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của VIB 15 tỉ đồng.
Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (là các phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM) đã ký các hợp đồng tiền gửi với ACB.
Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố Vũ Hồng Hạnh (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông) đã giúp sức Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông 380 tỉ đồng khi ký 7 lệnh chi khống cho Huyền Như.
Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ, nếu đủ căn cứ thì khởi tố điều tra, xử lý đối với hành vi của một số đối tượng cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần nhưng chưa bị truy tố, xử lý trong vụ án này.
Theo bản án sơ thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank Chi nhánh TP.HCM).
Ngoài công việc ở Ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như còn làm thêm nghề kinh doanh bất động sản và vì vậy Như phải vay mượn tiền từ bạn bè, người quen và ở các Ngân hàng.
Năm 2008, việc kinh doanh khó khăn khi nhà đất "đóng băng", Huỳnh Thị Huyền Như đã mắc nợ đến 200 tỉ đồng.
Để trả nợ, Như đã đi vay một số lượng lớn tiền (có khi lên đến cả hàng ngàn tỉ đồng) và trả lãi suất cao cho hàng chục người trong đó có các đối tượng như Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí,…
Tuy vay mượn tiền với số lượng lớn của nhiều người nhưng cũng không giải quyết hết nợ nần, vì vậy bị cáo Như đã nghĩ đến việc vay mượn tiền của các công ty, các công ty sân sau của một số ngân hàng và của một số ngân hàng và được núp dưới hình thức huy động vốn hoặc uỷ thác đầu tư vốn để chiếm đoạt.
Bị cáo Huyền Như đã lợi dụng danh nghĩa Vietinbank CN TP.HCM và CN Nhà Bè, đồng thời nghĩ ra nhiều thủ đoạn như yêu cầu các đơn vị, cá nhân mở tài khoản thanh toán của họ tại Vietinbank, sau đó để tạo lòng tin cho các đơn vị, cá nhân tin tưởng ký hợp đồng để chuyển tiền vào.
Khi họ chuyển tiền tới tài khoản tại Vietinbank, Như đã làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo Vietinbank CN Nhà Bè và chữ ký, con dấu giả của nhiều công ty, cá nhân rút tiền chiếm đoạt.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Huyền Như thừa nhận việc lợi dụng danh nghĩa Vietinbank để lừa đảo các cá nhân, tổ chức muốn gửi tiền lãi suất cao cho Vietinbank để bị cáo chiếm đoạt.
Huyền Như tại tòa phúc thẩm - Ảnh: Thuận Thắng |
Huyền Như tại tòa - Ảnh: Thuận Thắng |
Huyền Như tại tòa - Ảnh: Thuận Thắng |
Tòa thẩm tra lý lịch các bị cáo - Ảnh: Thuận Thắng |
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo kế hoạch từ tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, từ hôm nay (15-12) tòa bắt đầu phiên xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu, đã chiếm đoạt của 15 ngân hàng, công ty và cá nhân gần 4.000 tỉ đồng. Dự kiến phiên xét xử phúc thẩm diễn ra đến hết 31-12. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận