Sai con đi mua rượu là chuyện thường thấy ở các vùng quê. Trong ảnh: một em nhỏ mua rượu cho gia đình ở xã Hòa An, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp - Ảnh: NGỌC TÀI
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.
"Sai con đi mua rượu là chuyện thường thấy ở các vùng quê. Như quê tôi - một tỉnh ở miền Trung - chẳng hạn, chiều chiều, khi người đàn ông đi làm về vẫn thường sai con đi xuống quán bán rượu ở giữa thôn mua vài "xị" về để nhâm nhi cùng người làm chung hoặc hàng xóm.
Thậm chí, có khi hiểu tính chồng, nhiều người vợ cũng sai con "đi mua rượu về cho ba bây" và chuẩn bị sẵn mồi nhậu. Cảnh nhậu nhẹt cuối ngày ở vùng quê xôm tụ nhất là khi vào ngày mùa, cả làng suốt lúa, vác lúa theo phương thức vần công nên hết nhà này nhậu tới nhà kia nhậu.
Việc sai con đi mua rượu về cho người lớn nhậu là không nên vì theo luật cấm sắp có hiệu lực (vào ngày 1-11-2017), chủ quán tạp hóa đong rượu bán cho trẻ dưới 18 tuổi là phạm pháp".
Tấn Khôi
Khi đó, trẻ con là người được sai đi mua rượu - như một cách sai biểu làm việc vặt thường xuyên nhất.
Thực ra, hướng dẫn trẻ con làm việc vặt trong nhà như rửa chén bát, quét nhà hoặc giặt đồ, phơi quần áo, nấu cơm, lặt rau... là một cách giáo dục con trẻ từ nhỏ những kỹ năng cần thiết cho bản thân.
Cần xốc dậy việc dạy con tự lập tùy theo lứa tuổi và biết việc bếp núc, nhất là hiện nay không ít người trẻ mù tịt khoản này do được bảo bọc quá nhiều từ nhỏ.
Tuy nhiên, việc sai con đi mua rượu về cho người lớn nhậu là không nên vì theo luật cấm sắp có hiệu lực (vào ngày 1-11-2017), chủ quán tạp hóa đong rượu bán cho trẻ dưới 18 tuổi là phạm pháp.
Ngoài việc phạm luật thì vấn đề khác cần đặt ra là nếu cứ sai trẻ con mua rượu hoài, theo năm tháng, các em sẽ thấy việc uống rượu là bình thường, thậm chí xem đó là người lớn bởi "chính ba mẹ mình cũng uống và chấp nhận chuyện uống rượu". Từ đó, có thể những bạn trẻ miền quê lớn lên sẽ "nối gót" nhậu nhẹt.
Tác hại của bia rượu ai cũng biết, nhưng quán nhậu dễ dàng mở ra và việc thoải mái đến vô thức trong cách sai trẻ con đi mua rượu phải chăng đã góp phần tạo ra một xã hội mà nhiều đấng "mày râu" thường xuyên ăn nhậu và say xỉn?
Để giáo dục trẻ trở thành người tốt, không cách nào tốt hơn việc người lớn sống nêu gương.
Mong rằng khi luật đi vào cuộc sống, ở mỗi vùng quê, cảnh nhậu nhẹt sẽ không còn phổ biến, theo đó là không còn phổ biến hình ảnh chiều chiều mấy đứa nhỏ xách chai đi mua rượu và người bán vẫn vô tư đong bán lấy tiền - xem như chuyện thường ngày... vô hại!"
Không thể cứ mãi bán rượu tràn lan
Ở nông thôn dường như không mua gì dễ hơn mua rượu. Rượu được bán khắp nơi, từ trực tiếp tại nhà, các lò sản xuất đến tiệm tạp hóa và quán nhậu đủ loại.
Trong bối cảnh ấy, thật khó để các cơ quan chức năng đủ lực lượng "ứng trực" để kịp thời xử phạt việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Ngay tại các quán nhậu, việc xử phạt chuyện này cũng không đơn giản. Ở rất nhiều quán nhậu hay địa điểm ăn uống nói chung, không có bất kỳ quy định nào hạn chế người dưới 18 tuổi đến đó.
Nói cách khác, chủ quán nhậu dễ dàng lách luật bằng cách biện minh họ không bán rượu cho người dưới 18 tuổi mà chỉ bán cho người lớn đi cùng.
Để giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng rượu bia, đặc biệt là ở người trẻ, cốt lõi vẫn là ở công tác tuyên truyền, giáo dục là chính.
Về lâu dài, thay vì tập trung xử phạt việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cần hạn chế và đi đến cấm bán rượu tràn lan như hiện nay, bên cạnh có quy định về giới hạn các địa điểm được phép đến đối với người dưới 18 tuổi.
Đó chính là các quán nhậu, vũ trường, nhà hàng hoặc các địa điểm ăn uống có bán rượu nói riêng, thức uống có cồn nói chung.
LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận