03/11/2023 09:04 GMT+7

Bắt con chữ, không muốn bắt chồng

Từng bị gia đình, dòng họ buộc nghỉ học 'bắt chồng' sinh con nhưng H'Thư Ayun nhất quyết phải đi bắt con chữ.

H’Thư Ayun (giữa) cùng mẹ và dì nhặt hạt điều với tiền công 5.000 đồng/kg - Ảnh: TÂM AN

H’Thư Ayun (giữa) cùng mẹ và dì nhặt hạt điều với tiền công 5.000 đồng/kg - Ảnh: TÂM AN

Hôm đi nhập học, cô tân sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên nhà ở buôn Pu, xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ấy nhét vội vài vật dụng cá nhân mang theo như sợ nếu chậm một chút gia đình sẽ đổi ý không cho đến trường.

"Cháu nài nỉ mãi xin cho đi học, chúng tôi cũng phải nghe theo", ông Ynik Niê - cha H'Thư - vừa buộc vali lên xe cho con vừa nói.

Sao phải "bắt chồng" sớm?

Thủ phủ sầu riêng Krông Pắk vài năm trở lại đây khấm khá hẳn nhưng ngôi nhà gỗ nhỏ giữa buôn Pu của gia đình H'Thư lại rất khiêm tốn.

Nhà ít đất, cha mẹ cũng già, thu nhập hằng tháng của gia đình cũng ít ỏi. Nên khi nhận được tin đậu đại học, H'Thư mừng ít thôi.

Bà H'Driêu - dì H'Thư - nói nhà nghèo vậy nhưng cô cháu gái lại học giỏi nhất buôn. Sau mỗi buổi học về, H'Thư tranh thủ khi đi hái bơ, lúc nhặt hạt điều kiếm thêm thu nhập.

"Xong việc lại thấy nó ngồi vào bàn học tận khuya. Hồi dịch, nhà khổ quá tưởng H'Thư phải nghỉ học rồi" - bà H'Driêu kể.

H'Thư kể với thầy dạy văn chắc con phải nghỉ học. Bạn nói nhớ rất rõ thầy bảo cái khó trong chốc lát sẽ vượt qua chứ nếu thiếu tri thức là cả quãng đường dài của cuộc đời sẽ luôn nghèo khó. "Lúc đó mình như bừng tỉnh, nghĩ về ước mơ, quyết vượt qua mọi khó khăn để đến trường", H'Thư nhớ.

Thời khóa biểu một ngày của bạn sẽ là sáng đi học, chiều làm thêm rồi tối học. Góc học tập của H'Thư cũng nhỏ hẹp và còn được tận dụng làm nơi cất nhiều vật dụng của gia đình. Chiếc bàn bé tẹo ấy là nơi cô bạn nhiều đêm thức học bài đến 1h - 2h sáng để nuôi ước mơ sẽ vào đại học.

Ở buôn, người ta bảo con gái không cần học nhiều, phải sớm bắt chồng yên phận với "lời ru trên nương". Nhưng H'Thư không nghĩ vậy. Bởi nếu mãi như thế buôn làng sẽ mãi nghèo và tụt hậu. Bạn muốn học tiếng Anh rồi trở về dạy các em trong buôn để vươn xa hơn ra thế giới ngoài kia.

Viết tiếp ước mơ của chị

H'Thư nói mình sẽ kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống cho những năm học phía trước. Đó cũng là cách bạn đang viết tiếp ước của chị. H'Li Ayun - chị gái H'Thư - đã hoàn thành năm thứ ba đại học nhưng đành dở dang vì nhà nghèo quá mà các em còn đang tuổi đến trường.

Sau quyết định rất buồn ấy, H'Li đi Bình Dương làm thuê nhưng lúc nào gọi về nhà cũng động viên em gái gắng vượt mọi khó khăn để viết tiếp ước mơ của chị. Nên cô bé quyết tâm có khó đến đâu cũng phải ráng vì học luôn phần của chị.

Với H'Thư, con gái hay con trai đều cần học nếu muốn có chỗ đứng trong xã hội. Bạn chọn tiếng Anh vì muốn vươn xa hơn, có thể giúp ích gì đó cho buôn làng sau này.

Thầy Bùi Duy Hưng - giáo viên Trường THPT Quang Trung - cho biết mỗi năm trường tuyển khoảng 150 học sinh người dân tộc thiểu số vào lớp 10.

Nhưng lên tới lớp 12 chắc rơi rụng hơn 2/3 số ấy hoặc vì không theo kịp kiến thức, hoặc gia đình quá khó khăn, hoặc lấy chồng. Và tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số vào đại học càng thấp, học giỏi như H'Thư là khá hiếm.

Biết bạn định nghỉ học đi làm công nhân, thầy Hưng đã động viên H'Thư và gia đình rất nhiều. "Cả khi đậu với 27,5 điểm nhưng gia đình vẫn chần chừ có nên cho học tiếp không vì nhà H'Thư đông anh em, bố chỉ làm thuê còn mẹ mất sức lao động. May là khi nhà trường phân tích, cả nhà đã nhận ra để cô bé có thể tiếp tục theo đuổi đam mê" - thầy Hưng nói.

Thuyết phục cha cho học tiếp

Ông Ynik Niê nói nhà túng quẫn quá, sợ con học ra không có việc làm nên gia đình mới bàn cho H'Thư nghỉ. Rồi họ hàng, xóm làng cũng nói cho con gái ở nhà lấy chồng sẽ sớm có cháu bồng.

"Nhưng cháu thuyết phục, nói phải học cái chữ để thay đổi cuộc sống, nếp nghĩ của buôn làng. Mình cũng không hiểu lắm nhưng ủng hộ con gái đi học thêm cái chữ rồi mai mốt về dạy cho các cháu nhỏ ở buôn" - ông Ynik Niê cười.

90 suất học bổng cho tân sinh viên Tây Nguyên

Hôm nay (3-11), báo Tuổi Trẻ phối hợp các Tỉnh Đoàn Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Lâm Đồng trao 90 học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên. Tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng, Quỹ Đồng hành nhà nông (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền) tài trợ hơn 1,2 tỉ đồng, Công ty BuyMed/thuocsi.vn tài trợ 200 triệu đồng.

Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm). Quỹ Khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop, hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ trao tám suất học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên khu vực này.

Bắt con chữ, không muốn 'bắt chồng' - Ảnh 5.

Tiếp sức đến trường tân sinh viên Bến Tre, Tiền Giang: Để không có ước mơ nào phải dang dởTiếp sức đến trường tân sinh viên Bến Tre, Tiền Giang: Để không có ước mơ nào phải dang dở

Sáng nay 1-11, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Bến Tre, Tiền Giang tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 85 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp