Paris - thủ đô Pháp vào giờ cao điểm buổi sáng. Đám đông người tụ tập bất thường ở cửa ra một ga tàu điện ngầm nằm giữa khu Đại học Sorbonne và Bảo tàng Louvre, không xa sông Seine.
Mưa và gió lạnh vẫn tơi bời ngăn cản những bước chân liều lĩnh nhất. Không xa nơi đó, nước ì oạp vỗ tràn bờ, thậm chí có nơi thấp như đường Georges Pompidou nước tràn cả lên như sau mỗi trận mưa thường thấy ở nhiều con phố tại Hà Nội hay TP.HCM.
Có khác là ở Paris và nhiều nơi khác tại Pháp những ngày qua mưa suốt năm ngày liền khiến nước lụt thiếu điều vượt quá ngưỡng báo động.
“Bữa thì họ nói chúng tôi đình công làm hỏng Euro khiến chúng tôi bị chửi, giờ thì thời tiết xấu thế này đâu phải do lỗi chúng tôi |
Philippe Martinez (tổng thư ký của Tổng liên đoàn Lao động Pháp, đơn vị khởi xướng đình công nhiều ngày qua) phàn nàn chuyện bị đổ lỗi |
Dân tình chán ngán
Một phụ nữ lịch lãm “như người Paris”, tay cầm dù che, run rẩy vì gió lạnh, không giữ nổi bình tĩnh: “Tôi chán tới cổ. Tàu điện ngầm thì nằm ì ra đó vì đường hầm ngập nước (tính ra đến 140km đường hầm có nguy cơ không thể sử dụng vì thời tiết). Rồi thì đình công của bên giao thông công cộng, của bên sản xuất xăng nhớt. Mưa thì như trút suốt mấy ngày qua. Sống sao nổi đây?”.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày hội bóng đá của châu Âu do Pháp đăng cai. Thế mà mọi thứ cứ không thuận lòng người.
Một người đàn ông tiếp lời người phụ nữ nọ: “Mấy ngày đình công vừa qua tôi mất thời gian đi lại thêm gấp rưỡi. Thậm chí tôi phải bỏ mấy cuộc hẹn làm việc ở tỉnh vì sợ không có tàu quay về Paris.
Rồi thì tình trạng khẩn cấp duy trì khiến lính tráng xuất hiện khắp nơi, lục soát đủ mọi kiểu. Tôi cá chắc luôn là đến mấy bữa nữa có nhiều trận đá banh, không rối loạn thì cứ chặt đầu tôi!”.
Ở cách đó khoảng 200m về hướng tòa thị chính thành phố Paris, những tấm biển quảng cáo to đùng hào nhoáng kêu gọi mọi người tham gia sự kiện thể thao đầy thú vị bắt đầu vào ngày 10-6.
Theo lẽ thường, vào chớm hè là mùa vui chơi, mùa lễ hội, mùa làm ăn. Thêm giải bóng đá thì hàng triệu người sẽ đổ đến để không chỉ vào sân hò hét ủng hộ đội nhà mà còn vui thú du lịch và tiêu xài bên ngoài sân cỏ.
Đó là kịch bản lạc quan mà ban tổ chức giải Euro của Pháp đã hình dung ra khi giành được phần thắng về cho nước nhà và cố công chuẩn bị suốt thời gian dài.
Khi đó, hẳn nhiên họ không thể hình dung ra được kịch bản tối 13-11-2015, một kịch bản khủng bố kịch tính không kém những gì các nhà làm phim Hollywood đã nghĩ ra.
Khi đó họ cũng không thể hình dung ra chuyện “họa vô đơn chí” khi mà mưa kéo dài gây lũ lụt phối hợp đồng bộ với đủ loại biểu tình ở Pháp.
Nay thì mưa đã tạm dứt và nước cũng bắt đầu xuống (tính từ ngày 4-6), có thể nhẹ gánh một phần nhưng có vẻ “nhân tai” mới đầy đe dọa.
Những lực lượng biểu tình chống lại luật lao động mới vừa được thông qua có vẻ hiểu chính quyền đang trông cậy vào Euro nên quyết không ngừng xuống đường - một số người gọi đây là cách “bắt cóc Euro 2016 làm con tin”!
Nói thế không ngoa bởi Công ty đường sắt quốc gia SNCF của Pháp cũng là một “đối tác chính thức của Euro 2016”. Thế mà công nhân, nhân viên của SNCF và bên tàu điện ngầm chưa hề có dấu hiệu chấm dứt đình công, thậm chí còn lên lịch cho cả tháng diễn ra giải đấu.
Người ta thường nói đùa ở Pháp ngày nào không có đình công, không có tụ tập đông người phản đối thì không còn là nước Pháp!
Nhưng tình hình nhiều tháng qua đã đi quá sức tưởng tượng bởi những lực lượng đình công đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều người dân lẫn đến nền kinh tế nói chung.
Dân làm ăn méo mặt
Không chỉ đời sống người dân Pháp đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng, giấc mơ đón hàng triệu tín đồ bóng tròn đến vui chơi “ăn, ngủ, thở cùng bóng đá” và tiêu xài cũng sẽ tan như bong bóng trời mưa Paris. Chuyện đó sẽ được minh chứng trong vài ngày nữa.
Trước mắt chỉ mưa và lũ lụt đã khiến 133 chiếc tàu du lịch trên sông Seine phải nằm bờ, còn những quán cà phê vỉa hè danh tiếng cùng các nhà hàng sang trọng hai bên bờ sông Seine cũng phải ngậm ngùi đóng cửa theo mưa.
Bởi thế, viễn cảnh kiếm tỉ euro từ Euro 2016 xem ra rất xa vời. Hôm 16-5, trong một báo cáo gửi đến Chính phủ Pháp, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn tự tin dự báo rằng giải bóng đá diễn ra trong một tháng ở 10 thành phố của xứ sở “gà trống Gô-loa” sẽ mang lại 1 tỉ euro.
Non nửa tháng sau dường như không ai dám tin vào điều đó. Theo tính toán trong mấy ngày vừa qua, GDP của Pháp đã mất đi 0,1% vì những rối loạn đình công trong xã hội “song kiếm hợp bích” cùng trời mưa tầm tã. Ấy là chưa nói đến nguy cơ khủng bố.
Rõ ràng dù có yêu quả bóng da đến mấy, nhiều người cũng đã suy tính lại. Theo số liệu công bố hôm 25-5 của Liên minh ngành nghề khách sạn, không hề có chuyện "cháy" phòng mà thậm chí số liệu đặt phòng còn giảm 20-50% so với cùng kỳ năm trước!
Những số liệu trên cũng cho thấy du khách đến Pháp đang sụt giảm mạnh, đặc biệt ở Paris và với những nhóm khách hàng vốn chịu chi nhất ở kinh đô ánh sáng.
Ủy ban du lịch vùng Paris Ile-de-France đã cung cấp những số liệu rất đáng lo lắng: khách Nhật giảm 56%, khách Nga giảm 35% và khách Trung Quốc giảm 13,9%.
Hai trung tâm thương mại nổi tiếng với hàng xa xỉ của Pháp là Les Galeries Lafayette và Printemps cũng phải thừa nhận đã mất đến 20% số khách hàng trong sáu tháng qua. Chả ai muốn tốn tiền đi chơi mà trong bụng lo ngay ngáy chuyện khủng bố.
8/10 người dân Pháp được hỏi trong thăm dò dư luận của Tilder-LCI-OpinionWay công bố ngày 2-6 cho rằng tình hình xã hội hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hồi phục kinh tế, trong đó số người trẻ dưới 24 tuổi còn tỏ ra bi quan hơn (với tỉ lệ 92%).
Trong tình thế như thế này, thông thường người ta trông cậy vào khả năng chiến thắng của đội chủ nhà sẽ tạo cú hích thúc đẩy tinh thần xã hội lẫn nền kinh tế.
Tuy nhiên cũng thăm dò trên cho thấy chỉ 44% tin tưởng vào con đường suôn sẻ đến trận chung kết của những chú “gà trống Gô-loa” nhưng có đến 55% nghĩ ngược lại!
Mưa lũ đã giảm và mưa lũ cũng làm giảm sự chú ý của dân chúng đến những cuộc đình công. Hi vọng đến ngày bóng lăn, chính phủ sẽ tìm ra giải pháp gì đó phù hợp để không làm hỏng cuộc vui...
Cú hích tinh thần Mấy ngày nay, trên truyền thông và mạng xã hội Pháp lan truyền loạt hình ảnh của nữ nhiếp ảnh gia Marie Pili Puig bất ngờ chụp được. Chuyện xảy ra chiều 2-6 ở gần cầu Sully bắc qua sông Seine. Một người vô gia cư, có vẻ là người nước ngoài, không biết đường lẫn không biết bơi, bì bõm lội nước hướng về nơi nguy hiểm. Thế rồi một thanh niên không ngại hiểm nguy phóng xuống dòng nước lạnh đục ngầu đưa người này lên bờ an toàn. Không ai biết tên tuổi họ. Nữ nhiếp ảnh gia Marie Pili Puig cũng vậy. Bà chỉ gọi chàng thanh niên bằng cái tên “Người anh hùng” trong loạt ảnh đưa lên Facebook cá nhân của bà. |
__________________
Kỳ 2: An toàn là trên hết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận