Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Thời gian qua, không ít vụ tai nạn giao thông do tài xế buồn ngủ. Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 có tới 72 vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế mệt mỏi, ngủ gật.
Là tài xế lâu năm, đồng thời nay là thầy giáo dạy lái xe ở một trung tâm dạy nghề, bạn đọc Trương Nhất Vương đã chia sẻ vài kinh nghiệm của anh và những biện pháp khắc phục.
Buồn ngủ nhưng không nói vì sợ... bị cười
Là tài xế, không ai không trải qua những giai đoạn này: hưng phấn cầm vô lăng, trạng thái bình thường, rồi tới lúc cố gắng, căng thẳng, mệt mỏi… và cuối cùng là buồn ngủ.
Có thể nói, buồn ngủ chính là một trong những thủ phạm chính dẫn đến tai nạn giao thông. Không khó để nhận biết lúc tài xế mệt mỏi và rơi vào trạng thái gật gà.
Người đi xe lâu năm tinh ý chỉ cần nghe tiếng ga phập phù, sang số có tiếng kêu, kẹt hoặc òa ga (ga lớn) mà không đi số, ú ớ không thành tiếng, lúc nào cũng gật như kiểu đồng ý tất cả… là đủ hiểu.
Hên thì tỉnh kịp thời, hoặc được tiếng còi xe khác báo động hoặc có người ngồi bên nhắc nhở. Ngủ trong tâm là trạng thái nguy hiểm hay gặp ở những tài xế đường dài, thường những lúc như vậy xe chạy theo cảm tính.
Nếu bị đánh thức bất chợt, tài xế sẽ có biểu hiện giật thót hoảng hốt lái xe theo phản xạ, cũng rất nguy hiểm.
Những tài xế mới vào nghề chạy chung với chủ xe, hoặc cặp với tài xế cũ không bao giờ dám hoặc thừa nhận mình buồn ngủ dù đã được nhắc nhở, cảnh báo.
Biết mình buồn ngủ nhưng vẫn cố. Họ sợ bị đánh giá, sợ hành khách lên án, sợ chủ xe, tài xế cũ mỉa mai chê cười là yếu, "mới lái bấy nhiêu mà đã buồn ngủ thì về vườn cho khỏe chứ chạy quái gì"…
Đi tìm cặp đôi "hoàn hảo" lái xe đường dài
Lái xe đường dài thường được bố trí hai tài xế một xe, nhưng không dễ tìm cặp đôi ăn ý.
Đi với nhà xe mà chủ cũng là tài xế thì càng khó, cái bài ca chia ly, chia tay có thể phát ra bất cứ lúc nào và bất cứ thời điểm nào trên chuyến vì không tư túi được gì, không có thu nhập thêm ngoài tiền lương (nói điều này không có nghĩa là quy chụp tất cả các tài xế đều như vậy, song thực tế không hiếm những xung đột đã xảy ra).
Cặp đôi như ý là hai tài xế phải hợp tính cách, nói chuyện...
Nếu không có chủ xe đi theo thì họ sẽ biến chiếc xe chất lượng cao hay xe tải thành những chiếc xe của nhà mình, có thể bắt, trả khách, sẵn sàng nhồi nhét khách hoặc chở thêm hàng, chở hàng lậu, chở quá tải để kiếm thêm thu nhập.
Có lương tâm một chút thì báo về cho chủ xe thêm một vài người cho chủ đặt trọn niềm tin ở những chuyến sau, còn không thì cứ vậy ăn đồng chia đều.
Nhìn xe quay đầu, người bình thường đã muốn xỉu. Thử hỏi cánh tài xế thức thâu đêm suốt sáng liên tục như vậy liệu có mệt?
Ngoài đối phó với những nguy hiểm thường trực, lái xe còn phải lo đối phó với nhiều thứ khác, có cả việc bắn tốc độ.
Căng mắt ra nhìn đường, căng tai ra nghe ngóng, hệ thống thần kinh luôn trong trạng thái cảnh giới cao.
Ngoài những loại nước uống kích thích chống buồn ngủ hữu hiệu như trà đặc, cà phê, nước yến, nước bò húc… thì khách đón xe dọc đường chính là thần dược đem lại niềm vui, nguồn cảm hứng lâu dài, chạy không biết mệt mỏi, tỉnh hẳn cơn buồn ngủ!
Chở thêm được nhiều hàng, nhồi thêm nhiều hành khách đón xe dọc đường chính là liều "doping" giúp các tài xế xe khách, xe tải đường dài trở nên "mình đồng, da sắt" là vậy!
Biết là sai luật, nhưng tài xế vẫn phải "cày"!
Luật Giao thông đường bộ đã quy định: Lái xe không được chạy quá 10 tiếng mỗi ngày và không được chạy liên tục quá bốn giờ. Điều này rất hợp lý, vừa để đảm bảo sức khỏe người lao động, vừa phòng tránh tai nạn thảm khốc xảy ra do quá mệt mỏi, buồn ngủ.
Tuy nhiên thực tế rất khó áp dụng bởi có mấy ai giám sát, nhắc nhở. Ngay cả lái xe cũng đâu ai muốn làm nhiều, làm quá thời gian quy định; chẳng qua toàn ở cái thế làm thuê, đều đem sức ra mà cày kiếm cơm cả...
Không có con số thống kê chính xác nhưng đã là lái xe chuyên nghiệp, rất hiếm người tránh được các bệnh đau lưng, đau dạ dày, thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống cổ, đau vai gáy, bệnh trĩ, bệnh viêm đại tràng, suy nhược thần kinh, ung thư…
Kết quả của những giờ phút chạy thêm, chạy cố, ráng làm, ráng cày là thế đấy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận