Phóng to |
Quán xá và nhiều dịch vụ khác ken đặc ở làng đại học càng làm cho môi trường sống và học tập của sinh viên thêm phức tạp - Ảnh: MINH ĐỨC |
Đặc biệt, việc đảm bảo an ninh cho làng đại học càng khó khăn hơn khi quy mô của làng quá rộng lớn, tới hơn 643ha và thuộc vùng giáp ranh của hai địa phương khác nhau (thị xã Dĩ An, Bình Dương và Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Nhiều lực lượng nhưng thiếu liên kết
Thu hút sinh viên vào ký túc xá Có một nghịch lý: mặc dù các ký túc xá trong khuôn viên khu đô thị ĐHQG được đầu tư hiện đại nhưng chỉ thu hút được khoảng 50% lượng sinh viên (khoảng 25.000 sinh viên) vào ở, số còn lại thuê trọ nhà dân trong khu đô thị dù ở đó lụp xụp hơn và không an toàn. Nhiều ý kiến cho rằng để tăng cường đảm bảo an ninh cho khu đô thị ĐHQG, một trong số các giải pháp là thu hút sinh viên vào ký túc xá. Muốn vậy, khu đô thị ĐHQG cần phát triển các dịch vụ phù hợp để thu hút sinh viên, làm cho sinh viên không cảm thấy nhàm chán khi ở trong các khu ký túc xá. |
Trung tá Lê Hoài Nguyên (Công an tỉnh Bình Dương) cho rằng với một đô thị đặc biệt và rộng lớn như khu đô thị ĐHQG thì cần có một lực lượng bảo vệ tại chỗ thật chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ và phải liên kết với nhau mới đáp ứng được nhu cầu.
Thực tế hiện nay trong khuôn viên khu đô thị ĐHQG là rất nhiều trường đại học, mỗi trường lại có một lực lượng bảo vệ riêng. Ngoài ra, còn rất nhiều công trình khác như nhà khách ĐHQG, các ký túc xá... nằm trong khuôn viên khu đô thị đại học cũng có lực lượng bảo vệ. Việc mỗi đơn vị có lực lượng bảo vệ riêng hoặc ký hợp đồng với các công ty bảo vệ khác nhau dẫn tới trong khuôn viên khu đô thị đại học có rất nhiều đơn vị bảo vệ nhưng tính kết nối không cao, việc phát huy vai trò trong đảm bảo an ninh, phòng chống trộm cướp và tệ nạn xã hội... kém hiệu quả.
Việc tăng cường vai trò của lực lượng bảo vệ tại chỗ hết sức quan trọng vì dù việc điều tra và trấn áp tội phạm là trách nhiệm của công an nhưng nhiều việc liên quan đến phòng ngừa, đảm bảo an ninh trong khu đô thị thì lực lượng công an chỉ có thể phối hợp, hỗ trợ lực lượng tại chỗ bởi chính lực lượng tại chỗ mới có tính cơ động cao.
Trung tá Lê Hoài Nguyên cho biết Công an tỉnh Bình Dương sẵn sàng phối hợp với ĐHQG TP.HCM đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ tại khu đô thị đại học để đáp ứng được nhu cầu. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - trong một hội nghị về đảm bảo an ninh trật tự cho khu đô thị ĐHQG được tổ chức gần đây cho biết nhà trường sẽ nghiên cứu thành lập một đơn vị chuyên trách về an ninh cho khu đô thị ĐHQG TP.HCM.
Lập chuyên án để xử lý
Đại diện Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương cho biết để phát huy vai trò của lực lượng công an trong phòng chống tội phạm tại vùng giáp ranh (trong đó có khu đô thị ĐHQG TP.HCM) thì việc quan trọng là phải phối hợp giữa công an các địa phương liên quan. Thực tế các tội phạm trộm cướp, cờ bạc, ma túy... thường có phạm vi hoạt động tại nhiều địa bàn. Theo thống kê trong năm 2012, tại vùng giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương (gồm Q.Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Dĩ An, Thuận An, Bình Dương) xảy ra khoảng 800 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có tới 60-70% là các loại tội phạm trộm, cướp giật tài sản.
Để đảm bảo an ninh cho khu đô thị ĐHQG nói riêng và vùng giáp ranh nói chung, Công an thị xã Dĩ An cho biết thời gian tới sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát và sàng lọc các đối tượng phức tạp trên địa bàn để có biện pháp theo dõi, xử lý thích hợp. Đối với các đối tượng phạm tội như mại dâm, lô đề... sẽ lập chuyên án để xử lý.
Bên cạnh các biện pháp từ phía cơ quan chức năng, các bạn sinh viên cũng cần cảnh giác và tự bảo vệ mình. Công an P.Đông Hòa (thị xã Dĩ An) cho biết khu vực hồ đá trong khuôn viên khu đô thị ĐHQG rất vắng vẻ và nguy hiểm nhưng nhiều bạn sinh viên vẫn thản nhiên ra đây chơi vào buổi tối, dễ thành “miếng mồi” cho các đối tượng phạm tội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận