Chuyến đò chở học sinh thôn Hữu Giang qua sông Kôn trở về nhà khi trời tối - Ảnh: THÁI THỊNH
Nguy hiểm hơn khi đây chỉ là bến đò tự phát, mỗi chuyến đò chở 15-20 học sinh chỉ vài ba chiếc áo phao và không có một thiết bị bảo hộ nào.
Hiểm nguy trên bến đò tự phát
17h30 - đúng giờ tan lớp, trong khi các bạn bè cùng trang lứa được ba mẹ chở về thì Lê Thị Bích Ngọc (lớp 12 A2, trường THPT Võ Lai) cùng một nhóm bạn lại lóc cóc đạp xe đi gửi ở nhà dân rồi đi bộ ra bến sông chuyển bị vượt sông Kôn về nhà.
Ngọc có hai chiếc xe đạp gửi ở hai phía bờ sông để thuận lợi cho việc tới trường. Ngọc kể nếu đi xe đạp từ thôn Hữu Giang qua trường học rất xa, tầm 25km nên đi đò là phương tiện chủ yếu của học sinh nơi đây.
"Mình bắt đầu đi đò tới trường từ năm lớp 6. Trước đây khi chưa có đò, mùa hè bọn mình thường lội qua sông. Vì nước sâu, có khi đến ngực nên bọn mình mang theo hai bộ quần áo bỏ vào cặp sách qua bên kia thay" - Ngọc nói.
Bạn Nguyễn Quốc Đại (học sinh lớp 12A5, trường THPT Võ Lai) chia sẻ học sinh trong thôn bắt đầu đi từ 5h sáng ra bến đò đợi để kịp giờ vào lớp. "Mùa nắng đi đò còn đỡ lo, nhưng vào mùa mưa, nước sông dâng cao lúc qua sông rất sợ.
Những hôm mưa gió to, hay những lúc hồ Định Bình điều tiết nước lũ mình phải nghỉ học hoặc nhờ bố, mẹ chở đi xuống thôn Phú Lạc, xã Bình Thành rồi vòng qua đập dâng Văn Phong để về trường mất chừng 15 cây số.
Mỗi chuyến đò chở 10-20 học sinh nhưng chỉ có vài chiếc áo phao - Ảnh: THÁI THỊNH
Điều đáng nói sông Kôn rộng 50m, sâu đến hơn 3m vào mùa khô, mỗi chuyến đò thường từ 10-20 em học sinh, vài chiếc áo phao tạm bợ và không có thêm một thiết bị bảo hộ nào.
Ông Châu Minh Vương - người lái đò, cho biết ông đưa học sinh đi học theo nhu cầu của người dân trong thôn, mỗi học sinh nộp 200.000 đồng/năm.
"Biết chở đông sẽ nguy hiểm nhưng vẫn phải đi vì số lượng học sinh chờ nhiều sợ các em sẽ muộn học. Vào buổi chiều, khi học sinh trở về trời tối rất nhanh nên rất nguy hiểm" - ông Vương chia sẻ.
Thầy Võ Văn Nho - phó hiệu trưởng trường THPT Võ Lai, cho biết hiện có trên 60 học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12 ở thôn Hữu Giang đang theo học tại trường. Do đường sá cách trở nên hầu hết các em đều phải đi đò để tới trường.
"Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa lũ các em đi như vậy rất nguy hiểm. Mỗi khi mưa lũ, thầy cô động viên phụ huynh các học sinh tìm nhà người quen ở gần trường để cho các em ở lại" - thầy Nho lo lắng kể.
Một học sinh hớt hải chạy cho kịp chuyến đò chiều trở về nhà sau giờ học - Ảnh: THÁI THỊNH
Thiếu kinh phí xây cầu
Bà Châu Thị Phương Trang - phó chủ tịch UBND xã Tây Giang, cho biết toàn thôn Hữu Giang hiện có hơn 150 học sinh đang theo học ở các trường THCS và THPT phải vượt sông Kôn để đến trường. Với số lượng học sinh đó thì chưa thể thành lập điểm trường.
Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại cho học sinh, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra chủ đò, người điều khiển đò để quán triệt, ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời cấp phát áo phao cho người đi đò.
Tuy nhiên thức chấp hành của chủ đò lẫn người đi đò còn hạn chế. Trong khi đó, xã không thể cấm hoạt động bởi nhu cầu của người dân rất lớn.
Các bạn học sinh thôn Hữu Giang di chuyển ra bến đò chuẩn bị "vượt" sông Kôn tới trường - Ảnh: THÁI THỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Thanh Dũng - phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, cho biết năm 2014 Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh danh mục cầu thuộc Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2020.
Dự án cầu Tây Giang với quy mô dự kiến: cầu kết cấu bê tông cốt thép, chiều dài cầu khoảng 500m, khổ cầu 5,0m (có bố trí nhịp tránh xe), tổng mức đầu tư khoảng 89 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải và các điều kiện tiên quyết (chủ yếu xây dựng các cầu dân sinh có quy mô nhỏ) để nhà tài trợ giải ngân vốn, trên địa bàn tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng 23 cầu, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 116 tỉ đồng.
Vì thế danh mục cầu Tây Giang không thuộc dự án cầu dân sinh do quy mô và nguồn kinh phí xây dựng cầu không phù hợp với các quy định của dự án.
"Việc làm cầu treo như đề xuất của UBND huyện Tây Giang cũng không khả thi vì sông quá rộng và không có độ cao phù hợp và đường dẫn xuống" - ông Dũng nói.
Hàng ngày đò ngang hoạt động ba buổi sáng - trưa - chiều đưa học sinh tới trường - Ảnh: THÁI THỊNH
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, UBND xã Tây Giang, Công an huyện Tây Sơn đã kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động tại bến đò tự phát do phương tiện, người lái đò không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, nhưng do nhu cầu thực tế nên hoạt động đưa đò vẫn diễn ra.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để xây cầu Tây Giang phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận