Phóng to |
Mặc dù may mắn trúng luồng cá ngừ nhưng ngư dân vẫn lỗ vốn vì giá cá bị ép xuống thấp (ảnh chụp tại cảng cá P.6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) - Ảnh: Lê Sơn |
Kỳ 1:
Đó là chưa kể công nghệ bảo quản hải sản của ngư dân Việt Nam vẫn còn rất thô sơ, đơn giản nên chất lượng cá giảm nhanh.
Mất cả ngày trời vì cần gạt nước
Trong chuyến đi biển cùng tàu của anh Võ Kiểm, có một sự cố lẽ ra đơn giản nhưng cuối cùng lại mất thời gian cả ngày trời, chưa kể chi phí xăng dầu, đi lại. Sau khi rời cảng cá Thọ Quang đêm 21-5, cặp tàu chạy theo hướng Hoàng Sa tới 5g sáng 22-5, khi đã rời bờ được trên 30 hải lý (khoảng 50km) thì tàu chính trục trặc. Qua kiểm tra phát hiện cần trộn nước ngọt và nước mặn (để làm mát máy) bị hỏng. Không thể sửa được trên biển, tàu chính buộc phải quay về đất liền bằng cách cho tàu nhỏ kéo. Mãi đến 14g cùng ngày tàu mới trở lại bờ.
"Không có cơ quan nào nghiên cứu cụ thể về ngư trường cung cấp thông tin cho ngư dân. Máy móc để dò cá cũng rất hạn chế hoặc mắc tiền, nhất là với nghề giã cào thì càng khó khăn" Ngư dân PHAN VĂN LONG(một chủ tàu cá ở Quảng Ngãi) |
Thế nhưng, dù Thọ Quang là một trong những cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung nhưng các cơ sở sửa chữa tại đây cho biết họ không có cần gạt cùng loại để thay thế. Thuyền trưởng Võ Kiểm phải điện thoại về xưởng sửa chữa tàu ở Quảng Ngãi để hỏi mua, sau đó vợ anh phải đón xe đò đem đồ từ quê ra Đà Nẵng để sửa tàu. Phải đến 22g đêm 22-5 tàu mới sửa xong và ra khơi trở lại. Chỉ vì một bộ phận rất đơn giản là cần gạt nước nhưng đã tốn gần một ngày trời của ngư dân.
Theo quan sát của chúng tôi, nói là tàu đóng tại Việt Nam nhưng chỉ có phần vỏ và khung gỗ là lấy trong nước, còn lại toàn bộ máy móc các tàu cá đều là hàng xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Các loại máy liên lạc, máy định vị hoàn toàn là hàng nhập. Đến cả những tấm lưới vốn là vật gắn liền với ngư dân và không khó làm thì nay đa số tàu cũng mua sản phẩm của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sản xuất. Cầm tấm lưới còn nguyên trong bọc, anh Võ Kiểm cho hay đây là lưới của công ty Thái Lan Siam Brothers sản xuất ở hai nhà máy tại TP.HCM và Long An. “Họ sản xuất đủ loại lưới và dây cước, giá cả cũng cạnh tranh với hàng Việt Nam nên ngư dân chọn hàng của họ. Lưới của Việt Nam chủ yếu làm thủ công nên nguồn hàng không ổn định” - anh Kiểm nói.
Ép giá đủ đường
Sau hơn 10 ngày trên biển, chúng tôi tạm biệt thuyền trưởng Võ Kiểm và các ngư dân để sang một tàu cá khác trở về đất liền. Đây cũng là một tàu làm nghề giã cào của Quảng Ngãi do ông Phan Văn Long, 45 tuổi, điều hành đã hoàn thành chuyến khai thác sau hơn 20 ngày lênh đênh trên vùng biển bắc Hoàng Sa rồi vịnh Bắc bộ. “Chuyến này không được nhiều như mong đợi, chỉ có một ít cá lớn với trên 1 tấn mực xẻ là giá trị, còn lại chủ yếu là cá vụn. Tính ra lời chút đỉnh” - ông Long cho biết khi được hỏi về kết quả chuyến đi.
Thế nhưng vừa cập cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) thì ông Long buồn đến méo mặt khi nghe tin giá cá giảm thê thảm. Mực xẻ tươi đang từ 140.000-150.000 đồng/kg nay các thương lái trả còn 80.000 đồng/kg, cá vụn cũng giảm từ 4.000 đồng/kg xuống còn 3.500 đồng/kg. “Nếu giá giữ như chuyến trước thì chuyến đi có lời chút đỉnh nhưng giá giảm như hiện tại thì may lắm hòa vốn, còn không thì lỗ” - ông Long buồn rầu nói.
Theo ông Long, mỗi cảng cá thường chỉ có một chủ đầu mối thu mua hải sản của ngư dân. Nhưng ngư dân không được bán trực tiếp cho đơn vị này mà phải thông qua hệ thống đầu nậu. Họ sẽ ngã giá với chủ ghe rồi thương lượng giá với đầu nậu và hưởng tiền công, khoảng 2% trên doanh số bán. “Tôi đã đi nhiều cảng cá rồi, đâu cũng vậy. Không có cạnh tranh mua thì người ta muốn ép giá ngư dân thế nào cũng được. Nhưng nếu ai đó bên ngoài muốn vào mua thì không được đâu, họ có luật riêng cả rồi” - ông Long cho hay.
Đúng như ông Long nói, tình trạng phụ thuộc đầu nậu và bị ép giá là chuyện thường tình của ngư dân ở hầu hết các vùng biển mà chúng tôi có điều kiện ghi nhận từ Đà Nẵng vào đến Vũng Tàu. Ngay trước chuyến đi biển, chúng tôi đã chứng kiến việc ép giá đến phi lý của các thương lái tại cảng cá Bình Sơn (Quảng Ngãi). Khi có nhiều tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa về bến với số lượng tương đối lớn, giá cá lập tức giảm từ mức 80.000 đồng/kg còn 20.000 đồng/kg. Nhưng theo anh Phạm Văn Tiến, một ngư dân nghề câu cá ngừ, thì vừa mua xong của ngư dân, các thương lái đã bán lại được với giá 50.000 đồng/kg, còn ra chợ lẻ cách đó vài chục kilômet thì giá cá vẫn ở mức trên 100.000 đồng/kg. “Biết vậy nhưng ngư dân có quyền quyết định giá đâu” - anh Tiến than thở.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vì không có tiền mua dầu, đá lạnh, thực phẩm trước khi ra khơi nên các chủ tàu đều phải ứng từ các chủ nậu thu mua hải sản. Sau khi tàu cập bờ, số hải sản đánh bắt được sẽ bán cho các chủ nậu này. Vòng tròn vốn giữa ngư dân và chủ nậu cứ xoay như vậy. Đặc biệt, các loại nhu yếu phẩm, đá lạnh nếu mua nợ thì bị đội giá liên tục từ 4-5 giá, còn nếu lấy tiền từ chủ nậu thì khi về bán hải sản mình lại không có quyền quyết định giá mà theo giá thị trường, đúng hơn là giá các chủ nậu đưa ra. Trường hợp chuyến biển đó không đánh bắt đủ số lượng, thu không đủ chi hoặc bị Trung Quốc đập phá, thu ngư cụ, hải sản thì ngư dân coi như trắng tay và khoản nợ với chủ nậu vẫn không thể thanh toán. Để tiếp tục ra khơi, các chủ tàu lại ứng tiền từ các chủ nậu và số tiền nợ lần sau lại chồng lên tiền nợ lần trước.
Con tàu hơn 500 CV của ông Quang được đóng mới từ năm 2011 với kinh phí gần 3 tỉ đồng. Theo ông Quang, mỗi chuyến biển phải thu về 700-800 triệu đồng mới đủ trang trải hết chi phí bỏ ra và có tiền trả công cho ngư dân đi bạn. Tàu càng lớn thì thu nhập càng cao nhưng mức độ rủi ro cũng càng lớn. Ngư trường Trường Sa thì quá xa, mỗi chuyến đi mất 500-600 triệu đồng chi phí nhưng lại không hiệu quả. Trong khi nếu ra khơi ở ngư trường Hoàng Sa chi phí chỉ 350-400 triệu đồng. “Chuyến nào mà biển cho thì khoảng 25 ngày là về, còn chuyến nào không trúng thì khoảng 40 ngày. Trừ hết mọi chi phí, mỗi bạn đi tàu không còn được bao nhiêu” - ông Quang nói.
Giấc mơ chợ đấu giá cá ngừ Ông Võ Đốc, ngư dân làng cá phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên, cho biết giá cá ngừ thời gian gần đây liên tục xuống. Ngày trước chỉ cần đánh bắt chừng 1 tấn cá ngừ là ngư dân sống khỏe, nhưng đến thời điểm này giá cá giao động từ 135.000-140.000 đồng/kg, mỗi chuyến đi biển phải đạt 1,2 tấn mới huề vốn. Đó là cá ngừ câu tự nhiên, còn loại cá ngừ câu đèn giá bán chưa được một nửa! Giá cá mỗi chuyến cập bến hoàn toàn do thương lái quyết định và một trong những lý do thương lái đưa ra ép giá là chất lượng cá không đảm bảo. “Việc chuyển qua công nghệ hầm lạnh thay cho thùng xốp đá đối với ngư dân chúng tôi không quá khó. Thậm chí cách sơ chế cá ngừ chúng tôi cũng từng được tập huấn và thực hiện theo cách làm của chuyên gia Nhật Bản. Quy trình này tốn khá nhiều công sức bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao để đảm bảo chất lượng cá. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đành bỏ cuộc vì thương lái không hề mua với giá cao hơn cách chế biến và bảo quản thông thường” - ông Đốc bức xúc. Cùng quan điểm, ông Phan Thuẩn, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, cho biết đơn vị từng kiến nghị cần minh bạch giá thu mua cá, xây dựng cảng cá hiện đại thực hiện đấu giá cá ngay tại cảng để tránh việc ngư dân bị ép giá. “Họ đưa ra giá nào thì ngư dân phải bán giá đó, việc lênh đênh ngoài biển gần tháng trời khiến ngư dân buộc phải bán cá ngay chứ không thể chậm trễ, bởi càng để lâu giá cá càng giảm, chi phí neo đậu tăng cao...” - ông Thuẩn bày tỏ. Cũng theo ông Thuẩn, giấc mơ về chợ đấu giá cá ngừ như các nước khác đến nay vẫn rất xa vời và hầu như không có thương lái, đầu mối thu mua nào hợp tác, tán thành. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận