Tại cuộc họp ứng phó với bão Yinxing do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 8-11, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết chiều nay bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía đông, cường độ đang mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật trên cấp 17.
Đây là cơn bão có hoàn lưu tập trung, bán kính gió mạnh trên cấp 8 lên tới 200km.
"Sáng nay sau khi vào Biển Đông, do gặp ma sát địa hình đảo Luzon (Philippines) nên cấu trúc bão bị vỡ, tuy nhiên đến chiều nay hệ thống mây đối lưu quanh cơn bão đã dần cấu trúc trở lại, điều này cho thấy bão đang có xu hướng mạnh thêm. Như vậy, trong chiều tối và đêm nay bão có khả năng bão mạnh thêm" - ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, các dự báo hiện chưa có sự thống nhất cao về hướng di chuyển của bão Yinxing.
Trong 51 tính toán từ mô hình của châu Âu thì có 1-2 phương án bão đi qua đảo Hải Nam, nhiều phương án cho rằng bão đi qua khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa thì di chuyển theo hướng tây nam, hướng về vùng biển các tỉnh Trung Bộ.
Dự báo của Nhật cho rằng bão đang ở thời điểm mạnh nhất. Từ nay trở đi, bão sẽ suy yếu dần, đặc biệt là khi vào gần vùng biển miền Trung thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan trên biển.
Dự báo của Mỹ, Trung Quốc nhận định bão có thể mạnh lên cấp 15 (167-183km/h), nhưng sau đó bão sẽ suy yếu sau khi đi vào gần vùng biển Trung Bộ.
"Qua theo dõi hệ thống vệ tinh và các hệ thống dự báo, chúng tôi nhận định sau khi đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa, điều kiện thời tiết, nhiệt độ nước biển tương đối thuận lợi để bão số 7 có thể mạnh lên.
Tuy nhiên khi qua quần đảo Hoàng Sa, nhiệt độ nước biển tương đối lạnh, cùng với đó là không khí khô thì bão sẽ suy yếu dần" - ông Khiêm nói.
Về hướng di chuyển, ông Khiêm cho biết do áp cao cận nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khống chế cơn bão này nên bão khó có khả năng đi lên phía bắc đi vào đảo Hải Nam hoặc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
Sau khi qua phía bắc quần đảo Hoàng Sa, bão có khả năng đổi hướng tây nam, hướng về vùng biển Trung Bộ.
Về cường độ, theo ông Khiêm, với diễn biến tác động của môi trường, trong khoảng 2 ngày tới (đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa) thì đây là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão có suy yếu do tác động của không khí lạnh, không khí khô và độ ẩm thấp.
Đối với tác động của bão, ông Khiêm nhấn mạnh ở Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm 8-10m. Với sóng, gió này thì không có tàu thuyền nào hoạt động được ở khu vực này.
Ở vùng biển ngoài khơi Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.
"Đối với tác động trên đất liền, với những dự báo đến thời điểm hiện tại thì bão sẽ suy yếu khi đến vùng biển miền Trung.
Với dự báo bão suy yếu như vậy kết hợp với không khí khô thì hoàn lưu gây mưa nhưng khả năng không lớn. Hiện chưa có phương án nào bão gây mưa cực đoan, gây mưa lũ ngập lụt lớn ở miền Trung" - ông Khiêm nói và nhấn mạnh đây là dự báo xa, có thể thay đổi nên người dân cần theo dõi các bản tin dự báo cập nhật về những tác động của bão.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận