Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, để đạo đức xã hội xuống cấp, trách nhiệm trước tiên thuộc về ông và bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - Ảnh: THANH TÙNG
Tâm đắc với bài tham luận của viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Bùi Hoài Sơn về chủ đề suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội, phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ nỗi lo lắng trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng.
"Trách nhiệm của tôi và bộ trưởng Bộ VH-TT-DL"
Phó thủ tướng cho rằng hiện trạng đạo đức xã hội xuống cấp là trách nhiệm chung, từ Đảng, Nhà nước cho tới từng người dân và ông với tư cách là phó thủ tướng phụ trách văn hóa - giáo dục, sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân trước tiên.
"Đạo đức xã hội xuống cấp tất nhiên thuộc trách nhiệm chung nhưng trách nhiệm trước tiên thuộc về tôi và bộ trưởng Bộ VH-TT-DL", ông Đam nói.
Lo lắng trước hiện trạng đạo đức xã hội đầy nhức nhối, ông Đam chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa trong năm 2019 sẽ phải là "xắn tay" vào vực lại đạo đức xã hội.
Việc làm cụ thể mà phó thủ tướng chỉ đạo đó là trước mỗi vụ việc "nóng" về đạo đức xã hội xảy ra, người của ngành văn hóa phải lên tiếng phân tích đâu là tốt, đâu là xấu để "định hướng cho xã hội".
Phó thủ tướng bày tỏ sự không hài lòng khi lâu nay có quá nhiều vụ việc đau lòng do sự xuống cấp của đạo đức xã hội nhưng ông không hề thấy bất cứ ai của ngành văn hóa lên tiếng mà chỉ có cộng đồng tự lên tiếng.
Theo ông Đam, như vậy là những người làm trong ngành văn hóa chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình.
"Tôi thấy hầu như tuần nào cũng xảy ra những vụ việc đáng buồn. Có những chuyện như dân đổ xô vào 'hôi' bia khi bia trên xe tải bị bung ra đường, nhưng trước nay tôi không thấy đồng chí làm văn hóa nào lên tiếng mà chỉ có cộng đồng tự lên tiếng", ông Đam nói.
Ông đề nghị ít nhất mỗi tuần một lần, những người quản lý nhà nước về văn hóa, đứng trước những vấn đề nóng liên quan tới đạo đức xã hội thì sẽ phải đưa ra những phân tích, đánh giá để định hướng cho xã hội, chứ không thể để trống hoàn toàn trách nhiệm lên tiếng như hiện nay.
Đề nghị này của phó thủ tướng được bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá "rất hay" và đã chỉ đạo ngay cho viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia khẩn trương "làm đề án".
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THẾ CÔNG
Bộ VH-TT-DL phải đúng ý nghĩa là Bộ Lễ
Một việc nữa mà phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý với bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đó là phải đưa bộ này "quay lại đúng ý nghĩa là một Bộ Lễ".
Theo đó, bộ cần phải có những hành động tích cực để xây dựng một xã hội với những chuẩn mực trong nghi thức giao tiếp như chuyện ăn mặc, đi đứng, nói năng…
"Có những việc như chen lấn xô đẩy nơi công cộng, tuy là việc bé thôi nhưng trách nhiệm của những người làm văn hóa cũng rất cần phải chú ý tìm cách chấn chỉnh".
Ông Đam cũng quá buồn trước tình trạng khắp nơi chen lấn, xô đẩy. Chính phó thủ tướng cũng nhiều lần "bị bật lại phía sau" trong những chuyến đi làm việc vì thói chen lấn bất chấp mọi bối cảnh của người Việt.
"Cả một xã hội chen lấn thì làm sao có ai biết nhường phụ nữ, trẻ em khi bước vào thang máy", ông Đam nêu.
Một chuyện nữa mà phó thủ tướng cho rằng "rất động chạm" nếu động tới nhưng ông muốn ngành văn hóa cần vào cuộc để thay đổi. Đó là "nạn" liên hoan ở khắp nơi trong dân chúng, gây tốn kém lãng phí và làm khổ không ít gia đình.
"Tôi thấy có những nhà con đỗ đại học cũng làm liên hoan hàng trăm mâm. Có gia đình chỉ sửa nửa cái mái nhà mất mấy chục triệu cũng bỏ chừng đó tiền để liên hoan…", ông Đam dẫn chứng.
Để thay đổi những nếp nghĩ, nếp sống này theo phó thủ tướng là không hề dễ dàng, nhưng ngành văn hóa không cách nào khác là phải kiên trì, nếu làm được những việc cụ thể thì sẽ có tác dụng lan tỏa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận