31/05/2020 10:21 GMT+7

Bảo vệ trẻ em: Thay đổi cách nghĩ trước

VŨ THỦY thực hiện
VŨ THỦY thực hiện

TTO - Cuộc sống hiện tại có nhiều thay đổi, tội phạm nhắm vào trẻ em, trong đó có việc lạm dụng. Vì thế cần có một tư duy mới có thể đối mặt với thực tế này để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Bảo vệ trẻ em: Thay đổi cách nghĩ trước - Ảnh 1.

Nhiều năm làm các dự án về xâm hại tình dục trẻ em, chị Cao Huyền Diệu Hương - điều hành dự án giáo dục Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - chỉ ra nhiều vấn đề cho thấy trước hết người lớn cần phải thay đổi cách suy nghĩ về những chuyện cứ mãi cho là "nhạy cảm".

* Vấn nạn xâm hại trẻ em có cách giải quyết nào khác ngoài việc trông chờ vào việc xử nặng của pháp luật không, thưa chị?

- Xã hội luôn cần luật pháp để thiết lập nên công bằng và bảo đảm quyền cho nhóm người yếu thế. Tuy nhiên, thực tiễn của tình trạng xâm hại trẻ em không đơn giản như vậy. Đó có thể là xâm hại tự nguyện tức trẻ là người đồng thuận, người có hành vi xâm hại không biết tuổi thật của trẻ (ví dụ quan hệ giữa bạn trai và bạn gái), hay tệ hơn nếu như người xâm hại cũng từng là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo hành từ thời niên thiếu bởi chính gia đình mình.

Vì thế tôi nghĩ không chỉ trông chờ vào biện pháp "thiến hóa học" là đủ sức răn đe. Từ ví dụ khi chúng tôi đến nhà một số gia đình nạn nhân, vừa tới cổng làng đã có người nhào ra hỏi "tới thăm nhà con bé bị hiếp dâm phải không?", tôi thiết nghĩ đứa trẻ 8-10 tuổi nào chịu được những lời lẽ tưởng như thương cảm và quan tâm đó. Những thứ hệ quả không "xử lý" được bằng luật pháp còn nặng nề và kéo dài suốt đời một đứa trẻ.

Trong quá trình thực hiện các dự án về xâm hại tình dục trẻ em, chúng tôi phát hiện một khoảng trống rất lớn - đó là sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý không phải chỉ cho nạn nhân, gia đình nạn nhân trẻ bị xâm hại mà là cho người phạm tội. 

Ấu dâm là một loại bệnh nhưng không phải ai xâm hại trẻ em là mắc bệnh ấu dâm, cũng không phải cứ mắc bệnh là có hành vi xâm hại. Nếu chúng ta không tìm hiểu được gốc rễ thì mọi giải pháp, chính sách chúng ta đưa ra hòng giải quyết vấn nạn này không thể đạt hiệu quả tối ưu nếu không muốn nói là công cốc.

* Gần đây người ta đề cập tình trạng trẻ em bị xâm hại ngay trên không gian mạng, bị tiếp cận, dẫn dắt thực hiện hành vi tình dục... Đây có phải là một tình trạng cần được báo động hay không?

- Điều này đang trở thành một loại hình tội phạm mới - tội phạm công nghệ cao. Ví dụ có website dành riêng cho nhóm người có xu hướng thích quan hệ tình dục với trẻ em. Thế nhưng bao nhiêu năm chưa bị đánh sập dù hacker có giỏi tới đâu vì máy chủ không đặt ở Việt Nam và ban quản trị diễn đàn này hẳn đều là những tay trùm công nghệ thông tin.

Với trẻ em, việc bị dẫn dắt tiếp cận các nội dung không lành mạnh thông qua phim hoạt hình và các nhân vật nổi tiếng như công chúa Elsa, người nhện, anh em siêu nhân... thật vô cùng dễ dàng và an toàn vì đánh lừa được các bậc phụ huynh. Hậu quả khôn lường khi trẻ em bắt chước các hành vi trên clip. 

Ở Việt Nam từ năm 2013 đã có phiên tòa xét xử bị cáo 14 tuổi đã học theo các clip trên mạng để xâm hại tình dục bé gái hàng xóm chỉ mới 3 tuổi.

Một trong những câu chuyện của giảng viên chúng tôi khi đi dạy là phát hiện hành vi trẻ nữ lớp 6 chủ động rủ rê bạn trai cùng lớp chat sex. Khi tìm hiểu mới phát hiện rằng em đã bị nghiện xem các clip khiêu dâm trên mạng từ khi mới học lớp 4. 

Vì thế việc cho các con sử dụng sản phẩm công nghệ từ sớm để giúp con học tập lại trở thành con dao hai lưỡi nếu như nhà trường và gia đình không phối hợp trong việc giáo dục con trẻ.

* Hiện nay giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường đã làm được vai trò giáo dục giới tính cho trẻ em chưa?

- Xã hội ngày càng phát triển, trẻ ngày càng dậy thì sớm và sớm tiếp xúc với mạng xã hội, Internet thì các bậc cha mẹ, trường học ở Việt Nam dường như vẫn chưa thay đổi cách giáo dục con cái. Thêm thực tế nữa là tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam ngày càng sớm.

Do văn hóa Á Đông, cũng như chính sự thiếu kiến thức khoa học từ người lớn, nhiều phụ huynh vẫn khó chia sẻ thẳng thắn với con cái về việc giới tính với tâm lý "con còn bé, không hiểu chuyện, vẽ đường cho hươu chạy...". 

Gần như tuyệt đối các trường học mà Tổ chức OpenM chúng tôi mang chương trình Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tới không hề có việc học sinh chủ động tìm thầy cô để chia sẻ những thắc mắc, lo lắng liên quan giới tính. Các thầy cô giáo, ngay cả giáo viên sinh học, cũng tìm cách nói giảm, nói tránh trong các giờ dạy học về cơ thể người.

* Theo chị, nguyên nhân nào khiến vấn nạn về phim ảnh khiêu dâm liên quan đến trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều như thời gian qua?

- Xét trên khía cạnh phổ biến thông tin thì rõ ràng với sự hỗ trợ của công nghệ, mạng xã hội thì ta có thể thấy hiện nay số lượng và các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy đa dạng hơn bao giờ hết (như phim ảnh công khai trên mạng giả danh phim hoạt hình, game đóng vai, thực tế ảo...).

Việc các sản phẩm này ngày càng phổ biến có nhiều lý do: hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và còn nhiều tranh cãi; sự phát triển, bùng nổ về kinh tế, công nghệ không đi cùng sự trang bị, xây dựng đạo đức, nhân cách của con người; lối sống hiện đại khiến chính những thành viên trong gia đình xa cách nhau (không chia sẻ với người thân nên tìm đến cuộc sống ảo).

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình):

Hình phạt "thiến hóa học" được nhiều người đồng tình

Kiến nghị bổ sung hình phạt "thiến hóa học" đối với những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em của tôi vừa qua tại nghị trường xuất phát từ thực tiễn vấn đề xâm hại trẻ em hiện xã hội rất đau lòng, người dân rất bức xúc.

Trong khi ở nhiều nước có cách xử phạt rất nghiêm, trong đó nhiều nước áp dụng hình thức xử phạt "thiến hóa học". Đây là giải pháp nếu nghiên cứu đưa vào luật của nước ta, tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Tôi thấy trên mạng xã hội có nhiều người quan tâm, đồng tình với kiến nghị của tôi nên mong Quốc hội sớm xem xét hình thức này.

* Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội):

Mạnh dạn, nghiêm minh áp dụng

Chuyện xâm hại trẻ em không cần phải kể thêm cho thêm đau lòng mà trong những cuộc họp đoàn giám sát, tôi cùng nhiều đại biểu kiến nghị đưa việc ứng dụng khoa học công nghệ vào xử lý các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Đề nghị bổ sung các biện pháp xử lý mạnh tay, trong đó có "thiến hóa học" vào các luật liên quan.

Những giải pháp này không phải tự đại biểu nghĩ ra mà ở nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ hay các nước Bắc Âu... đều áp dụng. Do vậy, tôi cũng kiến nghị Quốc hội khi kiểm tra, giám sát tình hình thi hành pháp luật phải có đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để có thể thực thi các biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào xử lý các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Thời gian tới phải mạnh dạn, nghiêm minh áp dụng hình thức xử phạt này.

* ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh (giảng viên Trường phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers):

Người lớn phải thay đổi

Để tránh việc lạm dụng trẻ em, tôi cho rằng việc đầu tiên là người lớn nói chung, phụ huynh nói riêng cần phải thay đổi cả về nhận thức và hành động. Thứ nhất là không ép trẻ ôm, hôn người khác (nhiều người thường hay yêu cầu con, cháu mình hôn người này, người kia để thể hiện tình cảm mặc dù có khi trẻ mới gặp người đó lần đầu, hoặc trẻ không muốn nhưng vẫn bị ép phải làm).

Chưa hết, nhiều người còn có thói quen xấu là "nựng" những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ để thể hiện tình thương yêu của mình với trẻ. Cái này cần phải bỏ ngay, không thể để tồn tại thêm nữa.

Không những thế, một số phụ huynh còn mang những hình mẫu về cái đẹp ra để so sánh với trẻ khiến trẻ thấy mặc cảm, chán ghét bản thân mình vì xấu, vì không được đẹp như hình mẫu ấy.

Chúng ta cần dạy trẻ biết yêu thương và trân trọng tất cả những bộ phận trên cơ thể của mình; không cho phép người khác làm đau mình hoặc đụng chạm vào mình nếu bản thân trẻ không muốn.

Tôi thấy rằng trên thực tế nhiều em hiểu rất rõ cách phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em nhưng tình trạng lạm dụng trẻ em vẫn xảy ra. Có em khi bị lạm dụng nhưng không chống cự, có nguyên nhân các em không yêu quý bản thân mình.

T.LONG - H.HG. ghi

Đề nghị cho phép hôn nhân đồng tính để trẻ em được bảo vệ Đề nghị cho phép hôn nhân đồng tính để trẻ em được bảo vệ

TTO - Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, hôn nhân đồng tính vẫn đang bị đặt ngoài vòng pháp luật khiến mức độ rủi ro của con các cặp đôi này rất cao trước nạn xâm hại tình dục.

VŨ THỦY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp