24/08/2015 11:09 GMT+7

Bảo vệ tên “Biển Đông” cho Việt Nam

VŨ VIẾT TUÂN 
(vuviettuan@tuoitre.com.vn)
VŨ VIẾT TUÂN 
([email protected])

TT - Làm thế nào để bảo vệ được cái tên “Biển Đông” cho Việt Nam? Đó là câu hỏi lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần đặt ra trong tham luận gửi đến hội thảo khoa học quốc tế Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển.

Chủ tọa phiên toàn thể tại lễ khai mạc hội thảo khoa học quốc tế Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển sáng 23-8 - Ảnh: V.V.Tuân
Chủ tọa phiên toàn thể tại lễ khai mạc hội thảo khoa học quốc tế Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển sáng 23-8 - Ảnh: V.V.Tuân

Hội thảo do Viện Ngôn ngữ học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 23-8 tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của hàng trăm học giả trong nước và quốc tế.

"Việt Nam chưa coi trọng và chưa có sự đầu tư nghiêm túc vào lĩnh vực địa danh nói chung và địa danh nước ngoài nói riêng; chưa có được bộ máy quản lý cấp quốc gia và đội ngũ các chuyên gia về địa danh; chưa có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về việc chuẩn hóa địa danh
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần

Chuẩn hóa các địa danh

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam), mấy năm gần đây cùng với sự tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang xảy ra giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, cuộc tranh luận về tên gọi quốc tế của Biển Đông Việt Nam trở nên nóng hơn bao giờ hết, dẫn đến cuộc tranh luận với ba đề nghị khác nhau về tên gọi Biển Đông: Trung Quốc vẫn muốn giữ tên là “Biển Nam Trung Hoa” (South China Sea), Philippines lại muốn gọi là “Biển Tây Philippines” (West Philippines Sea), còn Việt Nam thì quan điểm của một số học giả - sử gia đề nghị đổi tên thành “Biển Đông Nam Á” (Southeast Asia Sea).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần phân tích: “Các tên biển đã xuất hiện từ thời xa xưa (như “Biển Nhật Bản” hay “Biển Nam Trung Hoa”...) có thể tạo lợi thế cho các nước có tên liên quan, nếu các quốc gia này dựa vào đó tự hợp pháp hóa các lợi ích của mình và xem đó như “các chứng cứ lịch sử”, bất chấp sự thật những cái tên ấy chỉ nhằm mục đích tạo ra một sự thuận tiện trong giao thông hàng hải.

Dẫu có nổ ra những sự tranh luận gì thì trước mắt, cái tên Biển Đông thực tế vẫn là tên gọi chính thức của Việt Nam. Vậy phải bảo vệ nó bằng cách thức nào?”.

Theo bà, cách bảo vệ chắc chắn nhất là Việt Nam phải đưa tên Biển Đông vào danh mục các địa danh đã được chuẩn hóa ở cấp độ quốc gia, rồi được đăng ký chính thức ở cấp độ toàn cầu tại Liên Hiệp Quốc.

Nhóm chuyên gia địa danh của Liên Hiệp Quốc (United Nations Groupe of Experts on Geographical Names - UNGEGN) hiện nay là một trong bảy cơ quan chuyên gia thường trực của Hội đồng Kinh tế và xã hội (ECOSOC), với hơn 400 thành viên đến từ hơn 100 quốc gia. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành lập các cơ quan, viện nghiên cứu chuẩn hóa địa danh.

Nhìn lại Việt Nam, bà đề nghị: “Nhà nước cần thành lập một cơ quan cấp nhà nước chỉ đạo chung (Hội đồng chuẩn hóa địa danh nhà nước chẳng hạn) cho lĩnh vực chuẩn hóa địa danh nói chung, địa danh tiếng nước ngoài nói riêng.

Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi công việc có liên quan tới việc chuẩn hóa địa danh, như chỉ đạo công việc biên soạn các tư liệu công cụ (sổ tay, từ điển, bảng tra cứu...) chuẩn hóa ở cấp độ nhà nước cho các địa danh trong nước và nước ngoài.

Về lâu dài, cơ quan này phải tìm cách hội nhập được với các hoạt động nghiên cứu về địa danh ở Nhóm chuyên gia địa danh của Liên Hiệp Quốc để Việt Nam có được tiếng nói trong lĩnh vực này ở tầm quốc tế.

Muốn thế, Việt Nam phải có được một chân chính thức trong Nhóm chuyên gia địa danh Liên Hiệp Quốc. Khi đã trở thành thành viên của Nhóm chuyên gia địa danh Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội giành được tiếng nói ủng hộ từ Liên Hiệp Quốc khi muốn bảo vệ cái tên Biển Đông cho mình”.

Những cái sai không được khắc phục

Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt - một trong những câu chuyện “tiếng nước tôi” được dư luận quan tâm - cũng là đề tài của một số tham luận tại hội thảo.

TS Hồ Xuân Mai (Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ học, Viện KHXH vùng Đông Nam bộ) mang đến hội thảo ba tham luận bàn về thực trạng và giải pháp để bảo vệ và phát triển tiếng Việt.

Một trong “những cái sai không được khắc phục” mà ông chỉ ra là “bệnh sính ngoại”, nhất là sự vay mượn tiếng nước ngoài kết hợp cùng những ký hiệu viết tắt của giới trẻ tạo ra những ngôn từ khó hiểu.

Đáng chú ý, năm 2011 nhóm của ông đã khảo sát năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh bậc THPT và THCS ở một địa phương thông qua ba kỹ năng: viết, diễn đạt và hiểu nghĩa của từ.

Nhưng kết quả thật sự đáng lo ngại: “Có hơn 89% học sinh bậc THPT và 92% học sinh bậc THCS viết sai chính tả. Còn sai ngữ pháp con số tương ứng là 83% và 90%. Ở sinh viên là 85% sai chính tả và sai ngữ pháp là 80%”.

“Trong những nhóm đối tượng này, có gần 100% các em không biết mình mắc lỗi sai ở chỗ nào. Cũng xấp xỉ 100% các em được hỏi cho biết không được thầy cô chỉ ra những lỗi sai này” - ông Hồ Xuân Mai nói.

Cũng bàn luận về chủ đề này, GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) nêu thêm nhiều ví dụ: “yêu” viết thành “iu”, “nhiều” viết thành “nhìu”, “quá” thành “wa”, “I” chuyển thành “j”, dấu mũ chữ “ê” viết thành “e>”... cùng các biểu tượng và các câu ngắn tới mức không thể ngắn hơn.

PGS.TS Hồ Thị Kiều Oanh (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) đã đưa ra nhiều con số phân tích khá cụ thể về ngôn ngữ giới trẻ trong giao tiếp trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Theo khảo sát của bà Oanh trong số 300 người (13 - 30 tuổi), tần suất xuất hiện “ngôn ngữ tuổi teen” khá nhiều: có khoảng 16% từ viết tắt tự tạo, 25% viết tắt theo quy luật chung và 1,3% là các ký hiệu khó hiểu.

“Tiếng Việt sử dụng trong giao tiếp của giới trẻ nói chung và trong giao tiếp lời nói trên mạng xã hội Facebook nói riêng mang những đặc điểm dị biệt so với tiếng Việt bản ngữ. Việc sử dụng hay lạm dụng một cách không đúng lúc, đúng chỗ thứ ngôn ngữ này đã và đang làm mất dần tính thuần khiết, bản sắc văn hóa và chức năng vốn có của tiếng Việt” - bà Oanh nói.

Ban tổ chức cho biết đã nhận được 277 tham luận khoa học gửi đến tham dự hội thảo, trong đó có 40 tham luận của các nhà khoa học quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã chia thành năm tiểu ban, thảo luận năm chủ đề lớn về ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm qua: Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp; Những vấn đề cơ bản và thời sự về phương ngữ học, lịch sử tiếng Việt, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa; Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngôn ngữ học xã hội; Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngôn ngữ học ứng dụng.

VŨ VIẾT TUÂN 
([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp