Bàn chân nằm dưới cùng của hệ tuần hoàn, cách xa tim, máu chảy ngược lên khiến dinh dưỡng cho chân khó khăn hơn so với các bộ phận khác.
Theo quan điểm của y học cổ truyền, bàn chân là sự thể hiện của các cơ quan tạng phủ. Nó là điểm bắt đầu hoặc kết thúc của một số đường “huyết” lưu thông qua các tạng phủ trong cơ thể. Do đó, bàn chân có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan trong cơ thể như ruột, dạ dày, tim, gan, phổi.
Hơn nữa, bàn chân là điểm bắt đầu của một dây thần kinh dài và to nhất của cơ thể: dây thần kinh hông to. Dây thần kinh này chịu trách nhiệm vận động và cảm giác cho toàn bộ phần chi dưới. Nó bắt đầu từ chân và đi ngược lên trên não bộ để thực hiện nhiều kết nối thần kinh. Chỉ cần bàn chân bị bệnh, bị nhiễm lạnh, các cơ quan nội tạng liên quan sẽ bị ảnh hưởng theo hoặc sự đau đớn ở chân đều có thể gây ra sự đau đớn ở những bộ phận phía trên của cơ thể.
Bàn chân rất quan trọng, tuy nhiên, đây là bộ phận thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với mặt đất lạnh và ít được bảo vệ nên vào mùa đông bàn chân nhiễm lạnh sẽ gây một số bệnh như viêm khớp cấp, thấp khớp cấp, cước chân… Vì thế, bảo vệ sức khoẻ trong mùa đông ngoài việc giữ ấm cơ thể cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân.
Những bệnh bàn chân dễ mắc trong mùa lạnh
- Khô da, nứt nẻ: Mùa lạnh đi kèm theo thời tiết hanh khô, bàn chân thường đi lại nên da dễ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, do đó mà da bàn chân dễ bị bay hơi nước. Mặt khác, bàn chân hầu như chỉ có da và xương. Lớp mỡ dưới da rất ít nên da càng dễ bị khô, nứt nẻ, chảy máu gây đau đớn, khó chịu. Các vết nứt này có thể ở rất sâu, tới tận dưới sát lớp cơ nên có thể dẫn đến nhiễm trùng.
- Thấp khớp cấp: Thấp khớp cấp là bệnh viêm khớp cấp tính, thường xuất hiện vào mùa lạnh. Bệnh có biểu hiện là cổ chân sưng to, nóng đỏ. Toàn bộ cổ chân tròn lẳn, đỏ mọng như cà chua gây đau nhức, cứng, khó vận động, thậm chí chỉ khó nhúc nhích, không gập lên gập xuống được. Thông thường thấp khớp cấp xuất hiện ở một bên chân, chân này khỏi thì chân kia bị, ít khi cả hai chân cùng mắc thấp khớp cấp cùng một lúc.
- Viêm đa khớp dạng thấp: Viêm đa khớp dạng thấp thường xuất hiện ở bàn chân. Bệnh thường xuất hiện ở bàn tay sau đó là đến bàn chân với những biểu hiện dễ nhận ra như cứng khớp buổi sáng. Khớp tổn thương là khớp bàn ngón chân. Viêm đa khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động vào buổi sáng, khi ngủ dậy, tuy nhiên, ít khi nào khớp bị sưng nóng đỏ một cách rõ rệt như trong thấp khớp cấp.
- Cước chân: Phụ nữ trung niên và người cao tuổi cần chú ý đến hiện tượng này. Cước chân là hiện tượng da bàn chân bị nứt, loét, viêm và hoại tử. Đầu ngón chân tự nhiên bị sưng lên, tím đỏ và rất đau. Nếu không được điều trị cẩn thận thì có thể bị hỏng khớp và phải bỏ khớp ngón chân. Nguyên nhân cước chân là do chân bị nhiễm lạnh khiến cho mạch máu da và khớp bị co thắt, thiếu máu dẫn đến viêm khớp hoại tử dạng vô khuẩn. Đầu ngón chân là vị trí dễ bị cước nhất.
Bảo vệ sức khỏe bàn chân đúng cách
- Giữ ấm: Mùa lạnh cần tuyệt đối giữ ấm cho 2 bàn chân, nhất là đối với trẻ em, người già và phụ nữ bằng cách đi tất chân phù hợp. Tất đi phải đủ ấm, chiều cao ít nhất qua cổ chân. Một số loại tất thời trang ngắn cổ chỉ đến mắt cá chân thực sự chưa đạt được tác dụng giữ ấm. Cần đi tất ngay cả khi ở nhà hoặc bất cứ khi nào cảm thấy chân bị lạnh. Nếu phải làm việc ngoài trời hoặc buộc phải lội nước, nên đi sục hay ủng để giữ bàn chân được khô ráo.
- Hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, các chất tẩy rửa: Nên hạn chế để chân tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh hoặc các chất tẩy rửa.
- Xoa bóp giúp lưu thông máu: Khi đi ra ngoài về nhà, dù bàn chân lạnh cóng cũng không nên hơ chân vào lửa để sưởi ấm dù là sưởi trên bếp than hay sưởi điện. Cũng không nên dùng túi chườm, chăn sưởi quá nóng để ủ chân. Ngược lại, việc đầu tiên nên làm là xoa bóp bàn chân giúp cho máu lưu thông tốt. Khi bóp sẽ nắn sâu theo chiều chảy của tĩnh mạch, từ cuối các ngón chân đến gót chân. Hãy nhấn mạnh vào hõm của lòng bàn chân và bóp lên mắt cá, tiếp lên cẳng chân. Sau đó cần giữ ấm chân bằng các vật dụng giữ ấm.
- Ngâm chân trước khi đi ngủ: Trước khi đi ngủ nên ngâm chân từ 15 - 30 phút với nước ấm có pha chút muối và vài nhánh gừng tươi. Nước ấm sẽ khiến các mạch máu ở chân giãn ra, bù trừ lại sự thắt mạch do lạnh, có tác dụng chống viêm khớp và cước chân mùa lạnh. Nước ấm cũng khiến da bàn chân được hút ẩm, tránh cho đôi chân bị khô rát, nứt nẻ.
- Dùng kem giữ ẩm: Nên sử dụng kem giữ ẩm như một sản phẩm hỗ trợ cho đôi bàn chân khi thấy bàn chân bị khô, da bong tróc, nứt nẻ. Có thể bôi kem ngày 2 lần, sáng và tối.
- Luôn vận động: Dù trời lạnh cũng không nên ngồi một chỗ mà nên thường xuyên vận động. Buổi sáng và buổi tối bạn có thể tập thể dục, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Mỗi bước chân khi đi bộ là một động tác để dồn lưu lượng máu trong các tĩnh mạch lên đôi chân. Do đó, đi bộ là cách cải thiện lưu thông máu cho bàn chân rất hữu hiệu. Có thể vận động bàn chân ngay cả khi ngồi làm việc hoặc xem ti vi bằng cách gập các ngón chân lại sau đó duỗi ra. Động tác này giúp chân khỏe mạnh và giảm đau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận