Người dân gửi tiết kiệm tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cũng giống như một số vụ việc tương tự xảy ra trước đây, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rất mạnh mẽ và rõ ràng là sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, người dân nên hết sức bình tĩnh vì nếu rút tiền gửi trước hạn sẽ rất thiệt thòi, không những thế còn gây thêm phần khó khăn, nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng.
Từ Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho đến Luật bảo hiểm tiền gửi và các luật khác đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất.
Về cơ chế bảo đảm chung, Luật các tổ chức tín dụng đã có tới 54 lần nhắc đến từ "an toàn" đối với các tổ chức tín dụng nói chung và đối với an toàn tiền gửi của khách hàng nói riêng.
Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng quy định như sau: Khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản.
Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng (trong bối cảnh bình thường thì khoản nợ có tài sản bảo đảm được ưu tiên cao nhất). Như vậy, các ngân hàng thương mại có cơ sở yên tâm cho vay để hỗ trợ.
Với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, nếu một ngân hàng không bảo đảm được việc chi trả tiền gửi cho người dân thì sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, cũng khác với các doanh nghiệp thông thường, điều 99 Luật phá sản đã quy định, chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước đã không thể "cứu" được nữa thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản ngân hàng.
Và cuối cùng, nếu ngân hàng có bị phá sản, thì khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước các khoản nợ Nhà nước và nợ của các chủ nợ thông thường khác theo quy định tại điều 101 về "Thứ tự phân chia tài sản", Luật phá sản.
Đối với cơ chế bảo hiểm tiền gửi, Luật các tổ chức tín dụng từ năm 1997 cũng như điều 10 về "Bảo vệ quyền lợi của khách hàng" của luật hiện hành đều quy định: Tổ chức tín dụng có trách nhiệm "Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật".
Tuy hiện nay chưa đạt được mức "bảo toàn tiền gửi", tức là Bảo hiểm tiền gửi chi trả 100%, nhưng điều luật này đã chứa đựng một mục tiêu mong muốn là "bảo toàn tiền gửi". Và trên thực tế, nó đã và đang được vận hành để bảo đảm an toàn và giữ vững sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng.
Quy định rõ ràng để bảo vệ người gửi tiền là trong Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp ngân hàng thương mại không chi trả được cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi (tổ chức của Nhà nước) sẽ chi trả tiền bảo hiểm.
Điều 18 về "Tiền gửi được bảo hiểm", Luật bảo hiểm tiền gửi quy định: "Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng".
Tuy hạn mức chi trả của Bảo hiểm tiền gửi hiện nay chỉ là 125 triệu đồng, nhưng đây chỉ là một trong những cơ chế bảo đảm được minh định cụ thể trong một tổng thể vấn đề.
Như vậy, có thể nói xét về pháp luật trong bối cảnh thực tế, ngay cả trường hợp xấu nhất, thì cũng chỉ cổ đông và các chủ nợ khác bị thiệt hại, còn người gửi tiền, nhất là cá nhân, sẽ được Nhà nước bảo đảm quyền lợi ở mức cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận