23/04/2016 14:20 GMT+7

Bảo vệ phóng viên có lúc còn chậm

 VIỄN SỰ - MAI HOA (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ - MAI HOA ([email protected])

TTO - Hạn chế này được ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - nhấn mạnh khi đánh giá về hoạt động của Hội Nhà báo VN.

Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - và các đại biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác hội và thi đua, khen thưởng năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 diễn ra sáng 22-4 - Ảnh: Quang Định
Ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - và các đại biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác hội và thi đua, khen thưởng năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 diễn ra sáng 22-4 - Ảnh: Quang Định

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc của Hội Nhà báo VN về “Tổng kết công tác hội và thi đua, khen thưởng năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016” diễn ra ngày 22-4 tại TP.HCM, ông Võ Văn Thưởng nói:

“Việc lên tiếng bảo vệ những phóng viên báo chí bị đe dọa, hành hung, cản trở khi tác nghiệp đúng pháp luật và cả việc phê bình các phóng viên, nhà báo có biểu hiện tiêu cực, trong một số trường hợp còn chậm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, thậm chí tạo vấn đề phức tạp”.

Báo Tuổi Trẻ đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc không chỉ bởi luôn có nhiều thông tin kịp thời, cách tiếp cận sắc sảo mà còn bởi nhiều chương trình ý nghĩa như Góp đá xây Trường Sa, Tháng 3 biên giới, Ước mơ của Thúy, Tiếp sức đến trường...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM ĐINH LA THĂNG

Phải là “ngôi nhà ấm tình đồng nghiệp”

Theo ông Võ Văn Thưởng, những hạn chế trên có khởi nguồn từ những nguyên nhân chủ quan trong hoạt động của Hội Nhà báo VN. Ông cũng cho rằng Hội Nhà báo VN chưa nhanh nhạy trong việc nắm bắt diễn biến, khuynh hướng tư tưởng hội viên.

Một số hoạt động của hội vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng cán bộ làm công tác hội chưa thật sự đáp ứng yêu cầu... Ông mong muốn phải xây dựng Hội Nhà báo VN thật sự là “ngôi nhà ấm tình đồng nghiệp”, “nơi kết nối, giao lưu, tin cậy và chia sẻ” của hội viên...

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho rằng mọi người đang sống trong một xã hội mở về thông tin.

Đây là môi trường nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí. Và tổ chức hội cần phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao vị thế, tương xứng với sự phát triển của báo chí.

Ông cũng lưu ý bối cảnh đời sống truyền thông và đời sống xã hội hiện nay phong phú, đa dạng, sinh động nhưng cũng có nhiều vấn đề mới, phức tạp.

Thậm chí, có cả những mưu toan lợi dụng tự do dân chủ, tự do ngôn luận để tổ chức các hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại những giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng chân chính đã và đang phấn đấu.

“Có một điều lo lắng nữa đến từ sự non kém nghề nghiệp, xa rời thực tiễn đổi mới của đất nước, thậm chí suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận nhà báo.

Hội Nhà báo VN cần phát huy ưu thế, chủ động phối hợp tốt hơn với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí để làm tốt việc định hướng chính trị tư tưởng” - trưởng Ban Tuyên giáo trung ương nói.

Nhà báo Thuận Hữu - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Hội Nhà báo VN, tổng biên tập báo Nhân Dân - thừa nhận những hạn chế của tổ chức hội, như việc ở một số nơi hoạt động hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức.

Nhà báo Thuận Hữu cho rằng tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi các cấp hội không ngừng đổi mới, tập hợp đoàn kết rộng rãi các nhà báo vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí là nơi dân thể hiện quyền làm chủ

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói ông đặc biệt ấn tượng và đánh giá cao những hoạt động đầy tính sáng tạo của một số cơ quan báo chí trung ương và TP.

Dẫn chứng cho nhận định này, bí thư Thành ủy đã nhắc đến báo Tuổi Trẻ, tờ báo mà theo ông luôn có nhiều thông tin kịp thời, cách tiếp cận sắc sảo.

Nhưng hơn cả, theo bí thư Thành ủy, dấu ấn sâu đậm mà báo Tuổi Trẻ tạo được trong lòng bạn đọc còn từ những chương trình ý nghĩa như Góp đá xây Trường Sa, Tháng 3 biên giới, Ước mơ của Thúy, Tiếp sức đến trường...

Bí thư Thành ủy cũng nhắc đến các chương trình ý nghĩa của báo Sài Gòn Giải Phóng, của Đài Tiếng nói nhân dân TP để minh chứng cho đánh giá của mình.

Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Báo chí cần phải vừa là công cụ cung cấp thông tin, tuyên truyền có định hướng rõ ràng, vừa là diễn đàn xã hội để người dân tương tác với cấp chính quyền, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng cũng như thể hiện quyền làm chủ của họ”.

Theo ông, để mọi thành phần xã hội cùng bắt tay vào một cách thực tâm và trách nhiệm, để những chương trình lớn nhỏ của TP, của đất nước không chỉ nằm trên giấy thì cần có sự trợ giúp của báo chí.

Ông mong muốn những người làm báo cả nước và các nhà báo đang sinh sống tại TP.HCM sẽ giúp Đảng bộ, chính quyền TP mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong việc nắm bắt các thông tin về mọi mặt đời sống.

Ông Đinh La Thăng khẳng định: “Lãnh đạo TP.HCM sẽ phối hợp với Hội Nhà báo VN tạo điều kiện để các phóng viên báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thuận lợi và an toàn nhất”. Ông cho rằng tất cả những điều đó là cách để cùng nhau quyết tâm thay đổi cách nghĩ, cách hành động.

Trong đó nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, đã nói là làm, làm được thì mới nói, mới hứa. Kết lời phát biểu, bí thư Thành ủy chia sẻ:

“Tôi chân thành nghĩ rằng bất cứ sai sót nào cũng sẽ được nhân dân tha thứ nếu những người chịu trách nhiệm về nó trung thực, cầu thị, chân thành và minh bạch. Tôi mong nhận được sự chia sẻ sâu sắc của các nhà báo về quan điểm này”.

Quy tắc tác nghiệp báo chí có theo kịp bối cảnh xã hội?

Trăn trở về đạo đức nhà báo trong tình hình hiện nay, nhà báo Tạ Bích Loan - chủ tịch liên chi hội nhà báo Đài truyền hình VN - nói: Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo năm 2005 đã có quy định về đạo đức báo chí nhưng hơn 10 năm đã trôi qua, xã hội đã có rất nhiều sự thay đổi, bối cảnh báo chí thay đổi.

Đặc biệt là sự ra đời của Hiến pháp 2013 với những điều luật đề cao quyền con người, quyền bí mật riêng tư của con người, suy đoán vô tội..., đó là những điểm rất mới cần nhìn vào để soi rọi lại hoạt động của báo chí.

“Khi quyết định đưa hay không đưa một bài báo, một chương trình truyền hình thì ngoài lượt view, số lượng người xem thì còn gì nữa?

Chúng ta đã có Luật báo chí sửa đổi, vậy thì có cần những quy định chỉ ra một cách rõ ràng hơn nữa về cách thức tác nghiệp báo chí hay không?

Luật ngay từ bây giờ đã tạo ra nhiều sự chuyển biến trong xã hội, nhưng có những điều mà luật không quy định, chỉ phụ thuộc vào cảm nhận, lương tâm, giá trị sống của chính người cầm bút, cầm máy quay mà thôi” - nhà báo Tạ Bích Loan trăn trở.

Nhà báo Tạ Bích Loan cho rằng cần có những quy định cụ thể, chi tiết về quy tắc tác nghiệp trong mỗi cơ quan báo chí.

Như vậy sẽ giúp các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ mới vào nghề, biết được mình nên và không nên làm gì. Xã hội sẽ biết được hành xử của nhà báo như thế nào là đúng, là sai.

VIỄN SỰ - MAI HOA ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp