Ngư dân vào cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) sau chuyến đánh bắt - Ảnh: THÁI THỊNH
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Hùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Ông Hùng cho biết hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng một lần. Trong trường hợp có biến động về nguồn lợi thủy sản trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh sản lượng cho phép khai thác theo loài.
* Cụ thể của việc phân bổ số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ra sao, thưa ông?
- Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan rà soát, đánh giá để giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.
Ngoài ra việc giao hạn ngạch cũng căn cứ vào kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản của biển Việt Nam giai đoạn từ năm 2011-2016. Kết quả điều tra cho thấy so với giai đoạn 2000-2005, nhìn chung tỉ lệ các loài hải sản có giá trị kinh tế có biến động giảm đáng kể.
Từ đó bộ ban hành quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo hiện trạng số tàu cá tại vùng khơi của các địa phương (31.548 giấy) nhằm đảm bảo tính kế thừa, đảm bảo an sinh xã hội, tránh tình trạng khiếu nại giữa các địa phương và cộng đồng ngư dân.
* Vì sao phải quy định về tàu có chiều dài trên 15m, công suất trên 90 CV mới được đánh bắt tại vùng khơi?
- Trong khai thác thủy sản, mỗi loại tàu đều có tính ổn định riêng phụ thuộc vào yêu cầu của vùng biển khai thác thủy sản. Bộ NN&PTNT đã đề xuất khối tàu từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, đồng thời đăng tải thông tin lấy ý kiến rộng rãi trên nhiều trang thông tin để các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức và người dân đóng góp ý kiến.
* Vậy bộ có giải pháp nào để chuyển đổi nghề cho ngư dân khi họ không được cấp phép hạn ngạch khai thác thủy sản vùng khơi?
- Bộ sẽ có những chính sách để thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương.
Đồng thời đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Lê Văn Sơn (chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi):
Lo thiếu thợ máy
Ngoài việc quy định tàu phải dài trên 15m..., Bộ NN&PTNT còn quy định tàu thuyền công suất lớn thì ngư dân phải có chứng chỉ thợ máy mới được ra khơi.
Tuy nhiên, đây là quy định mới, hơn nữa hiện nay bộ cũng chưa đưa ra chương trình, khung đào tạo thợ máy, nên tạm thời quy định này chưa thực hiện.
Chúng tôi đang liên hệ một số cơ sở đào tạo uy tín, để ngay khi bộ đưa ra khung đào tạo thì lập tức ngư dân có thể học và đáp ứng đủ các giấy tờ, thủ tục trước mỗi chuyến vươn khơi, bám biển.
TRẦN MAI ghi
Ông Đặng Duy Hải (phó trưởng Chi cục thủy sản Đà Nẵng):
Quy định hạn ngạch phải tính nguồn lợi thủy sản ven bờ
Việc cấp hạn ngạch đánh bắt theo vùng dù xáo trộn nhưng là cần thiết để duy trì và phục hồi nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên khi đã cấp ngạch vùng khơi thì cần phải điều tra nguồn lợi vùng lộng và ven bờ. Bởi số tàu không đủ điều kiện đi xa sẽ tập trung về vùng ven bờ có khả năng gây mất ổn định nguồn lợi ở vùng này.
Cấp theo hạn ngạch thì các địa phương phải tính toán được nguồn lợi ở các vùng ven bờ để đánh giá được trữ lượng. Tuy nhiên theo tôi biết chưa địa phương nào có đánh giá đủ căn cứ để định biên tàu bè vùng lộng và ven bờ.
TRƯỜNG TRUNG ghi
Ông Ngô Tấn (phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam):
Hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu
Bộ NN&PTNT giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tỉnh là 782 chiếc tàu. Tuy nhiên số tàu được cấp giấy phép tham gia đánh bắt ở vùng khơi theo hạn ngạch mới chỉ có khoảng 650 chiếc.
Để đối phó với việc này, tỉnh đã có hướng hỗ trợ ngư dân là nếu tàu không đủ điều kiện để đánh bắt vùng khơi thì nên đóng mới. Và quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh sẽ hỗ trợ 1,5 tỉ đồng cho một tàu để đóng mới, sửa chữa nâng cấp được hỗ trợ từ 300-500 triệu đồng.
Bộ ra quyết định như vậy nhưng không khuyến cáo, cho địa phương biết trước nên một số địa phương còn lúng túng.
LÊ TRUNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận