Nhìn vào bảng số liệu “Tổng số thu thuế bảo vệ môi trường và chi cho bảo vệ môi trường” trên Tuổi Trẻ ngày 15-1, người dân không thể nghĩ khác hơn về đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít xăng lên 8.000 đồng/lít: đó là bù đắp cho ngân sách thiếu hụt!
Cụ thể như năm 2016, tổng thu đến 42.393 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường trong khi mới chỉ chi cho cùng mục đích có 12.290 tỉ đồng, tức mới chỉ chi 28,9%. Rõ ràng là chưa có nhu cầu tăng thu để chi bảo vệ môi trường cho đủ!
Vậy đề xuất tăng thuế môi trường hơn gấp hai lần để làm gì?
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, về thuế, phí và lệ phí bảo vệ môi trường nêu rõ: “Mục tiêu của thuế môi trường là: bên cạnh việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ người gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội để xử lý ô nhiễm hoặc đền bù ô nhiễm;
Mục tiêu chính của việc thu thuế bảo vệ môi trường là nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của các chủ thể thực hiện các hoạt động có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường thay đổi mặt hàng, quy trình sản xuất, khuyến khích các hoạt động tích cực để bảo vệ môi trường”.
Xăng, dầu, than đá... trong số 8 nhóm mặt hàng chịu thuế này.
Rõ ràng, mục tiêu chính của thuế bảo vệ môi trường là nhằm “thay đổi nhận thức và hành vi của các chủ thể thực hiện các hoạt động có khả năng tác động tiêu cực đến môi trường thay đổi mặt hàng, quy trình sản xuất...”.
Hiểu đúng giải thích đó, “các chủ thể chính” cần “thay đổi nhận thức, hành vi” để rồi “thay đổi mặt hàng, quy trình sản xuất” không ai khác hơn là các nhà máy nhiệt điện đang tha hồ sử dụng dầu đốt hoặc than đá, hầu “thay đổi quy trình sản xuất” chuyển sang sản xuất năng lượng “sạch” ; và, trong trường hợp xăng dầu, là các doanh nghiệp lắp ráp, nhập khẩu ôtô, xe máy!
Con số 304.427 ôtô bán được trong năm 2016 mà Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam vừa hân hạnh công bố là một minh chứng cho thấy các “chủ thể chính” này vẫn chưa “thay đổi nhận thức và hành vi” chút nào để “thay đổi mặt hàng, quy trình sản xuất”.
Trái lại, họ đã tăng bán những 60.000 chiếc so với năm trước! Bao giờ những “chủ thể chính” này, những “lò sản xuất các nguồn gây ô nhiễm” mới được “giáo dục” như người dân mua sản phẩm của họ?
Có phải là trong thời gian qua đã quá ưu ái cho lắp ráp chỉ theo tiêu chuẩn khí thải Euro 2 thay vì Euro 4 hay 5, 6 hầu giảm chi phí sản xuất, song lại phà khí thải độc hơn cho xã hội gánh!
Và nay lại là người dân “đổ vỏ” cho các “chủ thể” đó với việc tăng thuế bảo vệ môi trường đánh trên xăng từ 3.000 đồng lên những 8.000 đồng/lít!
Trên bình diện cuộc sống, đánh thêm thuế gì đi nữa vào xăng chính là đánh vào sức mua của đại đa số người dân đang cần xăng “bán đúng giá” để cuộc sống bớt vật vã!
Còn muốn thu đủ ngân sách thì tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thêm nữa đối với những mặt hàng như thuốc lá, rượu bia (những món mà cả thế giới liệt vào độc hại, và các nước thường tăng thuế ở nhóm này mà không bị kêu ca, khi cần bù đắp cho ngân sách)!
Còn chống chế rằng tăng thuế thuốc lá, thuốc lá lậu sẽ tràn vào thì có phải do cái “lưới” kiểm soát đó đã bị “lủng” quen rồi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận