19/04/2015 09:19 GMT+7

​Bảo vệ môi trường, hãy bắt đầu từ trẻ em

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - Hai năm ở VN, tôi đã hỗ trợ và trực tiếp giảng dạy kỹ năng cho nhiều trẻ em. Tôi từng đến Hà Nội và vô cùng yêu thích những hàng cây xanh ở đây cũng như nhiều lần qua lại trên đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM.

Cô Raina Stella Reyes - Ảnh: L.N.
Các em từng đề nghị: “Hay là chúng ta tìm cách hỗ trợ nhóm không muốn chặt cây?”. Đây là tiến bộ rất lớn của các em mà chúng tôi không ngờ tới
Cô Raina Stella Reyes 

Chiều chiều nhìn thấy người dân đi bộ dọc con kênh, những quán xá mọc lên cũng hưởng lợi nhờ con kênh trong sạch này thì tôi càng ngạc nhiên và thích thú khi biết trước đây con kênh này vốn là nơi vô cùng ô nhiễm, nghẹt đầy rác.

Buồn với cảnh chặt cây, câu cá

Khi đọc báo thấy người ta chặt cây ở Hà Nội tôi buồn lắm vì tôi sống ở Q.2 (TP.HCM) nơi có khá nhiều cây xanh. Tôi cảm thấy quý và trân trọng việc môi trường sống có nhiều cây xanh bao quanh bảo vệ. Theo tôi, việc phải đánh đổi môi trường xanh sạch để xây dựng và phát triển thành phố hiện đại hơn, to đẹp hơn là điều không thể vội vàng quyết định.

Tôi đã từng nhìn thấy có những người câu cá hay thậm chí gần đây họ còn dùng cả lưới, xuyệc điện để bắt cá vào ban đêm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tôi thật sự không hiểu vì sao người ta có thể lờ đi những lời nhắc nhở đừng đánh bắt cá ở đây cũng như xem nhẹ những nỗ lực của thành phố trong việc làm sống lại dòng kênh này để vô tư đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Theo tôi, những con kênh, dòng sông sẽ “chết” trở lại nếu không có cá sinh sống, trưởng thành. Tất nhiên có những người cũng kiếm sống bằng việc đánh bắt cá, nhưng đây không phải là cách tốt nhất và càng không thể đánh bắt cá được thành phố thả nuôi dưới dòng kênh vừa hồi sinh.

Tuy không làm việc trực tiếp với việc bảo vệ môi trường, nhưng tôi có những cơ hội để tiếp cận với trẻ em, giúp chúng hiểu thêm tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống. Philippines thường xuyên bị tàn phá bởi các cơn bão, lũ, lụt nên khi còn ở Philippines tôi đã tham gia những chương trình hỗ trợ, huấn luyện cho trẻ em sau các thảm họa thiên nhiên.

Chúng tôi đến những nơi bị bão, lũ tàn phá giúp đỡ trẻ em vượt qua khó khăn và tìm cách giải thích cho chúng biết vì sao thảm họa lại xảy ra.

Chúng tôi giảng giải để các em hiểu chính sự tàn phá thiên nhiên của con người đã làm ảnh hưởng và thay đổi môi trường sống. Không phải tự nhiên bão lũ xảy ra mà là do con người không bảo vệ môi trường một cách bền vững.

Bằng cách này hoặc cách khác chúng tôi giúp cho trẻ em - những nạn nhân của bão lũ - hiểu tầm quan trọng của cây xanh trong môi trường sống, sự sạch sẽ của các con sông, kênh rạch, sự sinh sôi nảy nở của các loài sinh vật trong nước...sẽ giúp tái cân bằng và gìn giữ môi trường sống.

Khi trẻ em hiểu một cách cơ bản về việc bảo vệ môi trường, chúng sẽ biết cách tái sử dụng các vật liệu, đồ dùng và gìn giữ môi trường...nên cách tốt nhất là giúp chúng bắt đầu với những việc học tập về bảo vệ môi trường từ khi ở nhà. Chẳng hạn giúp chúng duy trì việc dọn dẹp và giữ môi trường sống ở nhà sạch sẽ, ngăn nắp, tái sử dụng những vật dụng trong nhà...

 Trong khu vườn Bách Thảo (Hà Nội) có tường, cổng và lực lượng bảo vệ nhưng nhiều cây sưa ở đây còn bị quấn dây kẽm gai xung quanh để đối phó với những người muốn đóng đinh, khắc tên trên cây, thậm chí chặt trộm cây - Ảnh: Nguyễn Hường

Trẻ em sẽ nhắc người lớn làm đúng

Tôi là giáo viên nên tôi tin rằng trẻ em có thể đóng vai trò lớn trong việc thay đổi cách nghĩ và hành động của người lớn.

Chúng tôi đã từng yêu cầu trẻ em thu thập các bài báo nói về môi trường mang đến lớp học để bàn luận xem có cách nào giải quyết vấn đề mà báo chí đang nói.

Chúng tôi cũng hỏi các em nghĩ thế nào về môi trường. Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, đôi khi trẻ em có những ý nghĩ rất thẳng thắn.

Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh của mình nghiên cứu và quan tâm đến môi trường xung quanh, ghi nhận những biến đổi mà chúng cho rằng không tốt cho môi trường.

Chúng tôi để cho các em đề xuất các ý kiến làm thay đổi và ngăn chặn sự tàn phá môi trường bằng những kiến thức các em đã học ở trường, học qua báo chí hoặc là chính những ý tưởng mà các em đã thảo luận với phụ huynh trong quá trình ở nhà. Và chính điều này cũng làm cho phụ huynh thường ngày chỉ lo chuyện cơm áo gạo tiền biết lùi lại để nhìn lại những việc mình làm chưa đúng trong đối xử với môi trường sống.

Đôi khi đó là những việc đơn giản như bị các em nhắc đừng vứt rác, đừng đi vào đường cấm, đừng vượt đèn đỏ...những việc mà thường ngày không ít phụ huynh xem nhẹ.

Những việc đúng mà họ đã từng được dạy dỗ, nhắc nhở khi còn nhỏ nhưng vì lý do nào đó lại xem thường và lãng quên khi đã lớn lên, trưởng thành.

Trong những trường hợp này, trẻ em lại chính là những người nhắc nhở rất tốt, kéo chúng ta lại những quy định đúng đắn để giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ môi trường.

RAINA STELLA REYES (giáo viên, người Philippines) 

 

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp