Học trong điều kiện thiếu ánh sáng kéo dài sẽ khiến mắt thêm bệnh. Ảnh: vnio.vn
Vẫn biết "học tập là chuyện cả đời" nhưng hiếm khi có người đến mùa thi lại đủng đỉnh. Con mắt vốn đã bị "bóc lột" tàn nhẫn hàng ngày lại khốn khổ trong mùa thi. Bao nhiêu thứ phải tập trung nhìn để nhập tâm và thuộc lòng là bấy nhiêu mệt mỏi cho con mắt, bệnh tật cũng vì thế mà đeo bám. Thử điểm qua những khó chịu của con mắt học trò trong ngày thi và cách giảm nhẹ chúng.
Khô mắt, mỏi mắt, đỏ mắt ai cũng gặp
Cứ đến mỗi kỳ thi, các bạn học sinh-sinh viên dồn hết sức lực vào việc học suốt ngày đêm. Thời gian ngủ với nhiều người chỉ còn 5 giờ, có khi ít hơn. Máy tính, sách vở làm não điều khiển mắt tập trung căng thẳng, tần số chớp mắt giảm nhiều từ 15 lần/phút chỉ còn phân nửa. Điều này làm cho lớp nước mắt trên bề mặt nhãn cầu luôn bị thiếu hụt. Khô mắt, rát mắt, cay mắt từng cơn là hiện tượng sĩ tử nào cũng gặp phải. Lòng trắng hay kết mạc cũng vằn đỏ do thức đêm, do day dụi hay khô mắt. Để giảm thiểu những khó chịu trên, tiếp tục học hành cho qua mùa thi nhiều người chọn rửa mặt hay vã nước rồi quay lại học tiếp. Mắt trở nên mát mẻ, trí óc tỉnh táo hơn… chứng tỏ rửa mặt là biện pháp tốt. Nhưng để lâu dài và cơ bản hơn vẫn là dùng nước mắt nhân tạo, độ nhớt thấp hoặc trung bình tăng cường độ ẩm ướt cho mắt. Bên cạnh đó có thể dùng thuốc nhỏ mắt có sinh tố nhóm B, taurin để tăng khả năng điều tiết cho mắt…
Nháy mắt không tự chủ xảy ra lần đầu hoặc tăng lên
Khá nhiều bệnh nhân là học sinh đến phòng khám than phiền là họ rất khó tập trung học hành vì đột nhiên một hoặc hai bên mắt nháy liên tục, không thể kiểm soát được. Họ bị tic mắt hay co quắp mi (blepharospasm) do stress học hành, cũng có thể kèm theo bệnh mũi xoang hay bệnh của nhóm răng hàm trên. Kinh nghiệm cho thấy khó chịu này sẽ mất khi được nghỉ ngơi thích đáng, chữa dứt điểm các bệnh vừa nêu. Hiếm khi phải tiêm thuốc liệt cơ hay phẫu thuật.
Một số mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn chặn được cơn co quắp mi: Chườm nóng và massage mắt; day một số huyệt quanh mắt: Toản trúc, tình minh, thái dương, nhân trung…; uống sinh tố nhóm B, A và E.
Cận thị sẽ tăng số, nếu có tật khúc xạ mà không điều trị sẽ khó chịu hơn
Nhìn gần cường độ cao, trong thời gian dài làm phát sinh hay tăng số cận thị. Điều này đã rõ ràng. Nghiên cứu của Singapore cho thấy sau mùa ôn thi vào đại học mỗi thí sinh tăng gần 1 D cận thị. Một số người còn bị co quắp điều tiết do mắt nhìn gần và phải điều tiết trong thời gian dài. Mắt có thể không cận nhưng đeo kính cận sẽ nhìn rõ hơn, vật nhìn mờ đi và lùi ra xa. Ai đó có viễn thị, loạn thị cũng sẽ nhanh mỏi mắt, làm việc khó tập trung đặc biệt là đối tượng từ chối đeo kính. Đơn giản là đôi mắt cũng như đôi chân, chỉ bắt làm việc mà không hỗ trợ sẽ gây ra mệt mỏi, không thể hoàn thành thiên chức. Đi xe máy hay ô tô là biện pháp giúp chân tránh mệt mỏi, con mắt cũng cần chăm sóc tương tự như đeo kính hay dùng thuốc. Những rắc rối này sẽ không trở nên khó chịu nếu bạn lên kế hoạch học tập thật chuẩn, đừng tra tấn con mắt và bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
Một số bệnh vốn có sẽ nặng lên
Một số bệnh thường xuất hiện hay nặng lên khi chủ nhân của chúng bắt buộc phải thức đêm, học hành ví dụ như bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, viêm màng bồ đào, xuất huyết võng mạc. Đôi mắt ốm yếu, các hàng rào bảo vệ mắt suy sụp, chấn thương mắt do ánh sáng có thể là nguyên nhân gây bệnh tuy còn nhiều tranh cãi. Nếu các sĩ tử thấy thị lực suy giảm đột ngột, có đau nhức mắt hoặc không, thấy có vùng đen trước mắt, cảm giác ruồi bay hay sương khói trước mắt thì nên đi khám bác sĩ mắt.
Hành trang cho con mắt trong mùa thi là gì?
Các bạn học sinh sinh viên nên trang bị:
- Một lọ nước mắt nhân tạo, khi thấy khô rát hay mỏi mắt nhỏ vài giọt.
- Ngoài ăn uống đủ chất có thể dùng thêm một loại thuốc bổ mắt tổng hợp trong kỳ thi: Eye plus, avista vision, tonic eye… có vitamin A-E-C-B1 và B2 thêm khoáng vi lượng là kẽm và selene.
- Phải ngủ được tối thiểu 5 giờ một ngày, đừng thức vài đêm liên tục dễ bị đột quị và bệnh lý mạch máu đáy mắt.
- Tắm nước nóng, massage mắt luôn tốt cho sức khỏe và con mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận