Cam go chống cát tặc tại TP. HCM
Cát biển ở Cần Giờ, cát sông ở vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bị cát tặc hoành hành ngày đêm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Sau nhiều chuyến bám tàu tuần tra mật phục cùng Bộ đội biên phòng TP.HCM, PV Tuổi Trẻ đã chứng kiến những "trận chiến" giữa lực lượng truy bắt và cát tặc.
Vì lợi nhuận quá lớn nên những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động, liều lĩnh. Bọn chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt, điển hình là vụ hàng chục đối tượng bao vây, ném đá vào lực lượng biên phòng rạng sáng 7-5
Đại úy Đặng Đình Tiến
22h ngày 7-5, chúng tôi cùng lực lượng chức năng chạm mặt nhóm cát tặc ở đoạn sông Đồng Nai thuộc P.Long Trường (Q.9, TP.HCM).
Lực lượng biên phòng kiểm tra một sà làn cát neo đậu trên sông Đồng Nai - Ảnh: L.PHAN
40 cát tặc vây 4 chiến sĩ biên phòng
Thời điểm đó, Trạm biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng (Q.2) cách hiện trường vài trăm mét thì các nhóm cát tặc đã phát hiện nên rút vòi bỏ chạy làm náo loạn cả một khúc sông.
Một số người không chạy kịp cũng rút nút lù đáy ghe đánh chìm 4 ghe đang bơm hút cát, rồi bơi vào bờ lẩn trốn. Số khác bị lực lượng biên phòng áp sát, khống chế.
Có nhiều ghe vừa bị đánh chìm và do lực lượng quá ít so với nhóm cát tặc nên không thể truy đuổi đến cùng, một số tên bỏ trốn, 4 chiến sĩ biên phòng phải neo canô lại để giữ hiện trường.
Sự việc tưởng đã kết thúc, nhưng bất ngờ gần 40 người khác đi trên nhiều ghe máy từ các hướng lao tới bao vây, gây áp lực với lực lượng biên phòng.
Các ghe máy này chạy lòng vòng canô, nổ máy ầm ĩ để thị uy lực lượng. Manh động hơn, nhiều người vừa chửi bới vừa dùng gạch đá thủ sẵn trên ghe ném liên tục về phía canô của lực lượng giữ hiện trường.
Do đêm tối, phần canô có cabin nên các chiến sĩ biên phòng lánh vào đó tránh được "cơn mưa" gạch đá của cát tặc.
Tình huống quá khẩn cấp buộc các chiến sĩ biên phòng phải gọi lực lượng chi viện từ Trạm biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng. Nhận được tín hiệu cầu cứu, chỉ huy trạm huy động 20 chiến sĩ và điều thêm 6 canô mở hết tốc lực lao đến hiện trường. Lúc đó nhóm cát tặc đang bao vây 4 chiến sĩ biên phòng mới chịu rút lui.
Sau khi ổn định tình hình, hàng chục chiến sĩ phải thức trắng đêm canh giữ hiện trường để phục vụ công tác trục vớt ghe, phục vụ điều tra ngày hôm sau.
"Nhiều lần chạm trán với các đối tượng khai thác cát trái phép, chuyện rút lui và nhận chìm ghe bỏ chạy chúng tôi gặp thường xuyên. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi bị hàng chục người manh động bao vây, ném đá như vậy" - đại úy Đặng Đình Tiến, một trong bốn người bảo vệ hiện trường, nói.
Một ghe gỗ chở cát không rõ nguồn gốc bị lực lượng biên phòng bắt giữ trên sông Đồng Nai - Ảnh: L.PHAN
Đánh chìm tàu để phi tang
Những cuộc chạm trán như trên không phải là hiếm bởi trước đó, ngày 24-4, trong lúc tuần tra trên sông, tổ công tác của Trạm biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng phát hiện một chiếc ghe gỗ không mang biển kiểm soát, gắn sào máy "bạch tuộc" đang cắm vòi hút cát trái phép ở đoạn sông Đồng Nai thuộc khu vực P.Long Bình (Q.9).
Khi phát hiện lực lượng biên phòng, các cát tặc tức tốc rồ ga quay đầu chạy vào rạch Bạch Chèo. Vừa chạy chúng vừa "đánh võng" nhằm tạo sóng và không cho canô của lực lượng làm nhiệm vụ tiếp cận.
Bị truy đuổi ráo riết, biết khó thoát, nhóm cát tặc quyết định đánh chìm ghe nhằm phi tang, nhưng các trinh sát đã nhanh chóng áp sát nhảy lên ghe khóa lại nút lù.
Còn tám người trên ghe nhảy xuống sông bơi vào bờ tẩu thoát bỏ lại ghe với hệ thống vòi hút chằng chịt.
Theo một chiến sĩ biên phòng, với hệ thống bơm hút này, chỉ 1 giờ đồng hồ, chúng có thể khai thác hàng trăm mét khối cát, trị giá lên đến hàng chục triệu đồng.
Mới đây nhất, sáng sớm 11-5, canô của tổ tuần tra Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái đang tuần tra trên sông Đồng Nai, đoạn qua P.Long Trường (Q.9) thì phát hiện 5-6 ghe lặn đang thọc "vòi bạch tuộc" xuống lòng sông để hút cát.
Bị phát hiện, nhiều tên rút vòi hút lên rồi rú ga bỏ chạy. Một chiếc ghe hoán cải đang "say sưa" hút cát không kịp tháo chạy khi canô của cảnh sát đường thủy áp sát, ba người trên ghe thấy thế liền rút nút lù để đánh chìm ghe rồi nhảy ùm xuống sông tẩu thoát.
Các chiến sĩ cảnh sát đường thủy nhanh trí nhảy sang bít lại nút lù để ngăn ghe bị chìm, đồng thời cấp báo về Trạm biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng cử lực lượng phối hợp xử lý đề phòng nhóm cát tặc huy động lực lượng quay lại giải vây.
Trung tá Đào Duy Thao - trưởng Trạm cảnh sát đường thủy Cát Lái - cho hay đa số cát tặc chọn ban đêm để hành sự nhưng khi các lực lượng "làm rát" quá, chúng lại chuyển hoạt động sang ban ngày và sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt.
Các chiến sĩ biên phòng kiểm tra ghe gỗ gắn hệ thống vòi bạch tuộc thu giữ của các đối tượng cát tặc trên sông Đồng Nai - Ảnh: LÊ PHAN
Cảnh giới giăng khắp nơi
Cùng Bộ đội biên phòng TP.HCM đi "săn" cát tặc từ khu vực Q.2, Q.9 đến vùng biển Cần Giờ, mới thấy để phát hiện và bắt được cát tặc là vô cùng gian nan. Có khi trinh sát bị cát tặc tấn công, hoặc bị cát tặc "theo dõi" ngược trở lại, nhất cử nhất động chúng đều có người cảnh giới nắm được.
Đêm 29-4, chúng tôi cùng các chiến sĩ xuống canô tại cầu cảng Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng ra đoạn sông Đồng Nai truy quét cát tặc. Để đảm bảo bí mật, trên canô không được phát bất cứ ánh sáng nào kể cả đèn chớp báo hiệu.
Quần thảo gần một giờ trên các đoạn sông lớn không phát hiện gì bất thường, chiếc canô rẽ sóng vào các cửa sông, luồn sâu vào các con rạch. Thiếu úy Phan Hoài Thu, trinh sát viên, liên tục soi đèn vào các eo đất, những lùm cây lớn tìm ghe hút cát.
Nhận thấy phía xa có ánh đèn chớp tắt liên tục từ một chiếc ghe giữa rạch, trinh sát Thu ra hiệu cho canô rẽ vào rạch nhắm hướng ánh đèn tiến tới.
Chúng tôi hồi hộp chờ đợi giây phút giáp mặt với cát tặc, nhưng khi đến nơi thì ánh đèn mất dạng. Một trinh sát nhận định khả năng cát tặc đã phát hiện canô tuần tra nên đã đánh chìm ghe tẩu thoát.
Sau gần 2 giờ quần thảo, canô quay đầu đưa chúng tôi về trạm biên phòng chốt chặn dưới sông gần chân cầu đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây.
"Có lẽ hôm nay bị động rồi" - một chiến sĩ biên phòng nói.
Chỉ tay về những chiếc ghe đang neo đậu gần tàu sắt có những người đang câu cá trên các trụ cầu, chiến sĩ này nhận định: "Không loại trừ khả năng cát tặc thuê mướn, cử lực lượng cảnh giới đứng câu cá ở đó để theo dõi chúng tôi và thông báo cho đồng bọn đang hút cát ngoài sông.
Nhiều hôm canô chúng tôi đi xuyên đêm nhưng về tay không, thậm chí có khi nửa đêm nhận tin mật báo có ghe khai thác cát trái phép, chúng tôi tức tốc dông canô ra tìm, đến nơi thì các đối tượng đã kịp tháo chạy khỏi hiện trường, dưới sông nước vẫn còn đục ngầu".
Càng về khuya, sương giăng mờ mịt, nhưng chúng tôi vẫn thấy những "thợ câu" đang miệt mài bám trụ. Sau hơn 2 giờ ém quân, khoảng 4h sáng, chúng tôi lại lên canô ngược về khu vực Q.2, cả một đoạn sông dài hàng chục cây số vắng lặng đáng ngờ.
Khi canô về gần đến Trạm biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng, lực lượng biên phòng bất ngờ phát hiện một ghe bầu loại lớn chứa đầy cát mới còn lấm bùn. Hai người đi trên ghe không trưng ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát.
Lực lượng biên phòng bắt tại trận nhóm cát tặc đánh chìm ghe hút cát trên sông Đồng Nai sau một đêm truy bắt - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Trung tá Phan Vĩnh Phú - trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng - cho biết nhìn lượng cát trên ghe, các chiến sĩ biết được cát đó vừa được hút trên sông. Nhưng do không bắt quả tang, không có bằng chứng nên chỉ xử phạt lỗi vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, tịch thu cát và phải trả lại ghe.
Để bắt được cát tặc, nhiều chiến sĩ ngoài tổ chức tuần tra ban ngày, mật phục ban đêm cần phải giả dạng, ngụy trang để tiếp cận hiện trường. Vậy mà không ít lần vẫn bị các nhóm cát tặc phát hiện.
"Có lần nhóm cảnh giới với hàng chục tên còn lao thẳng vỏ lãi lên bãi cạn rồi hùng hổ tiến đến vây các trinh sát ngụy trang đang mật phục khiến họ phải lên xe rút khỏi hiện trường.
Một lần khác, khi các trinh sát đang mật phục trên ghe của một ngư dân thì bị sà lan chở cát cố tình lao thẳng vào ghe. May mắn chủ ghe đã kịp tăng tốc né được. Nếu ghe chìm rất có khả năng các trinh sát đang nằm trong hầm máy chết ngạt" - đại úy Đặng Văn Thành, phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ, kể lại.
Giảm 70% lượng thủy sản khai thác
Một ngư dân thuộc huyện Cần Giờ - người thường xuyên hỗ trợ lực lượng biên phòng ra biển truy bắt cát tặc hoặc báo tin về đất liền khi thấy cát tặc hoạt động - chia sẻ trước đây ra biển một tuần về tôm, cá... đầy khoang thuyền. Hai năm gần đây có khi ra biển nửa tháng trở về chưa được 200kg hải sản.
"Các cồn cát bị hút đi làm thay đổi dòng chảy cuốn cá tôm theo dòng nước, xóa sổ các ngư trường. Mặt khác khi còn các cồn cát tự nhiên, con cá con tôm có chỗ trú ẩn đẻ trứng, sinh sôi. Nay không còn chỗ bám vào, nước cuốn đi hết làm năng suất đánh bắt giảm đi khoảng 70%" - ngư dân này nhận định.
Nhiều điểm nóng khai thác cát trái phép
Theo Bộ đội biên phòng TP.HCM, hiện nay trên khu vực sông Đồng Nai, Soài Rạp, Lòng Tàu, vùng biển Cần Giờ có nhiều điểm nóng về khai thác cát trái phép.
Trong đó, nhiều khu vực đã gây ra tình trạng sạt lở, nhiều hộ dân có sổ đỏ nhưng không còn đất trên thực địa, đặc biệt là đoạn sông Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh giữa phường Long Phước, Long Trường, Q.9 với xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Trên sông Đồng Nai còn một điểm nóng khác là khu vực gần cầu - cảng Đồng Nai. Các đoạn sông Lòng Tàu, Đồng Tranh qua xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ là khu vực trọng điểm của cát tặc hoạt động.
Trên biển, vùng biển Cồn Ngựa giáp ranh giữa Cần Giờ - Vũng Tàu - Tiền Giang cũng là điểm nóng thường bị cát tặc hoành hành ngày đêm với những thiết bị khủng, khả năng khai thác cát lớn.
Số vụ bắt giữ cát tặc liên tục tăng
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, năm 2016 các lực lượng xử lý 38 vụ việc khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đến năm 2017 số vụ tăng lên là 62 và năm 2018 số vụ tiếp tục tăng đột biến lên 121 vụ.
Đầu năm 2019 đến nay, riêng lực lượng biên phòng TP.HCM phát hiện bắt giữ 30 vụ với 90 cát tặc và nhiều ghe, xử phạt hơn 706 triệu đồng. Lực lượng cảnh sát đường thủy cũng tổ chức bắt hơn 15 vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận