
Chương trình kỹ năng ứng phó bạo lực học đường sẽ giao lưu với 4 khách mời
Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức chương trình kỹ năng ứng phó bạo lực học đường lúc 7h ngày 31-3.
Chương trình diễn ra tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM với hai nội dung: giao lưu với các khách mời về bạo lực học đường và ra mắt sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường".
Các khách mời bao gồm:
- Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM
- Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, chuyên viên tham vấn tâm lý, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
- Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
- Nhà báo Hoàng Hương, phóng viên Ban giáo dục, báo Tuổi Trẻ TP.HCM.
Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ chia sẻ về những cách thức giúp học sinh xây dựng tình bạn an toàn, trong sáng; những kỹ năng giúp học sinh tự bảo vệ mình trước những hành vi bạo lực, đồng thời biết cách hỗ trợ bạn bè khi gặp phải tình huống tương tự.

Trang 1 cuốn sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường dành cho học sinh tiểu học
Bên cạnh đó, các khách mời cũng sẽ hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ con khi con bị bắt nạt; hướng dẫn phụ huynh cách làm bạn cùng con; đồng hành cùng con trong quá trình phát triển của trẻ; tạo niềm tin cho trẻ sẵn sàng chia sẻ với ba mẹ khi gặp khó khăn;…
Dịp này, ban tổ chức chương trình cũng sẽ ra mắt bộ sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường". Bộ sách do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam thực hiện, Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành.
Theo nhà báo Hà Thạch Hãn - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một trong hai chủ biên của bộ sách, vì lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học có đặc thù tâm sinh lý khác nhau, môi trường học đường cũng có nhiều điểm khác biệt nên các tác giả đã thống nhất biên soạn hai bộ sách. Đó là Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường dành cho học sinh tiểu học và Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường dành cho học sinh trung học.

Trang 1 cuốn sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường dành cho học sinh trung học
"Bộ sách không chỉ dành cho học sinh mà còn là tài liệu tham khảo cho phụ huynh, giáo viên trong quá trình đồng hành, hỗ trợ học sinh của mình. Chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc những giải pháp, tức là trước mỗi tình huống thực tế em cần làm gì để bản thân mình không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường" - nhà báo Hà Thạch Hãn chia sẻ.
Vì vậy, hai cuốn sách dành 4-5 trang đầu để chỉ rõ những hành vi được xem là bạo lực học đường, những ảnh hưởng của bạo lực học đường, những điều học sinh cần thực hành hằng ngày (như những gợi ý ứng phó với bạo lực học đường theo bảng chữ; danh sách người liên hệ tin cậy; làm quen với việc bộc lộ cảm xúc và nhu cầu…)… Còn lại, phần lớn thời lượng của sách dành cho những tình huống thực tế.
Điểm nổi bật của bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường
Được biết, đội ngũ tác giả của bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường cũng rất đặc biệt, đó là nhà báo và nhà tâm lý. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, nhà báo Hà Thạch Hãn đồng chủ biên cùng với ba tác giả là nghiên cứu sinh ngành tâm lý Đào Lê Tâm An, nhà báo Hoàng Hương và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên.
Trong đó, các nhà báo sẽ đưa ra những tình huống mà họ ghi nhận trong quá trình làm nghề. Từ "chất liệu sống" ấy, các nhà tâm lý sẽ phân tích tình huống để học sinh hiểu rõ vấn đề. Tiếp theo đó, nhà tâm lý sẽ đưa ra những gợi ý để các em học sinh ứng xử, giải quyết tình huống… với mục tiêu không để tình trạng bạo lực học đường diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận