
Học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM trong chương trình Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN
Xem clip nữ sinh Trường THCS Thái Văn Lung, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM bị đánh hội đồng ngày 11-4, nhiều người đã thốt lên: "Tại sao lại để trẻ rơi vào tình trạng này?".
Câu hỏi trên đang là một vấn đề thách thức không chỉ ngành giáo dục mà thách thức toàn xã hội, khi mà các vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng.
Trong đó, những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường nhưng đã hành hạ dã man bạn mình đến mức chấn thương, phải nhập viện điều trị.
Làm sao để hạn chế tình trạng trên? Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức chương trình "Phòng tránh bạo lực học đường - Xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiết".
Chương trình diễn ra vào sáng 14-4-2025 tại Trường THCS Nguyễn Du với sự tham gia của các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh.
Các khách mời của chương trình gồm:
- TS Tô Nhi A - giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, chuyên gia tâm lý học ứng dụng.
- ThS Nguyễn Hải Uyên - chuyên viên tham vấn tâm lý, Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM.
- Chuyên viên Đào Lê Tâm An - nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Tại chương trình, các nhà tâm lý sẽ giao lưu, hướng dẫn học sinh những cách ứng phó để phòng tránh bạo lực học đường.
"Trên thực tế, nhiều vụ bạo lực học đường đã để lại hậu quả đáng tiếc, gây tổn thương trầm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho học sinh. Thế nhưng nguyên nhân của nó đôi khi chỉ là va chạm nhỏ giữa các học sinh, là những lời nói xấu bâng quơ về bạn của mình.
Vì vậy, chương trình không chỉ trực tiếp hướng dẫn học sinh, mà còn đưa ra những lời khuyên hữu ích đối với phụ huynh, thầy cô giáo trong quá trình đồng hành cùng con trẻ, với mục tiêu sâu xa hơn là xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiết.
Ở đó, không có bạo lực học đường. Ở đó, nếu có mâu thuẫn giữa các học sinh thì bản thân các em hoặc những người lớn xung quanh sẽ kịp thời hỗ trợ các em để hóa giải mâu thuẫn đó" - nhà báo Hà Thạch Hãn, phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, chia sẻ.
Chương trình "Phòng tránh bạo lực học đường - Xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiết" nằm trong chuỗi hoạt động "Chung tay phòng chống bạo lực học đường" do báo Tuổi Trẻ đã và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam thực hiện.

Các chuyên gia tham gia chương trình Kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

TS Tô Nhi A - giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM, chuyên gia tâm lý học ứng dụng - trong buổi chia sẻ với học sinh về cách phòng tránh bạo lực học đường do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam tổ chức tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Giới thiệu bộ sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường"

Sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh trung học
Dịp này, ban tổ chức chương trình cũng sẽ giới thiệu bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường. Bộ sách do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam thực hiện, Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành.
Theo nhà báo Hà Thạch Hãn - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một trong hai chủ biên, bộ sách không chỉ dành cho học sinh mà còn là tài liệu tham khảo cho phụ huynh, giáo viên trong quá trình đồng hành, hỗ trợ học sinh của mình.
"Chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc những giải pháp, tức là trước mỗi tình huống thực tế em cần làm gì để bản thân mình không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường" - nhà báo Hà Thạch Hãn chia sẻ.
Vì vậy, hai cuốn sách dành 4-5 trang đầu để chỉ rõ những hành vi được xem là bạo lực học đường, những ảnh hưởng của bạo lực học đường, những điều học sinh cần thực hành hằng ngày (như những gợi ý ứng phó với bạo lực học đường theo bảng chữ; danh sách người liên hệ tin cậy; làm quen với việc bộc lộ cảm xúc và nhu cầu…). Còn lại, phần lớn thời lượng của sách dành cho những tình huống thực tế.

Sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh tiểu học
Đội ngũ tác giả của bộ sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường cũng rất đặc biệt, đó là nhà báo và nhà tâm lý. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, nhà báo Hà Thạch Hãn đồng chủ biên cùng với ba tác giả là nghiên cứu sinh ngành tâm lý Đào Lê Tâm An, nhà báo Hoàng Hương và thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên.
Trong đó, các nhà báo sẽ đưa ra những tình huống mà họ ghi nhận trong quá trình làm nghề. Từ "chất liệu sống" ấy, các nhà tâm lý sẽ phân tích tình huống để học sinh hiểu rõ vấn đề. Tiếp theo đó, nhà tâm lý sẽ đưa ra những gợi ý để các em học sinh ứng xử, giải quyết tình huống… với mục tiêu không để tình trạng bạo lực học đường diễn ra.
Sách Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường hiện được phát hành tại công ty cổ phần và thiết bị trường học các tỉnh, thành phố trên cả nước. Độc giả cũng có thể mua sách trực tuyến tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận