01/12/2022 17:30 GMT+7

Bão từ lỗ hổng trên Mặt trời ập đến Trái đất từ hôm nay 1-12

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Một lỗ hổng 'giống như hẻm núi' trong khí quyển Mặt trời đã mở ra và sẽ phóng một luồng gió Mặt trời tốc độ cao vào từ trường của Trái đất từ ​​ngày 1-12 đến ngày 2-12, gây ra một vụ bão địa từ, theo trang Spaceweather.

Bão từ lỗ hổng trên Mặt trời ập đến Trái đất từ hôm nay 1-12 - Ảnh 1.

Ở xung quanh các lỗ, đường sức từ chiếu vật chất Mặt trời ra ngoài với tốc độ 2,9 triệu km/h - Ảnh: INTERNATIONAL BUSINESS TIMES

Lỗ vành nhật hoa là các khu vực phía trên bầu khí quyển của Mặt trời, nơi có khí điện hóa (plasma) ít nóng và đậm đặc hơn so với các khu vực khác, khiến chúng có màu đen.

Xung quanh các lỗ này, các đường sức từ của Mặt trời thay vì quay ngược trở lại, lại hướng ra ngoài không gian, chiếu vật chất Mặt trời ra ngoài với tốc độ lên tới 2,9 triệu km/h, theo Exploratorium - bảo tàng khoa học ở San Francisco (Mỹ).

Hàng rào các mảnh vụn năng lượng Mặt trời này - chủ yếu bao gồm các hạt electron, proton và hạt alpha - được hấp thụ từ trường của Trái đất. Từ trường này sẽ bị nén lại, gây ra bão địa từ.

Cơn bão đổ bộ vào Trái đất vào ngày 1-12 được dự đoán là một cơn bão địa từ G-1, nó có thể gây ra những dao động nhỏ trong lưới điện và làm suy yếu một số chức năng của vệ tinh - bao gồm cả những chức năng dành cho thiết bị di động và hệ thống GPS.

Tuy nhiên, những cơn bão địa từ cực đoan hơn cũng có thể xuất hiện gây ra những tác động nghiêm trọng. Chúng không chỉ làm cong từ trường của Trái đất và đủ mạnh để đẩy các vệ tinh rơi xuống Trái đất, mà còn có thể phá vỡ các hệ thống điện và thậm chí làm tê liệt Internet.

Bão địa từ cũng có thể đến từ hai hình thức hoạt động khác của Mặt trời: phun trào khối vành nhật hoa (CME) hoặc bùng phát năng lượng Mặt trời.

Theo Trung tâm Dự báo thời tiết không gian, các mảnh vỡ phun trào từ Mặt trời dưới dạng CME thường mất khoảng 15 đến 18 giờ để đến Trái đất.

Tuy nhiên, những tia sáng chói lóa của Mặt trời, có thể gây mất điện vô tuyến, di chuyển với tốc độ ánh sáng để đến Trái đất chỉ trong 8 phút.

Cơn bão địa từ này chỉ là cơn bão mới nhất trong chuỗi các cơn bão Mặt trời bắn vào Trái đất, khi Mặt trời bước vào giai đoạn hoạt động tích cực nhất trong chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm của nó.

Các nhà thiên văn học đã biết từ năm 1775 rằng hoạt động của Mặt trời tăng và giảm theo chu kỳ. Nhưng gần đây, Mặt trời hoạt động tích cực hơn dự kiến, với gần gấp đôi số lần xuất hiện vết đen trên Mặt trời mà Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán.

Theo trang Live Science, các nhà khoa học dự đoán hoạt động của Mặt trời sẽ tăng đều đặn trong vài năm tới, đạt mức tối đa tổng thể vào năm 2025 trước khi giảm trở lại.

Cơn bão Mặt trời lớn nhất trong lịch sử gần đây là sự kiện Carrington năm 1859, giải phóng năng lượng tương đương với 10 tỉ quả bom nguyên tử 1 megaton.

Sau khi đâm sầm vào Trái đất, dòng hạt năng lượng Mặt trời mạnh mẽ đã đốt các hệ thống điện báo trên khắp thế giới và khiến cực quang sáng hơn cả ánh sáng của trăng tròn xuất hiện ở tận phía nam vùng biển Caribbean. Nó cũng giải phóng một luồng khí nặng hàng tỉ tấn và gây mất điện trên toàn bộ tỉnh Québec của Canada, NASA báo cáo.

Nếu một sự kiện tương tự xảy ra ngày nay, các nhà khoa học cảnh báo nó sẽ gây ra thiệt hại trị giá hàng nghìn tỉ USD và gây mất điện trên diện rộng.

Tuần qua Mặt trời hoạt động rất dữ dội và hiện đang hướng về Trái đất Tuần qua Mặt trời hoạt động rất dữ dội và hiện đang hướng về Trái đất

TTO - Tuần qua, Mặt trời đã có 24 vụ phóng hàng loạt vành nhật hoa và Trái đất có một chút may mắn khi không nằm trong vùng lửa này. Tuy nhiên, theo trang tin Earth Sky, tuần này Trái đất đang "chờ đợi những cơn bão" đến từ Mặt trời.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp