Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy khi kết luận tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Trà Mi (bão số 6) chiều 25-10.
Nguy cơ ngập lụt, sạt lở như năm 2020
Theo ông Hoan, sau bão số 3 (Yagi), khi ông đi các tỉnh đều nói đến điều không ai ngờ tới: không nghĩ rằng nơi đó bị sạt lở như vậy. Điều đó cho thấy mọi chuyện đều có thể xảy ra. Vì vậy không được chủ quan, sự chuẩn bị không hối tiếc, phải chuẩn bị ở mức độ cao nhất.
Ông Hoan cũng lưu ý vấn đề sạt lở ở miền núi phía tây các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Nam, Kon Tum nơi thời gian qua phát sinh nhiều trận động đất, địa chất bị suy giảm, khi có mưa lớn rất dễ xảy ra sạt lở. Do đó cần rà soát, thậm chí dùng flycam để rà soát các điểm sạt lở, khu dân cư.
"Thời điểm này các địa phương cũng cần kích hoạt tất cả cộng đồng quản lý phòng chống thiên tai và chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Bộ Quốc phòng chuẩn bị phương án dùng trực thăng để cứu hộ cứu nạn" - ông Hoan nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá đây là cơn bão đầu tiên vào miền Trung năm nay, mạnh ở trên biển và vào gần bờ quần thảo trên đất liền và trên biển rất lâu. Đặc biệt lượng mưa rất lớn, nguy cơ xảy ra kịch bản như năm 2020 gây ra ngập lụt, sạt lở.
Ông Hiệp đề nghị thông tin tuyên truyền đầy đủ nhất đến người dân. "Chúng tôi rất sợ thấy bão vào chủ quan bởi đây là cơn bão lưu gió rất lâu", ông Hiệp nói.
Về tàu thuyền, đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn neo đậu làm sao đảm bảo an toàn để tránh thiệt hại. Đồng thời các tỉnh cần lưu ý cấm biển dài hơn.
"Rút kinh nghiệm bão số 3, các địa phương cần rà soát cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa và đặc biệt phòng chống ngập lụt cần phải tính các phương án" - ông Hiệp nói.
Sẵn sàng trực thăng ứng phó khi có tình huống
Ông Hồ Quang Bửu, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết ba năm gần đây, tỉnh Quảng Nam ít có thiên tai lớn nên có khả năng sinh ra chủ quan. Đối với bão Trà Mi, tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức, thậm chí dùng cả xe máy đi làng xóm để phát loa tuyên truyền.
Đồng thời tổ chức kiểm tra rà soát "4 tại chỗ" từ thôn xóm lên tới tỉnh, cùng với đó là lên các phương án đảm bảo thông tin liên lạc khi có sự cố xảy ra.
"Tỉnh Quảng Nam cấm biển từ 10h ngày 25-10. Nếu bão mạnh, tỉnh dự kiến sẽ sơ tán khoảng 200.000 người dân ở 18 huyện thị. Nếu bão siêu mạnh thì khả năng sơ tán gần 400.000 người" - ông Bửu nói.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh đã lên các phương án ứng phó với bão và đang theo dõi diễn biến để ứng phó bão số 6. Về tàu thuyền, đến sáng 25-10, tất cả các tàu thuyền của tỉnh đã về bờ an toàn. Tại cảng cá Thuận An và Chân Mây có 20 tàu hàng/166 lao động.
Đối với tàu ở các địa phương khác đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh thì Bộ đội biên phòng đang tiếp tục kêu gọi, bắn báo pháo hiệu để các tàu về nơi tránh trú.
Đối với hồ chứa, Thừa Thiên Huế có 3 hồ chứa lớn ở đầu nguồn đều ở mực thấp nhất để đón lũ. Riêng hồ Tả Trạch hiện có khả năng cắt lũ được với lượng mưa 600mm, các hồ còn lại cắt được lũ từ 400 - 500mm.
Đại tá Phạm Hải Châu, phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết để ứng phó với bão số 6, Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng hơn 200.000 bộ đội, dân quân tự vệ và 100 tàu ở các vùng biển và trực thăng sẵn sàng ứng phó khi có tình huống.
"Bão số 6 rất phức tạp, có thể thay đổi hướng đột ngột. Rút kinh nghiệm từ bão Chanchu trước đây, thiệt hại tàu thuyền rất nhiều do ngư dân chủ quan đi ra biển. Vì vậy các địa phương cần làm tốt công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền ra khơi.
Các địa phương cũng cần rà soát các nguy cơ, vị trí có thể xảy ra sạt lở để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, trong đó có thể dùng flycam để rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở" - đại tá Châu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận